11/01/2025

VN Pharma và ‘lỗ hổng’ Health 2000 Canada

Thanh tra Chính phủ đã quyết định thanh tra những khuất tất trong hoạt động của VN Pharma, đặc biệt là quan hệ làm ăn với Helix Pharmaceuticals Canada. Nhưng vẫn còn một công ty nữa mà VN Pharma nhập khẩu thuốc và cũng bị nghi là giả mạo.

 

VN Pharma và ‘lỗ hổng’ Health 2000 Canada

 

 Thanh tra Chính phủ đã quyết định thanh tra những khuất tất trong hoạt động của VN Pharma, đặc biệt là quan hệ làm ăn với Helix Pharmaceuticals Canada. Nhưng vẫn còn một công ty nữa mà VN Pharma nhập khẩu thuốc và cũng bị nghi là giả mạo.

 

VN Pharma và lỗ hổng Health 2000 Canada - Ảnh 1.

Nguyên TGĐ VN Pharma Nguyễn Minh Hùng (bìa phải) bị tuyên 12 năm tù về tội buôn lậu. Các bị cáo còn lại có mức án từ 12 tháng đến 2 năm tù cho hưởng án treo về tội buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức – Ảnh: HỮU KHOA

Cụ thể, bên cạnh các thuốc do Helix sản xuất và đã xác định được hồ sơ chứng nhận chất lượng thuốc là giả mạo, từ năm 2011-2014, VN Pharma còn nhập khẩu nhiều thuốc theo hồ sơ do Công ty Health 2000 Canada sản xuất và nghi ngờ đây cũng là hồ sơ giả mạo.

Thanh tra việc cấp phép cho VN Pharma nhập 7 loại thuốc giảThanh tra việc cấp phép cho VN Pharma nhập 7 loại thuốc giả

TTO – Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc, cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cho VN Pharma và việc VN Pharma trúng thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện.

Trúng thầu từ năm 2013, cuối năm 2014 mới tạm ngưng nhập khẩu

Theo kết quả đấu thầu các năm 2013-2014 của các bệnh viện trung ương và sở y tế các tỉnh thành, riêng năm 2013 VN Pharma và các công ty liên quan đã trúng thầu nhiều tỉ đồng để cung ứng thuốc do Health 2000 sản xuất vào các bệnh viện.

Theo đó, thuốc H2K Levofloxacin, số đăng ký VN 11532-10, do Health 2000 sản xuất đã trúng với số lượng 18.000 chai vào Bệnh viện Bạch Mai (trị giá lô hàng hơn 1 tỉ đồng), 1.800 chai vào Bệnh viện Lão khoa T.Ư, 10.000 chai vào Bệnh viện E (trị giá 950 triệu đồng), 1.200 chai vào Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư…

Tương tự, thuốc MGP Axinex, số đăng ký VN-8497-09, cùng nhà sản xuất Health 2000, đã trúng thầu 15.000 lọ vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, thuốc H2K Ciprofloxacin Infusion 200mg/100ml do Health 2000 sản xuất, liên danh Đại Nam – VN Pharma dự thầu đã trúng thầu 18.000 túi vào Bệnh viện T.Ư Huế (giá trị lô hàng hơn 1 tỉ đồng), Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cũng chấm trúng thầu 12.000 túi thuốc này.

Sản phẩm tương tự dạng chai cũng được chấm trúng thầu 500 chai vào Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Thuốc do Health 2000 sản xuất cũng trúng thầu vào nhiều bệnh viện thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Nai, Tiền Giang…

Đáng nói, sau khi các thuốc này đã trúng thầu và được sử dụng tại các bệnh viện từ năm 2013 thì mãi đến ngày 13-11-2014, phó cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Tất Đạt mới có công văn gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cho biết Cục Quản lý dược đang gửi văn thư cho phía Canada, xác minh thông tin liên quan đến việc thành lập và hoạt động của Công ty Health 2000 Cannada. 

“Trong thời gian chờ ý kiến chính thức từ cơ quan có thẩm quyền Canada, Cục Quản lý dược thông báo tạm ngừng nhập khẩu tất cả các thuốc do Công ty Health 2000 sản xuất hoặc cung cấp vào VN” – thông báo của ông Đạt nêu rõ.

Khác với thuốc do Công ty Helix sản xuất, VN Pharma nhập khẩu đã trúng thầu vào bệnh viện nhưng chưa hoặc ít được sử dụng thì các thuốc do Health 2000 sản xuất người bệnh đã uống hết thuốc từ lâu, cơ quan quản lý mới âm thầm ngưng nhập khẩu vì nghi ngờ hồ sơ của công ty sản xuất có vấn đề. 

Nhưng điều đáng nói là toàn bộ vụ việc về mối liên quan giữa Công ty Health 2000 và VN Pharma đã “biến mất tăm”, chưa hề được xem xét cho đến thời điểm này. 

Ông Nguyễn Tất Đạt, người đã ký thông báo tạm ngưng nhập khẩu thuốc do Health 2000 sản xuất, cũng chưa hề giải thích gì thêm về nguồn gốc và chất lượng thuốc của Health 2000, sau khi đi tìm hiểu sự thật tại các cơ quan chức năng của Canada.

Ai chịu trách nhiệm?

Trả lời báo chí bên lề cuộc làm việc của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng với Bộ Y tế hồi tuần trước, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đồng thời là cục trưởng Cục Quản lý dược thời kỳ cục này cấp phép lưu hành các thuốc do VN Pharma nhập khẩu, Helix và Heath 2000 Canada sản xuất, cho biết cơ quan thanh tra đang xem xét vụ việc này, vì vậy nên hỏi cơ quan thanh tra (thực tế cơ quan thanh tra chưa vào cuộc).

Cũng tại cuộc làm việc này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đặt câu hỏi có phải hoạt động cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc tại Cục Quản lý dược có lỗ hổng, bởi hồ sơ của VN Pharma đã qua mặt hết các thành viên hội đồng, hàng đã vào VN và đã trúng thầu vào nhiều bệnh viện, thậm chí đã sử dụng mới bị phát hiện là giả mạo. 

Ai chịu trách nhiệm về việc này?

Trao đổi với Tuổi Trẻ gần đây, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Phạm Lương Sơn cho biết sẽ rà soát xem có bệnh viện nào đã sử dụng thuốc giả mạo hồ sơ do VN Pharma nhập khẩu. 

Dù vậy, ông Sơn cho rằng nếu phát hiện cũng vẫn bất lợi cho bệnh nhân và cơ quan bảo hiểm do các thành viên lãnh đạo VN Pharma đều phải ra tòa, công ty đã giải tán nên lấy ai chịu trách nhiệm đền bù cho bệnh nhân và trả lại tiền thuốc cho quỹ bảo hiểm y tế?

VN Pharma và lỗ hổng Health 2000 Canada - Ảnh 3.

LAN ANH