10/01/2025

Sao cấm dùng phương tiện hỗ trợ nghe nhìn?

Nhiều giáo viên nước ngoài làm việc ở Việt Nam đã thắc mắc như vậy, khi Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu giáo viên bản ngữ không được sử dụng các thiết bị nghe – nhìn như cassette, CD, bảng tương tác… để nghe nhạc, xem video trong giờ dạy.

 

Sao cấm dùng phương tiện hỗ trợ nghe nhìn?

Nhiều giáo viên nước ngoài làm việc ở Việt Nam đã thắc mắc như vậy, khi Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu giáo viên bản ngữ không được sử dụng các thiết bị nghe – nhìn như cassette, CD, bảng tương tác… để nghe nhạc, xem video trong giờ dạy.

 

Việc cấm nói trên, theo Sở GD-ĐT TP.HCM, nhằm cho học sinh có cơ hội tương tác, thực hành tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Trong khi đó, các giáo viên bản ngữ lại cho rằng điều cấm này là vô lý.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu một vài ý kiến tiêu biểu:

lelané schoeman - Ảnh: QUỐC SỬ

Lelané Schoeman – Ảnh: QUỐC SỬ

* Cô LELANÉ SCHOEMAN (người Nam Phi):

Phương tiện nghe nhìn là giáo cụ hiệu quả

Hiện tôi đang dạy tiếng Anh 9 tiết/tuần tại một trường tiểu học ở TP.HCM. Trước hết, phải nói ngay rằng tôi thấy việc cấm giáo viên sử dụng cassette, CD, bảng tương tác cho học sinh nghe nhạc, xem video trong giờ học là rất buồn cười. 

Mặc dù thực tế có một số giáo viên lạm dụng các công cụ này vì họ quá lười dạy, nhưng hầu hết giáo viên đều sử dụng những công cụ này một cách thích hợp.

Đó là chưa kể nếu cấm như vậy, một số nội dung trong sách có sử dụng tài nguyên âm thanh và video cũng sẽ bị bỏ đi. Ngoài ra, có những đoạn đối thoại trong sách đôi khi đòi hỏi hơn bốn giọng nói khác nhau. Như vậy có vô lý quá không khi bắt giáo viên phải “lồng tiếng” luôn cho nhiều nhân vật? 

Bên cạnh đó, chuyện giảng dạy thông qua âm nhạc không có gì là lạ, đã có những nghiên cứu chứng minh việc học qua âm nhạc (đặc biệt ở độ tuổi còn nhỏ) là một trong những cách hiệu quả nhất để học một ngôn ngữ.

Cá nhân tôi thường sử dụng âm nhạc, video và bảng tương tác khi dạy các em ở độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 3. Khi dạy học sinh lớn hơn (lớp 4 đến lớp 12 trở lên), tôi chỉ thỉnh thoảng sử dụng audio (thường là cho các cuộc đối thoại trong sách).

Thực tế cho thấy đối với học viên nhỏ tuổi, việc giảng dạy có sự trợ giúp của các công cụ nghe nhìn là cực kỳ hiệu quả. Các em rất dễ bị phân tâm và mau chán, nên việc sử dụng âm nhạc, video và bảng tương tác thực sự cải thiện môi trường học tập để các em hứng thú trong học tập.

Kit Davidson - Ảnh: NVCC

Kit Davidson – Ảnh: NVCC

* Ông KIT DAVIDSON (người Mỹ):

Quy định gây hoang mang

Tôi thấy quy định cấm giáo viên bản ngữ dùng các thiết bị nghe nhìn và bảng tương tác là quy định thật khó hiểu. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng học sinh có thể học hỏi bằng nhiều phương pháp khác nhau. 

Có em nhạy nói, có em nhạy nghe hoặc viết, nhưng cũng có em tiếp thu kiến thức thông qua các loại hình nghệ thuật. 

Do vậy, ý tưởng buộc tất cả học sinh phải học theo một cách không phải là ý tưởng hay và thậm chí còn có thể gây tác động xấu đến một số em. 

Theo quan điểm của tôi, việc học không giống như là mặc đồng phục!

Hầu hết giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam đều sử dụng các phương tiện nghe nhìn để hỗ trợ giảng dạy. Nhiều bài học còn có những bài hát hoặc các video ngắn được tích hợp trong đó.

Khi đọc tin tức về những quy định cấm nói trên, không chỉ tôi mà nhiều giáo viên nước ngoài tôi quen ở Việt Nam cũng khá hoang mang. 

Nhiều người trong số đó từng dạy ở các nơi trên thế giới và họ cũng sử dụng các giáo cụ hỗ trợ nghe nhìn tại những nơi đó. Nếu nhiều nước đã nhìn nhận việc đó có hiệu quả thì chúng ta có thể hiểu vì sao nó được áp dụng.

Sau khi Tuoi Tre News (ngày 15-9) đăng thông tin về quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM nói trên, nhiều bạn đọc là người nước ngoài đã gửi ý kiến phản hồi về việc này.

* Tôi đồng tình với chuyện cấm này vì giáo viên bản ngữ không dạy nhiều. Trong khi đó, một số giáo viên tiếng Anh lại khá lười, vào lớp chỉ toàn bật nhạc, không giúp được các em luyện kỹ năng tương tác.

BAR

* Tôi cũng là giáo viên tiếng Anh. Sự thật là giáo viên bản xứ cần nói chuyện với học sinh hơn là dựa dẫm vào bảng tương tác hay âm nhạc.

Ngoài quy định cấm sử dụng các phương tiện hỗ trợ nghe nhìn, Sở GD-ĐT TP.HCM còn cấm giáo viên nước ngoài đặt tên tiếng Anh cho học sinh. Tôi là người đã đặt tên tiếng Anh cho học trò của mình.

Thật sự tôi không gặp khó khăn gì trong việc gọi tên tiếng Việt của các em cả, nhưng tôi nghĩ để nói được tiếng Anh, các em cần nghe được tiếng Anh. Việc có tên tiếng Anh sẽ giúp các em nghe quen tai với các âm tiếng Anh.

ROSS MUNRO

NGỌC ĐÔNG thực hiện