Rủi ro mua dự án trường đại học
Các dự án trường ĐH rất hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư hiện nay vì Chính phủ không cho phép thành lập trường ĐH mới, trong khi các trường CĐ, TCCN đang tuyển sinh hết sức khó khăn.
Rủi ro mua dự án trường đại học
Các dự án trường ĐH rất hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư hiện nay vì Chính phủ không cho phép thành lập trường ĐH mới, trong khi các trường CĐ, TCCN đang tuyển sinh hết sức khó khăn.
Theo Quyết định số 37/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020, đến năm 2020 vùng Đông Nam bộ dự kiến có 55 trường ĐH, vùng đồng bằng sông Cửu Long có 20 trường ĐH… Hiện ở 2 khu vực này đang diễn ra cảnh chuyển nhượng tấp nập các dự án ĐH vì “miếng bánh” không lớn mà lại có nhiều người quan tâm.
Phóng viên Thanh Niên có nhiều lần được tham gia các cuộc thương lượng, chuyển nhượng này.
Mua bán bất thành
Thông qua một người bạn, chúng tôi gặp anh H., người giới thiệu một dự án trường ĐH. Anh H. cho biết dự án này đã được phê duyệt và chủ dự án là chủ tịch HĐQT của một trường trung cấp đang hoạt động. Do khó khăn trong tuyển sinh, vị này rao bán cả dự án ĐH và trường trung cấp theo một “gói”.
Đây là dự án trường ĐH được phê duyệt ban đầu tại TP.HCM, nhưng sau đó đưa về Đồng Nai và đã được tỉnh này cấp đất. Điều băn khoăn lớn nhất là chủ dự án muốn bán cả “gói” trường TC và ĐH, trong khi nhu cầu về trường TC không cao. Địa điểm đặt trường ở ngoài TP.HCM cũng là điều bất lợi trong bối cảnh tuyển sinh thay đổi liên tục hiện tại.
Ban đầu, tôi đi theo một người sở hữu đến 2 trường CĐ, 2 trường TCCN để gặp anh H. Người này muốn mua một trường ĐH vì tuyển sinh CĐ và TC ngày càng khó khăn, trong khi việc nâng cấp hoặc xin phép thành lập trường mới trong thời điểm này là không thể. Tuy nhiên “thương vụ” này bất thành.
|
Cũng dự án này, vài ngày sau tôi dự một buổi gặp gỡ với một đối tác tiềm năng khác. Cuối cùng, đối tác này cũng “buông” và chủ dự án lại đi tìm một người khác.
Những giao dịch như vậy thời gian qua diễn ra rất nhiều nhưng với các dự án ĐH, đa phần đều bất thành.
Chủ dự án nhận tiền đặt cọc rồi tránh mặt
Theo thạc sĩ Lê Lâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, vì đang có nhu cầu sở hữu một trường ĐH, gần đây ông đã liên hệ đề nghị sang nhượng dự án một trường ĐH tại Cần Thơ. Dự án được rao chuyển nhượng 8 tỉ đồng và ông đã đặt cọc 4 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện ông bị chủ dự án tránh mặt và ông phát hiện có nhiều dấu hiệu bất thường. Ông Lâm cho biết đang tiến hành khởi kiện chủ đầu tư của dự án này.
Vừa qua, dự án Trường ĐH Mekong tại TP.HCM cũng gây bàn tán. Dự án này được cấp phép từ năm 2004, nhưng “ngâm” từ đó đến nay. Tiến sĩ Vũ Khắc Chương, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng một trường CĐ, cho biết hiện là chủ đầu tư dự án trên. Ban đầu dự án do 2 người đứng tên nhưng sau khi được cấp phép, người hứa cấp kinh phí đã đi nước ngoài. Vì không có chữ ký chuyển nhượng của người này nên dự án dừng lại vô thời hạn. Một số dự án ĐH khác cũng được rao bán nhưng hiện tại vẫn nằm trên giấy là Trường ĐH Nam Việt (Sóc Trăng) và một trường ĐH tại Q.2 (TP.HCM).
“Ăn quả đắng”
Nhiều dự án trường ĐH dù đã được cấp phép về chủ trương hoạt động nhưng vì nhiều lý do chưa hoạt động được. Vì thế, những người muốn mua lại các dự án này đôi khi cũng “ăn quả đắng”.
TIN LIÊN QUAN
Đại học tư thục đang bị buôn bán!
Theo Luật Giáo dục thì hơn 80 trường ĐH, CĐ ngoài công lập hiện nay phải chuyển đổi thành trường tư thục (TT). Tuy nhiên, do các quy chế về trường TT chưa hợp lý nên quá trình chuyển đổi vẫn còn đầy rẫy những chuyện dở khóc dở cười.
Thạc sĩ Lê Lâm cho biết khi tiếp cận, bản thân không biết được tính phức tạp của dự án. Ông chỉ muốn mua trường ĐH, nhưng chủ đầu tư muốn bán cả dự án khu đô thị. Trong khi đó, những khu vực xung quanh trường đã được phân lô và bán cho người dân. Việc này, theo ông Lâm, sẽ được đưa ra tòa để phân định rõ ràng.
Ông Lâm cho biết trong bối cảnh khó khăn của các trường CĐ, TCCN hiện nay, rất nhiều người muốn mua một dự án trường ĐH. Tuy nhiên, rủi ro là rất cao. Ngoài việc vướng mắc về thủ tục còn là tranh chấp giữa người viết dự án và người bỏ tiền hoặc có thể bị đối tác khác tranh giành, chính quyền thu hồi dự án…
Theo tiến sĩ kinh tế Trần Vinh Dự, chuyên gia về mua bán và sáp nhập, mua bán trường ĐH còn phức tạp hơn nhiều đối với một doanh nghiệp đơn thuần. Lý do là trong giáo dục có rất nhiều “giấy phép con” và quy trình phê duyệt hết sức rườm rà. Mua một dự án trường ĐH đến khi được cấp phép hoạt động, tuyển sinh khó khăn hơn mua một trường ĐH đã hoạt động sẵn nhiều. Theo quy định mới, trường ĐH phải có vốn 1.000 tỉ đồng nên càng khó hơn vì không nhiều người có trong tay số tiền này.
Sẽ rút giấy phép dự án sau 3 năm triển khai mà không hoạt động
Ngày 21.4, Chính phủ ban hành Nghị định 46 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định nêu rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là rà soát quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 – 2020 để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2017 – 2025 và tầm nhìn đến 2030. Trong đó, Chính phủ đề nghị Bộ rà soát các dự án ĐH. Nếu dự án nào đã cấp phép nhưng sau 3 năm không triển khai hoạt động sẽ bị rút lại giấy phép.
|
Đăng Nguyên