16/11/2024

Nên phát triển xe đạp công cộng

Tham gia Diễn đàn Phát triển giao thông công cộng & kiểm soát xe cá nhân PGS.TS Nguyễn Minh Hoà – nguyên trưởng khoa đô thị học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM – đề xuất cách thực hiện việc phát triển xe đạp.

 

Nên phát triển xe đạp công cộng

 

Tham gia Diễn đàn Phát triển giao thông công cộng & kiểm soát xe cá nhân PGS.TS Nguyễn Minh Hoà – nguyên trưởng khoa đô thị học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM – đề xuất cách thực hiện việc phát triển xe đạp.

 

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của ông:

“Việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng truyền thống như xe buýt, xe điện, metro để thay thế xe máy xem ra cũng nan giải. Xe buýt thì thiếu sức hấp dẫn, metro còn xa vời… Trong bối cảnh như thế, việc phát triển xe đạp công cộng xem ra khả thi nhất.

Tạo mạng lưới xe cho thuê

Còn nhớ cách nay chừng vài mươi năm, người dân Việt Nam có thói quen đi bộ, đi xe đạp, ăn nhiều rau xanh. Có lẽ nhờ vậy mà thời đó tuy đói khổ nhưng lại ít người bị bệnh nan y. Còn bây giờ ra đường, dù vài trăm mét mua gói mì tôm, mớ rau… nhiều người cũng đi xe máy.

Việc phục hồi đi xe đạp ở khu vực 930ha của vùng trung tâm TP.HCM là hoàn toàn có thể, nếu các cơ quan chức năng thực sự quyết tâm. Trước mắt là lập các bãi thuê xe đạp tự động như các nước đã làm phục vụ khách du lịch nước ngoài và người dân sử dụng. 

Nếu giá cả hợp lý, quản lý và khai thác tốt, sử dụng thuận tiện thì chắc chắn hàng triệu khách du lịch mỗi năm sẽ đón nhận dịch vụ này như ở các thành phố khác trên thế giới.

Bên cạnh đó, cần lập các trạm cho thuê xe đạp ở sát các bãi giữ xe hơi ngầm, xe hơi nổi ở cách xa khu vực trung tâm, chẳng hạn công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám… Các công chức, doanh nhân sau khi gửi xe hơi ở đây có thể chuyển sang đi xe đạp đến công sở và sau đó đi xe đạp trong khu vực vùng lõi của thành phố.

Tiếp theo nữa là phát triển xe đạp ở các khu dân cư, các đơn vị hành chính – sự nghiệp có điều kiện như khu dân cư Phú Mỹ Hưng, các trường học có khuôn viên lớn như Đại học Quốc gia TP.HCM, các khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, dần dần lan tỏa ra khắp các phường, xã. Tiến tới phải tính đến lập các bãi xe đạp miễn phí ở các ga metro (nếu muốn hút người dân đến với phương tiện công cộng này).

Ở TP.HCM đã có một vài đề án phát triển xe đạp công cộng, nhưng dường như các đơn vị vẫn chưa có tín hiệu đón nhận. Ngay ở khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM, một nhóm sinh viên đã trình hẳn một đề án hiện thực hóa ý tưởng này cho lãnh đạo nhưng không ai để ý, có lẽ do nó là của người trẻ chăng?

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa

 

Kiên trì xây dựng văn hoá xe đạp

Để khuyến khích người dân đi xe đạp, trước nhất các quan chức chính phủ, cán bộ công chức thành phố phải làm gương và thật kiên trì trong việc sử dụng xe đạp, sau đó xây dựng thành phong trào văn hoá xe đạp trong đoàn viên thanh niên, sinh viên, thanh niên xung phong. 

Việc các vị lãnh đạo cấp sở, phòng đi họp bằng xe hơi là thường thấy, dù từ sở đến nơi họp chỉ cách nhau 1-2km. Thay đổi một thói quen là khó, nhưng không có gì là không thể. Hãy bắt đầu từ chỗ khuyến khích sử dụng xe đạp, tiến dần đến bắt buộc để đưa vào các tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng…

Đồng thời với đó là các phương tiện thông tin đại chúng phải có ý thức xây dựng cho được hình ảnh người đi xe đạp đẹp hơn. Hiện nay, hình ảnh người đi xe đạp bị một số người có cái nhìn sai lệch khi so sánh với người nghèo hèn, khó xin việc, bãi giữ xe không muốn nhận… làm vị thế của người sử dụng thấp kém trong mắt xã hội. Trong khi ở các nước, việc tổng thống, thủ tướng, thị trưởng… đi xe đạp là bình thường.

Việc phát động một phong trào rất dễ, nhưng duy trì nó lâu dài và qua nhiều thế hệ để trở thành một thói quen sống là điều cực kỳ khó. Nhưng đưa xe đạp trở thành một loại hình giao thông công cộng xem ra dễ hơn là cấm xe máy và phát triển các loại giao thông thay thế hiện đại nhưng đắt tiền như metro.

Phát triển mạnh ở nhiều nước

Các nước như Pháp, Thụy Điển, Thuỵ Sĩ, Áo, Bỉ… việc đi xe đạp phát triển rất mạnh. Chính phủ các nước này tạo điều kiện cho xe đạp phát triển như làm làn đường riêng cho xe đạp, có bãi riêng cho xe đạp, thuê xe theo giờ, ngày, tháng với giá rẻ, văn hóa xe đạp phổ thông từ tổng thống đến người dân thường.

Các thành phố lớn xung quanh chúng ta như Thượng Hải, Kuala Lumpur, Jakarta… và xa hơn một chút như ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã chú trọng phát triển xe đạp trở thành một loại hình công cộng cách nay hơn 10 năm.

TÂM ĐỨC ghi