11/01/2025

Đập phá ở ‘căn phòng thịnh nộ’ để xả stress

Thay vì chọn đi xem phim, chơi thể thao, đi du lịch… gần đây không ít người trẻ Hà Nội chọn cách đến “căn phòng thịnh nộ” để đập phá đồ đạc giải toả căng thẳng.

 

Đập phá ở ‘căn phòng thịnh nộ’ để xả stress

 

Thay vì chọn đi xem phim, chơi thể thao, đi du lịch… gần đây không ít người trẻ Hà Nội chọn cách đến “căn phòng thịnh nộ” để đập phá đồ đạc giải toả căng thẳng.


Chưa có minh chứng khoa học nào về tác dụng của việc đập đồ để giải quyết các vấn đề về tâm lý. Vì vậy người có vấn đề về tâm lý và tâm thần thì nên đến chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được giải quyết, điều trị

BS Lâm Hiếu Minh

Trong khi đó, theo các chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tức thời và không được khuyến khích.

Dịch vụ đập đồ để trút cơn giận

“Trào lưu” đập phá đồ đạc bắt nguồn từ “căn phòng thịnh nộ” (còn gọi là phòng xả stress – PV) ở Q.Đống Đa, Hà Nội. 

Tại đây có 4 “căn phòng thịnh nộ” được thiết kế khép kín, phía trong sắp xếp các đồ đạc đã hỏng, đồ cũ như tivi, chai thủy tinh, ly, chén… Khách hàng bước vào đây có thể thoải mái đập phá để “trút giận”.

Nguyễn Minh Thịnh (26 tuổi) – chủ nhân của các “căn phòng thịnh nộ” – cho biết công việc trước đây khá áp lực, song nhiều mô hình giải trí hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu giải tỏa tâm lý căng thẳng. 

Thấy mô hình “căn phòng thịnh nộ” đã xuất hiện ở nhiều nước phát triển nên Thịnh thử mở ra kinh doanh và được lứa tuổi 9X cùng các bạn học sinh cấp III đón nhận.

Đập phá ở căn phòng thịnh nộ để xả stress - Ảnh 3.

Một khách hàng đang sử dụng dịch vụ đập phá đồ đạc để giải tỏa căng thẳng tại “căn phòng thịnh nộ” – Ảnh: HÀ THANH

Từ 198.000 đồng/người, khách hàng có thể đập phá 10 đồ sứ, 10 đồ thuỷ tinh, 1 đồ điện và miễn phí nước uống, khăn, quần áo bảo hộ, mũ bảo hiểm. Mỗi lần sử dụng dịch vụ tối đa 45 phút.

Khi chúng tôi đặt vấn đề liệu sử dụng bạo lực để giải tỏa căng thẳng có phù hợp, Thịnh khẳng định “vấn đề bạo lực” trong căn phòng này không ảnh hưởng đến ai vì mọi thứ đều được kiểm soát, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

“Thông thường các bạn trẻ vào phòng 10-15 phút, ít ai sử dụng tối đa thời gian 45 phút như chúng tôi đưa ra. Hầu hết khách hàng sau khi đập phá xong cảm thấy thoải mái hơn về cả thể chất lẫn tinh thần” – Thịnh cho biết.

Chúng tôi gặp bạn Nguyễn Sơn (Hà Nội) – khách hàng thường xuyên của “căn phòng thịnh nộ”. Sơn kể mỗi khi căng thẳng, tức giận là bạn đến đây để giải tỏa.

“Nếu tức giận, tôi thường xuyên ném đồ đạc. Tôi không biết phải giải thích cảm giác đó thế nào, nhưng sau khi đập phá đồ đạc xong thì tâm trạng thoải mái lắm” – Sơn nói.

Không khuyến khích

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, phòng khám tâm lý và chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết việc đập phá đồ đạc để xả stress chỉ có tác dụng giải quyết được vấn đề nhất thời, không có giá trị điều trị. 

Nhiều người trầm cảm, người có vấn đề về hành vi, cảm xúc, họ cũng làm vậy ở nhà với đồ đạc của họ. Lúc đập xong thì thấy hưng phấn, nhẹ nhõm, thoải mái nhưng không ảnh hưởng tốt đến tâm lý về lâu dài.

Theo bác sĩ Minh, bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng cần có sự hỗ trợ của chuyên môn và khoa học, trong khi phương pháp đập đồ không có cả hai yếu tố đó.

Còn chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thuý cho biết có những cách trước mắt để giảm cơn giận, giảm căng thẳng như uống 1 ly nước thật to, nước mát càng tốt. 

Thứ hai là hít thở thật sâu (theo phương pháp của thiền và yoga) bởi khi tập trung vào hơi thở thì căng thẳng sẽ giảm đi một nửa. 

Thứ ba là hãy làm điều gì đó mình thích và tránh hoàn cảnh đang khiến mình giận, như đi rửa mặt, đi chơi thể thao, nói chuyện với bạn bè…

Về lâu dài, theo các bác sĩ tâm lý, giải pháp tốt nhất là người bệnh phải có khả năng chuyển hóa cảm xúc, thay đổi cách nhìn về vấn đề theo hướng tích cực. Ví dụ nếu mình buồn vì bị mệt thì mình coi đó là một cơ hội để

nghỉ ngơi thư giãn, chăm sóc bản thân sẽ không còn buồn nữa. Hay nếu giận vì con cãi mẹ thì nghĩ đấy là con đang phát triển lớn lên, con cá tính, thông minh thì mới cãi, nếu con cãi chưa đúng thì từ từ uốn nắn…

“Khi thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, suy nghĩ theo hướng tích cực thì sẽ tạo ra được cảm xúc tích cực. Cảm xúc là cái bên trong của mỗi người, không ai có thể làm cho mình vui hay buồn ngoài chính mình. Vì thế bản thân phải học cách làm chủ tâm trạng, điều khiển tâm trạng. Người làm chủ bản thân thì rất ít khi tức giận” – chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thuý nhấn mạnh.

Hướng đến năng lượng tích cực

Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh, giải quyết một vấn đề về mặt tâm lý, tâm thần thì cần đủ 3 mặt sinh học, tâm lý và môi trường xã hội. Cùng với đó là rèn luyện thể chất bằng việc tập yoga, dưỡng sinh, thể dục thể thao…

“Thay vì đập đồ thì nên đi tập thể dục, tập boxing, đạp xe… để hướng đến năng lượng tích cực. Đồng thời, chia sẻ với người thân, bạn bè… để mình giãi bày, phóng chiếu cảm xúc tiêu cực ra ngoài.

Các hành vi đạp xe, đập đồ… đều là để phóng chiếu những cảm xúc tiêu cực ra bên ngoài nhưng đạp xe là hành vi tích cực, còn đập đồ là tiêu cực” – bác sĩ Minh giải thích.

NGỌC LOAN – HÀ THANH