11/01/2025

Yếu tố tình dục trong văn chương đã ‘mở’?

Tiểu thuyết Đêm núm sen của Trần Dần vừa ra mắt công chúng sau hơn nửa thế kỷ nằm trong ngăn kéo, gây chú ý không chỉ bởi việc nhìn nhận lại những giá trị văn học của ông, mà còn cả yếu tố vốn nhạy cảm trong văn chương: tình dục (sex).

 

Yếu tố tình dục trong văn chương đã ‘mở’?

Tiểu thuyết Đêm núm sen của Trần Dần vừa ra mắt công chúng sau hơn nửa thế kỷ nằm trong ngăn kéo, gây chú ý không chỉ bởi việc nhìn nhận lại những giá trị văn học của ông, mà còn cả yếu tố vốn nhạy cảm trong văn chương: tình dục (sex).



Yếu tố tình dục trong văn chương đã 'mở'?

Bìa cuốn Đêm núm senẢNH: T.L

Đến giờ, Đêm núm sen được nhìn nhận với nhiều giá trị nghệ thuật, trong đó có việc miêu tả tình dục, thân thể, nhục cảm để truyền tải ý nghĩa cho tác phẩm. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đánh giá về sex trong Đêm núm sen: “Đọc thấy sự trong sáng, đẹp đẽ, không gợi lên sự dung tục, xấu xa hay phản cảm”. Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn cho rằng Trần Dần đã đặt con mắt điện ảnh của ông trong cuốn tiểu thuyết này. “Nếu không có khả năng mô tả, đặc tả vẻ đẹp thân thể, thì ngôn ngữ không được hiển thị rõ ràng, quyến rũ chúng ta đến như vậy. Đây là một trong những điểm mà tôi nghĩ đến giờ tiểu thuyết VN đương đại khó mà tìm được”, anh đánh giá.
 
 
Yếu tố tình dục trong văn chương đã 'mở'? - ảnh 2

Đó là nhu cầu của con người và cái gì thuộc về con người thì cũng không xa lạ với văn chương

Yếu tố tình dục trong văn chương đã 'mở'? - ảnh 3
 

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

 

Đêm núm sen cho thấy sự cởi mở trong cả khâu biên tập lẫn xuất bản. Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy nhận xét, Trần Dần tả ái ân “đầy cảm xúc, đầy chất thơ và trong vắt”. Tạ Viết Đăng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn VN), người biên tập cuốn Đêm núm sen của Trần Dần cho rằng: “Một người biên tập cần phải tìm “mã” văn hoá của nhà văn. Nhiều khi tưởng đó là sex, nhưng lại còn có những ý nghĩa khác”. Anh cho rằng nếu có quy định thế nào là khiêu dâm hay vẻ đẹp ngôn ngữ thì đó là điều tốt.

Không dễ viết
Ngày càng nhiều tác phẩm văn chương có yếu tố sex được viết hay xuất bản như Ngõ lỗ thủng (Trung Trung Đỉnh), Bến không chồng (Dương Hướng), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Nháp (Nguyễn Đình Tú), Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu), Song Song (Vũ Đình Giang), Đảo cát trắng (Đặng Thiều Quang)… Lý do, theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên là vì “Đó là nhu cầu của con người, và cái gì thuộc về con người thì cũng không xa lạ với văn chương”.
Tuy nhiên, không ít tác phẩm khi vừa ra mắt đã gây ra những tranh luận trái chiều. Ngoài lý do là phạm trù nhạy cảm, người viết còn chưa đạt được trình độ viết về sex mang tính nghệ thuật. Thậm chí đã có tác phẩm bị thu hồi, cấm phát hành ngay khi vừa xuất bản như Dại tình của Bùi Bình Thi, Sợi xích của Lê Kiều Như. Theo ông Phạm Xuân Nguyên, Sợi xích là sự sống sượng, còn Dại tình thì khác hơn – mô tả một mặt của đời sống thực, những con người ngồi nói chuyện và mô tả về chuyện tình dục, có những trang viết chân thực, nhưng có những trang chưa đạt tới độ.
Ông Nguyên nói thêm, nếu như viết về sex chỉ để câu khách thì không thể chấp nhận, vì tự khắc yếu tố tình dục sẽ lộ liễu, trần trụi. Còn viết sex nghệ thuật là phải phù hợp với nhu cầu, khung cảnh nghệ thuật của tác phẩm. “Cái gì cũng phải học! Như trong nhiếp ảnh, nếu anh chụp ở góc độ này thì phản cảm nhưng chụp ở góc độ khác lại tôn vinh vẻ đẹp của nữ giới, con người. Đó là nghệ thuật biểu hiện. Nhà văn chỉ có thể biểu hiện bằng những con chữ. Viết về sex tưởng rất dễ nhưng thật ra lại rất khó”, ông Nguyên nói.
Yếu tố tình dục trong văn chương đã 'mở'?1

Bìa tiểu thuyết Vắng mặtẢNH: T.L

Nên có quy định trong văn chương
 
 
“Chúng ta vừa cho thấy sự cởi mở với ảnh nude. Trước đây, thường có quan niệm nude là gợi dục, phô trương xác thịt. Thực ra nude tôn vinh vẻ đẹp. Những quan niệm như vậy sẽ dần cởi mở đủ khiến người ta đạt được đến giới hạn thẩm mỹ nhất định nào đó, để không kỳ thị vẻ đẹp, đồng thời vẻ đẹp cũng không bị kỳ thị. Nhưng tôi nói lại giới hạn đó rất mong manh, phụ thuộc phần lớn vào nền tảng văn hóa của mỗi người. Tôi ủng hộ hoàn toàn những gì thuộc về thẩm mỹ và tôi bảo vệ tới cùng điều đó, không những bảo vệ mà còn để mọi người thưởng thức”, biên tập viên Tạ Viết Đăng bày tỏ.
 

Xưa nay, người ta vẫn quen với việc các yếu tố liên quan đến tình dục được kiểm duyệt khá chặt chẽ, có khi bị lược bỏ, cắt xén. Theo một biên tập viên của Nhà xuất bản Hội Nhà văn VN, đó là do tác giả… viết chưa hay, nhưng bên cạnh đó yếu tố nhạy cảm này vẫn còn được nhìn với ánh mắt dè dặt.

Vừa qua, nhà văn Đỗ Phấn đón nhận niềm vui khi tiểu thuyết Vắng mặt của ông được ra mắt công chúng một cách trọn vẹn. Trước đó, vào năm 2010, tác phẩm xuất bản đã bị cắt bỏ 10 trang viết về sex. “Người ta viết sách mà anh chả hiểu dụng ý người ta viết đoạn đó để làm gì, chỉ nhăm nhăm nghĩ đó là những chỗ cần cắt đi. Thế thì rất vớ vẩn, khác thường”, nhà văn chia sẻ “nỗi oan” thường trực của người viết về sex.
“Có một thời kỳ, người ta cấm kỵ, ít nói đến các vấn đề về tình dục, nhưng dần dần những điều này được cởi mở hơn. Bây giờ không phải là nói hay không nói mà là nói như thế nào, nói có đạt đến độ nghệ thuật không”, ông Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận. Trong khi đó, nhà văn Đỗ Phấn vẫn chưa mấy lạc quan: “Bây giờ những người “gác cổng” có tư duy như vậy nhưng không lấy gì đảm bảo sang năm, những người khác thay thế cũng có tư duy như thế. Bởi chúng ta không có những quy định, định nghĩa cho rõ ràng, nên các nhà quản lý mỗi người một phách”.
Nhà văn Đỗ Phấn cho rằng, cần phải đưa ra những quy định về sex trong các tác phẩm văn học để tránh “oan” cho nhà văn. “Khi đặt ra những quy định ấy phải có những người đủ năng lực, trình độ để xác định, những điều được viết trong tác phẩm nhằm mục đích khiêu dâm, hay chỉ là một tình huống, cái cớ và nhắm đến những điều gì khác trong tác phẩm. Nếu đủ trình độ thì khi đọc sẽ thấy ngay là sách khiêu dâm hay nghệ thuật, chứ không thể để một cuốn sách mang mục đích tốt đẹp lại bị vu là sách khiêu dâm”, nhà văn Đỗ Phấn nói.

 

Ngọc An