Hãng phim truyện Việt Nam: Chính phủ đã phải vào cuộc
Sau hai tháng cổ phần hoá, nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) bắt đầu ‘nổi đoá’, phản ứng gay gắt với ban lãnh đạo mới của công ty cổ phần. Sự việc đã khiến Chính phủ một lần nữa phải vào cuộc.
Hãng phim truyện Việt Nam: Chính phủ đã phải vào cuộc.
Sau hai tháng cổ phần hoá, nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) bắt đầu ‘nổi đoá’, phản ứng gay gắt với ban lãnh đạo mới của công ty cổ phần. Sự việc đã khiến Chính phủ một lần nữa phải vào cuộc.
Hãng phim truyện Việt Nam đã tổ chức một cuộc gặp gỡ với cán bộ, nhân viên trong công ty và báo giới vào chiều 19-9.
Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) Nguyễn Thủy Nguyên là người trực tiếp giải đáp mọi thắc mắc.
Ngay sau đó, cuộc họp trở thành trận cãi vã vòng quanh. Các nghệ sĩ đều cho rằng công ty cổ phần chưa thực hiện đúng cam kết về trả lương và quan trọng là chưa cho thấy đường hướng phát triển hãng phim.
Còn ông Nguyễn Thủy Nguyên trách móc các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam “không làm việc mà vẫn đòi lương”, nhiều đạo diễn nhiều năm nay không làm phim.
Sau cuộc họp “bão táp” đó, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cùng lãnh đạo Chính phủ đã phải vào cuộc giải quyết tình hình.
Ban cổ phần hóa của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch chưa làm tròn trách nhiệm vì đã không tìm được cổ đông chiến lược có đủ tầm và tâm với nền điện ảnh. Vì chọn cổ đông chiến lược chưa đúng mới xảy ra tình trạng hiện nay. Chúng tôi cảm thấy không thỏa đáng khi Thủ tướng yêu cầu định giá lại giá trị của hãng phim, nhưng họ vẫn sử dụng đội ngũ cũ để định giá hãng phim.
Ông Lê Hồng Sơn (phòng hợp tác sản xuất của Hazng phim truyện Việt Nam)
Đầu không xuôi, đuôi khó lọt
Cần nhắc lại, năm 2015 Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đã phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành công ty cổ phần.
Tới năm 2016, khi Bộ công bố Vivaso là đơn vị duy nhất đăng ký mua Hãng phim truyện Việt Nam và được chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam, dư luận lại được phen ồn ào.
Các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam cho rằng quá trình cổ phần hóa “không minh bạch”, “định giá Hãng phim truyện Việt Nam quá rẻ mạt, hoàn toàn không tính đến giá trị thương hiệu của hãng phim hơn 60 năm tuổi”, “Vivaso không có kinh nghiệm sản xuất phim”…
Họ đã ký một lá đơn gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Cuối năm 2016, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch rà soát toàn bộ quá trình cổ phần hóa, yêu cầu Vivaso thực hiện đúng cam kết; tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam để điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định.
Cổ phần hóa là chủ trương đúng. Nhưng vấn đề là cổ phần hóa thế nào. Bán hãng phim cho một đơn vị không có hiểu biết về ngành điện ảnh, vừa tiếp quản đã tính chuyện cho thuê đất của hãng và bảo anh em tự đi kiếm tiền mà nuôi sống bản thân. Tôi không thể hiểu.
Đạo diễn Nhuệ Giang
Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn bày tỏ bức xúc – Clip: NGỌC DIỆP
Ngoài ra, do là đơn vị “ngoại đạo” mới tham gia ngành điện ảnh, chưa hiểu được văn hóa của một đơn vị làm phim lâu đời nên Vivaso đã mắc nhiều sai sót về mặt quản lý. Thậm chí sai sót về cách giao tiếp với các nghệ sĩ. Rất nhiều nghệ sĩ bức xúc khi lãnh đạo công ty cổ phần nói “nếu không làm được phim thì đi bán phở, bán bún riêu, hãng sẽ tạo điều kiện về địa điểm”.
Ngày 29-12-2016, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho Hãng phim truyện Việt Nam và đã chọn Vivaso là nhà đầu tư chiến lược. Công ty này đã thanh toán số tiền gần 33,5 tỉ đồng để mua 65% vốn điều lệ của Hãng phim truyện Việt Nam.
Và tới tháng 7-2017, Hãng phim truyện Việt Nam chính thức bước vào cổ phần hoá. Tới tháng 9-2017, hàng loạt nghệ sĩ của hãng lại bức xúc lên tiếng vì cho rằng công ty cổ phần đã không thực hiện đúng cam kết trước đó.
Cũng dễ hiểu vì quá trình cổ phần hoá lùm xùm ngay từ đầu đã khiến cán bộ, công nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam thiếu niềm tin ở Vivaso. Họ nghi ngờ về quá trình cổ phần hoá “không minh bạch”, về “động cơ mua Hãng phim truyện Việt Nam” của Vivaso, nên nếu có bất cứ sai sót nào xảy ra cũng có thể gây bức xúc.
Do có độ vênh rất lớn về tư duy của doanh nghiệp và tư duy của nghệ sĩ nên đến thời điểm hiện tại, đơn vị quản lý và người lao động vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung.
Tôi về đây 2 tháng và nhận thấy trong số 80 cán bộ, công nhân viên chỉ khoảng 20 người có làm việc, còn lại đi làm bên ngoài hoặc không đến cơ quan nhưng hằng tháng vẫn cứ đến nhận lương đều.
Ông Nguyễn Danh Thắng (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam)
20 người mà ông Thắng cho là có làm việc gồm khoảng 10 bảo vệ và còn lại là người làm công việc hành chính, tài vụ. Họ ngồi ở cơ quan thì được đánh giá là có làm việc. Còn lại anh em đạo diễn, quay phim, viết kịch bản không làm việc theo giờ hành chính lại bị coi là không làm việc. Nếu anh cam kết tiền lương của năm 2017 sẽ trả từng này thì phải làm đúng đi đã. Nếu làm đúng cam kết mà người lao động không làm việc thì mới có quyền phán xét họ.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân
Chính phủ vào cuộc
Sáng 20-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thị sát Hãng phim truyện Việt Nam. Sau khi ông đi bộ một vòng xem cơ sở vật chất của hãng, các cán bộ, nhân viên mới nhận ra. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì một cuộc họp rút kinh nghiệm với ban chỉ đạo cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam, ban lãnh đạo mới của Hãng phim truyện Việt Nam.
Trong cuộc họp này, bộ trưởng đã yêu cầu ban lãnh đạo mới của Hãng phim truyện Việt Nam phải rút kinh nghiệm về quản lý, đảm bảo thực hiện đúng như cam kết ban đầu.
Ông Nguyễn Thuỷ Nguyên thừa nhận những sai sót trong quá trình điều hành doanh nghiệp dẫn tới tình trạng hiểu lầm, mất đoàn kết trong nội bộ hãng.
Nhưng vị lãnh đạo này vẫn khẳng định: “Tôi cam kết cho tới bây giờ chúng tôi chưa làm sai cái gì, đến giờ mới cổ phần hoá chưa được hai tháng, chưa nói được điều gì”.
Hiện đất của hãng phim đều là đất thuê của Hà Nội. Theo nghị định của Chính phủ thì đất đi thuê không được tính vào giá trị của doanh nghiệp. Dư luận nói Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch “bán nguyên đất” cho doanh nghiệp là sai.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái
Khi Tuổi Trẻ hỏi nếu Vivaso không thực hiện theo đúng cam kết ban đầu với Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cùng Hãng phim truyện Việt Nam thì hướng xử lý thế nào, thành viên của ban chỉ đạo cổ phần hoá (Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch) trả lời:
“Những cam kết của nhà đầu tư sẽ được đưa vào điều lệ của công ty cổ phần. Nếu họ không thực hiện, tức là họ vi phạm pháp luật và sẽ có chế tài để xử lý. Ví dụ họ cam kết về việc sử dụng đất mà họ sử dụng sai mục đích thì Nhà nước sẽ không cho phép họ làm điều đó”.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu Vivaso sớm ổn định lại tổ chức, tập trung sản xuất phim. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Chỉ sắp xếp lại nhà xưởng phục vụ việc làm phim, chứ không được cho thuê với bất cứ mục đích gì”.