Dù thời gian qua ngành giáo dục có chủ trương thay đổi đề thi nhằm giảm áp lực, hạn chế học sinh học thêm… nhưng thực tế số lượng học sinh học thêm tăng mạnh, nhiều lớp dạy thêm ‘cháy’ chỗ.
Càng cấm, dạy thêm – học thêm càng tăng
Dù thời gian qua ngành giáo dục có chủ trương thay đổi đề thi nhằm giảm áp lực, hạn chế học sinh học thêm… nhưng thực tế số lượng học sinh học thêm tăng mạnh, nhiều lớp dạy thêm ‘cháy’ chỗ.
Kín lịch học thêm cuối tuần
Từ đầu năm học tới nay, sau giờ học chính khóa của con ở trường, anh N.V.T (Q.9, TP.HCM) lại tất bật đưa con vào trung tâm thành phố để tham gia các lớp học thêm. Anh T. cho hay: “Con bé lớn nhà tôi năm nay vào lớp 12, bé nhỏ năm nay vào lớp 9. Áp lực thi cử rất lớn. Cháu lớn nói là sẽ thi vào Trường ĐH Cảnh sát. Theo tôi được biết, trường này lấy điểm rất cao. Muốn đậu thì điểm thi 3 môn toán – lý – hóa phải đạt gần như tuyệt đối. Tôi nghĩ, nếu chỉ học thêm ở trường thì khó đậu nên nhờ người tìm giáo viên có uy tín, có kinh nghiệm luyện thi ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong để cho con theo học”.
Anh T. kể thêm: “Mấy tuần đầu tôi đưa đón con một ngày 4 lượt từ nhà tới trường, rồi từ trường về nhà ăn uống, xong lại chạy cho kịp giờ học thêm. Tuy nhiên, chỉ học được hơn 2 tuần thì tôi thấy không ổn vì ngày nào từ trung tâm về tới nhà cũng đã hơn 22 giờ. Đường vào nhà tôi lại vắng nên khá nguy hiểm. Tôi bàn với vợ là thay vì cho con học các ngày trong tuần thì dồn các buổi học thêm vào 2 ngày cuối tuần”.
Như thế lịch học thêm của Hương, con anh T., vào cuối tuần từ 15 – 21 giờ với 3 môn toán – lý – hóa tại trung tâm và nhà giáo viên. Chỉ trong 2 ngày cuối tuần, Hương phải tham gia 7 lớp học thêm. Tỏ ra mệt mỏi, Hương nói: “Em chỉ trông cho hết năm học này”.
Để có được 2 buổi học/tuần cho lớp của con, chúng tôi phải năn nỉ thầy dữ lắm
Bùi Thị Phương (phụ huynh tại TP.HCM)
Trong lúc đợi con gái lớn học thêm, anh T. còn hỏi thăm các phụ huynh “cùng cảnh” để biết nơi đăng ký luyện thi vào lớp 10 cho cô con gái thứ hai đang học lớp 9!
Đề thi kiểu mới cũng học thêm
Vào buổi tối, các trung tâm luyện thi tại TP.HCM nườm nượp phụ huynh đưa đón, đứng chờ con học thêm. Có người còn mang theo cơm hộp để cho con ăn trước khi chuyển sang lớp học tiếp theo.
Chị Bùi Thị Phương (có con học lớp 9 tại Q.5) cho biết: “Ngay sau khi có đề thi minh họa vào lớp 10, tôi đã chuyển lớp học thêm cho con”. Theo chị Phương, nguyên nhân vì giáo viên cũ tuy giỏi nhưng không có kinh nghiệm luyện thi… đề thực tế.
Chị Phương kể: “Thầy T. dạy giỏi nên ngày thường đã có đông học sinh (HS). Nhất là từ sau khi có tin Sở GD-ĐT TP.HCM điều chỉnh đề thi toán thì số HS của thầy nhiều hẳn lên. Để có được 2 buổi học/tuần cho lớp của con, chúng tôi phải năn nỉ thầy dữ lắm. Và dù thầy không yêu cầu nhưng chúng tôi thống nhất là mỗi phụ huynh đóng học phí gấp đôi để bồi dưỡng thêm cho thầy”.
Không chỉ những giáo viên giỏi mới “cháy” lớp học thêm mà theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nhiều trung tâm cũng trở nên quá tải vì số lượng HS đăng ký vào các lớp có chỉ định giáo viên tăng mạnh. Trung tâm phải sắp thêm một số ca học và giáo viên phải tăng cường dạy thêm, cho dù bản thân họ cũng cảm thấy mệt mỏi và “đuối”.
Cấm dạy thêm tiểu học, nhưng…
Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT quy định về việc dạy thêm – học thêm ra đời năm 2012, trong đó có quy định không dạy thêm đối với HS tiểu học. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên thì lượng HS tiểu học đi học thêm không hề giảm.
Một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Q.Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Trường không tổ chức dạy thêm, nhưng từ lớp 1 con đã học thêm ở lớp của cô hoặc ở trung tâm… Tôi cũng không hiểu mục tiêu của việc cấm dạy thêm ở bậc tiểu học mà Bộ GD-ĐT đưa ra nhằm mục đích gì, để giảm tải cho HS hay chỉ đơn thuần là không cho các giáo viên và nhà trường tổ chức dạy thêm, còn HS muốn học thêm ở đâu thì học?”.
Ngày 7.9, lần đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức họp giao ban các cơ sở dạy thêm học thêm cùng lãnh đạo phòng giáo dục các quận, huyện.
Bà Vũ Hoàng Ly, giáo viên Trường tiểu học Quang Trung (Q.Đống Đa, Hà Nội), cho biết: “Tôi chấp hành đúng quy định, không tổ chức lớp dạy thêm và cũng không tham gia dạy thêm ở trung tâm bên ngoài. Tuy nhiên, hầu hết HS lớp tôi chủ nhiệm (lớp 5) đều cho biết có đi học thêm, nhất là những môn như tiếng Anh, toán, tiếng Việt… Các phụ huynh cũng chia sẻ với tôi, nếu không cho con học thêm thì kinh nghiệm cho thấy khi lên cấp THCS các em sẽ bị sốc vì chương trình của 2 cấp học quá nhiều khác biệt, đó là chưa kể những HS muốn đăng ký vào các trường THCS vốn trước đây là trường chuyên”.
Tuy nhiên, bà Ly cũng cho rằng với cấp tiểu học, ngoài những môn như ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao… nếu HS được học 2 buổi/ngày ở trường và giáo viên thực sự có trình độ, tâm huyết, làm hết khả năng, trách nhiệm của mình thì việc HS phải học thêm những môn văn hóa là không cần thiết. (Còn tiếp)
Các trường hợp không được dạy thêm
Thông tư 17 do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 16.5.2012 quy định về dạy thêm – học thêm. Trong đó điều 4 quy định:
1. Không dạy thêm đối với HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Ý kiến
Nhà giáo bị tổn thương rất nhiều
Mỗi lần đề cập đến dạy thêm – học thêm là cả xã hội nhìn vào đội ngũ giáo viên, một số nơi còn lập biên bản những giáo viên dạy thêm … làm nhà giáo tổn thương rất nhiều. Chúng ta đã dày công xây dựng hình ảnh nhà giáo, nhưng những hành động đó đang đánh đồng hình ảnh giáo viên dạy thêm với tệ nạn, với tiêu cực, quả rất đau lòng. Trong khi đó, nhu cầu học thêm là có thật, phụ huynh đua nhau muốn con học tốt hơn nữa hoặc có phụ huynh không có thời gian quản lý.
Nguyễn Phạm Thanh (giáo viên Q.Tân Phú, TP.HCM)
Ai sai thì xử lý, đừng áp đặt
Con tôi học yếu, muốn cháu học tốt hơn nên tôi nhờ cô giáo kèm cặp thêm cho cháu. Đừng vì thấy rối ren mà đặt ra vấn đề phải cấm dạy thêm – học thêm ở nhà trường vì phụ huynh mong muốn con mình học giỏi là nhu cầu chính đáng. Bộ phải nhìn thấy rối ren ở chỗ nào, chỗ nào sai, người nào sai thì xử lý ở đó, không nên áp đặt như vậy.
N.T.T (phụ huynh Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM)
Hơn phân nửa phụ huynh đề nghị giáo viên dạy thêm
Ngay sau khi tựu trường, có hơn 50% phụ huynh trong lớp dò hỏi tôi có dạy thêm hay không và đề nghị kèm cặp cho con họ. Về cơ bản, nhóm phụ huynh này không muốn con em mình ra các cơ sở dạy thêm – học thêm mà muốn giáo viên căn cứ vào sức học của HS và có kế hoạch dạy theo nhóm phù hợp.