11/01/2025

Thiếu vui chơi sẽ không tốt cho trẻ

“Cũng biết thời gian chơi của bé hơi ít nhưng đành chịu, bởi con người ta học thì con mình phải học. Con mình học ít sợ thua kém con người ta, chỉ có học như vậy mới thành công được”, một phụ huynh chia sẻ.

 

Thiếu vui chơi sẽ không tốt cho trẻ

 

 ”Cũng biết thời gian chơi của bé hơi ít nhưng đành chịu, bởi con người ta học thì con mình phải học. Con mình học ít sợ thua kém con người ta, chỉ có học như vậy mới thành công được”, một phụ huynh chia sẻ.


Là cha mẹ, chúng tôi thường khuyến khích con dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời, tham gia các hoạt động thể thao để phát triển toàn diện thay vì chú tâm vào các thiết bị điện tử

MAX VIGIER (tư vấn giáo dục – hướng nghiệp người Pháp)

Tối cuối tuần, con hẻm chật chội 261 trên đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) rộn vang tiếng cười đùa của một nhóm trẻ em 6-7 tuổi đang chơi trốn tìm. Nhưng chỉ được chừng nửa giờ đồng hồ…

“Một tuần, các cháu chỉ được chơi với nhau đúng 30 phút, bởi giờ đã vào năm học, đứa nào cũng lo bài vở bù đầu nên không có nhiều thời gian vui chơi” – chị Nguyễn Thị Mai, phụ huynh một học sinh tại con hẻm này, chia sẻ.

Bị ba mẹ bắt học

Theo chị Mai, đứa con gái đầu của chị năm nay 7 tuổi phải học bán trú cả ngày ở trường từ thứ hai đến thứ sáu. Thứ bảy, chủ nhật là ngày nghỉ nhưng chị cũng đăng ký cho con học thêm toán, tiếng Việt và học đàn nên lịch của cháu gần như kín mít. Mỗi tuần, chỉ có tối chủ nhật con gái chị mới có khoảng hai tiếng rảnh rỗi để được chơi với các bạn trong xóm hoặc đi siêu thị cùng mẹ.

“Cũng biết thời gian chơi của bé hơi ít nhưng đành chịu, bởi con người ta học thì con mình phải học. Con mình học ít sợ thua kém con người ta, chỉ có học như vậy mới thành công được” – chị Mai nói.

Là phụ huynh của hai đứa con trai 12 tuổi và 4 tuổi, chị Lê Thị Thu (Q.7, TP.HCM) cho rằng thời gian dành cho con vui chơi hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi của bé. Do đặc thù công việc nên chị sắp xếp cho đứa con trai đầu học bán trú, còn đứa thứ hai cũng học nguyên ngày ở trường mầm non từ 7h-18h. 

Sau giờ làm, chị Thu thường đến đón con và tranh thủ cho bé chơi ở sân trường mầm non thêm 30 phút để các cháu có không gian chơi và các trò chơi phù hợp với lứa tuổi.

“Nhiều phụ huynh cũng nán lại cho con vui chơi ở trường bởi lúc về nhà, cháu sẽ chỉ loanh quanh trong nhà hoặc chơi game, điện thoại” – chị Thu kể. Theo chị, không gian ở thành phố chật chội, lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên chị ít cho cháu vui chơi trước nhà.

Chị thường phải chờ đến cuối tuần mới cho con đi chơi từ 1-2 tiếng trong công viên hoặc trung tâm thương mại.

Các em thì không muốn như vậy bao giờ. Phải học chính khoá và học thêm ba môn liên tiếp từ 7h sáng đến 7h tối, N.T.A. (10 tuổi, Q.1) cho rằng bản thân đang bị quá tải với lịch học dày đặc này nên thời gian vui chơi của A. rất hạn chế. 

Mỗi tuần A. chỉ có vài tiếng để xem tivi, online trò chuyện cùng bạn bè hoặc chơi trò chơi trên điện thoại, còn lại là toàn bộ thời gian để học.

“Em không muốn phải đi học nhiều như vậy, nhưng không học chắc chắn sẽ thua kém bạn bè, rồi ba mẹ cũng sẽ tìm mọi cách để bắt em đi học nhiều hơn bây giờ” – A. tâm sự.

Cho trẻ vui chơi để phát triển toàn diện

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuý (hội trưởng Hội quán Các bà mẹ tại TP.HCM) cho rằng học sinh thành phố hiện nay thường phải học cả ngày tại trường trong không gian chật hẹp nên các cháu rất cần vui chơi ở nơi thoáng đãng để cân bằng cuộc sống.

Theo bà Thúy, hiện nay có một số gia đình chủ động cho con cái được học nhiều chỗ, nhưng không phải nơi nào cũng áp dụng phương pháp vừa học vừa chơi. 

Do đó, bà Thuý khuyến cáo các bậc phụ huynh phải cân bằng việc học của con, dành nhiều thời gian cho con vui chơi, đồng thời các bậc phụ huynh cần ngồi lại với con một khoảng thời gian nhất định trong ngày.

“Đừng trách đứa trẻ tại sao lại không năng động, rồi phụ huynh phải cho con đi học kỹ năng sống, học về trí tuệ cảm xúc để nghe những lời có cánh. Tùy không gian sống của mỗi gia đình, phụ huynh nên linh hoạt tạo môi trường vui chơi, dù là trong con hẻm nhỏ hay tại khu vui chơi” – bà Thuý bày tỏ.

Thạc sĩ xã hội học Vũ Thái Hà (Hà Nội) cho biết hiện nay rất nhiều bậc phụ huynh đã ý thức được những hệ luỵ trong quá trình phát triển khi trẻ bị gò bó, không được tự do vui chơi. Vì thế nhiều gia đình đã bắt đầu dành những ngày cuối tuần cho trẻ đi chơi, tham gia các lớp ngoại khoá, học kỹ năng…

Theo thạc sĩ Hà, bên cạnh những công viên công cộng, nhiều khu vui chơi với các trò chơi vận động đa dạng, phù hợp nhiều lứa tuổi cũng là sự lựa chọn an toàn. Các bậc phụ huynh có thể đưa con cái của mình đến đây hoạt động, vui chơi để tạo hứng thú trong cuộc sống cũng như động lực trong học tập cho trẻ.

Không tốt cho trẻ

Theo anh Max Vigier – tư vấn viên giáo dục – hướng nghiệp người Pháp, trẻ em rất cần thời gian thư giãn, vui chơi vì kích thích sự phát triển trí não và tăng cường sự sáng tạo của trẻ.

“Tại Pháp, trẻ thường hoàn thành bài tập về nhà trước khi giải lao. Sau đó, trẻ sẽ toàn quyền quyết định việc sử dụng thời gian rảnh để vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, Pháp cũng gặp vấn đề tương tự như Việt Nam. Đó chính là vấn nạn trẻ em thành thị lạm dụng thời gian vui chơi trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, việc này hoàn toàn không tốt cho trẻ” – anh Max Vigier nói.

BÌNH MINH

 

NGỌC HIỂN