11/01/2025

Tan hoang trường lớp

Bão số 10 tàn phá nặng nề các trường học, cơ sở giáo dục tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình.

 

Tan hoang trường lớp

Bão số 10 tàn phá nặng nề các trường học, cơ sở giáo dục tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình.



Bão thổi bay mái ngói các phòng học ở Trường tiểu học  TT.Thiên Cầm (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)  /// Ảnh: Ngọc Dương

Bão thổi bay mái ngói các phòng học ở Trường tiểu học TT.Thiên Cầm (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Ngay sau khi bão tan, ngành giáo dục đã tập trung khắc phục để học sinh trở lại học tập nhưng vẫn còn quá nhiều khó khăn và nhiều trường chưa biết lúc nào mới xây trở lại.
Giáo viên, phụ huynh sửa chữa trường lớp
Ngày 18.9, trở lại vùng tâm bão TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đi đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp cảnh ngổn ngang sau bão. Bão qua, nhiều trường học bị tốc mái, trống huơ trống hoác, những bức tường bị đổ sập còn ngổn ngang gạch vữa. Ở trường, các thầy cô giáo đang tất tả dọn dẹp, phơi lại giáo án, đồ dùng giảng dạy để kịp cho buổi học đầu tuần. Các phụ huynh mỗi người một tay cùng với bộ đội, chắp vá lại mái ngói bị tốc. Mọi công việc khắc phục đều diễn ra hết sức khẩn trương.
Con đường dẫn vào điểm Trường tiểu học Kỳ Lợi ở thôn Ba Đồng (P.Kỳ Phương, TX.Kỳ Anh) hoang tàn khi cây cối đổ ngổn ngang. Toàn bộ dãy nhà 15 phòng học của điểm trường này đã bị tốc hết mái. Thầy Nguyễn Minh Tuệ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết cả 4 điểm trường với 40 phòng học đều bị tốc mái, trong đó có 25 phòng học tốc toàn bộ mái ngói vì gió bão, 15 phòng học bị tốc hết tôn lợp chống nóng.
Sau bão, thầy Tuệ lập tức liên lạc cho các thầy cô giáo và nhờ các phụ huynh sắp xếp công việc gia đình đến trường dọn dẹp. Cô Trần Thị Đức, giáo viên dạy lớp 2 của trường, là người có mặt sớm nhất và gọi thêm 5 phụ huynh học sinh (HS) cùng đến điểm trường giúp đỡ. Không ai bảo ai, tất cả đều xắn quần áo leo lên mái nhà, sắp xếp lại những viên ngói còn lành. Số ngói tận dụng được cũng chỉ lợp được một phần mái, nhà trường hiện đang thiếu khoảng hơn 4.000 viên mới đủ.
Hàng chục ngôi trường ở H.Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cũng chịu thiệt hại nặng nề. Dù đã nỗ lực khắc phục nhưng nhiều trường mầm non ở đây vẫn chưa thể đón HS trở lại. Vào ngày đầu tuần 18.9, các giáo viên của trường vẫn đang cùng các phụ huynh và Đoàn thanh niên xã dọn dẹp lại phòng học, lau chùi lại đồ dùng học tập cho HS.
Ông Đặng Quốc Hiền, Trưởng phòng GD-ĐT H.Cẩm Xuyên, cho hay toàn huyện có 44 điểm trường bị hư hỏng về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học với thiệt hại lên đến hàng chục tỉ đồng. Có 11 trường học bị tốc mái hoàn toàn, 7 trường bị tốc mái một phần. Hiện còn 18 trường mầm non vẫn chưa thể cho HS đi học, trong đó có 3 trường bị tốc mái nghiêm trọng và 15 trường không có điện, nước.
Tan hoang trường lớp - ảnh 2

Trường THCS Quảng Châu (H.Quảng Trạch, Quảng Bình) chưa biết khi nào mới khắc phục được hư hạiẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Chỉ học lý thuyết, không thể thực hành
Đến ngày 18.9, nhiều trường bậc THPT, THCS và THPT tỉnh Quảng Bình đã hoạt động dạy học trở lại. Riêng tại H.Minh Hoá có 7 trường tiểu học chuyển HS học chỉ 1 buổi/ngày thay vì 2 buổi/ngày như trước. H.Tuyên H có 9 trường, H.Quảng Trạch có 15 trường chưa thể giảng dạy.
Đến ngày 19.9, các trường của tỉnh Quảng Bình đã dạy học, chỉ còn Trường mầm non Quảng Phú, theo kế hoạch sẽ dạy học vào ngày 20.9. Ghi nhận của PV Thanh Niên vào sáng 19.9 cho thấy vẫn còn quá nhiều ngổn ngang chưa thể khắc phục. Tại Trường tiểu học số 2 Quảng Xuân (H.Quảng Trạch), nhà hiệu bộ, 2 phòng chức năng, 4 phòng học, 2 nhà xe HS bị tốc mái. Sau bão, nhà trường tập trung huy động giáo viên và phụ huynh hỗ trợ lợp lại mái các phòng để HS vào học. Nhà trường đã mua nợ vật liệu với số tiền 50 triệu đồng.
Tại xã Quảng Châu (H.Quảng Trạch), xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn, có 4 trường thì cả 4 đều bị hư hỏng nghiêm trọng. Trường THCS Quảng Châu có đến 18 phòng bị tốc mái; trong đó 5 phòng thực hành và nhiều hư hại khác; tổng giá trị thiệt hại hơn 1,3 tỉ đồng. Hiện một dãy phòng học của nhà trường đang nằm chỏng chơ. Ông Trương Quang Hà, Hiệu trưởng nhà trường, than thở: “Thiệt hại nặng nề quá làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảng dạy và học tập; các em hiện chỉ được học lý thuyết còn không thể thực hành. Điều này rất nan giải và khiến chúng tôi lo lắng”.
Đến ngày 19.9, nhiều nơi ở Quảng Bình vẫn chưa khôi phục được điện, chưa có nước sinh hoạt. Cùng với những thiệt hại chưa thể khắc phục, ngành giáo dục nơi đây sẽ còn lắm gian truân ở phía trước.
Không để việc học gián đoạn
Vượt lên khó khăn, ngay trong ngày 17.9, lãnh đạo các trường đã huy động toàn thể giáo viên tham gia sửa chữa trường, lớp bị hư hại; dọn dẹp vệ sinh, di chuyển đồ dùng, trang thiết bị dạy và học về vị trí cũ… Với những nỗ lực ấy, đến sáng 18.9, việc dạy và học tại các trường ở Quảng Trị, kể cả những trường học bị thiệt hại nặng, đã ổn định trở lại. “Khó khăn thì chúng tôi đã xác định rồi. Đặc biệt là học và dạy ở địa bàn nghèo khó, lại thường xuyên oằn mình gánh thiên tai. Nhưng dù có rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo hơn nữa thì chúng tôi vẫn không để việc học của các HS bị gián đoạn”, một giáo viên ở Trường tiểu học Vĩnh Lâm chia sẻ.
Tuy nhiên nói như bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, thì sức của giáo viên và HS chỉ có thể khắc phục cơ bản các thiệt hại còn về cơ sở vật chất bị hư hỏng thì ngành chưa biết tính sao vì rất khó có nguồn vốn đầu tư.
Thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh có 37 trường học bị tốc mái, 1 cổng trường bị sập, nhiều cây xanh gãy đổ… Ước tính thiệt hại khoảng 3,4 tỉ đồng. Nặng nhất là ở H.Vĩnh Linh với 15 trường bị thiệt hại ước tính trên 2 tỉ đồng.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, bão số 10 đã làm gần 600 phòng học bị hư hỏng nặng, 11 phòng học bị sập hoàn toàn, gần 600 bộ máy vi tính và 78 máy chiếu bị hỏng… Tổng thiệt hại ước tính trên 205 tỉ đồng.
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, ngành giáo dục tỉnh này bị thiệt hại ước tính trên 120 tỉ đồng.
Với những thiệt hại này, thầy và trò ở các trường bị thiệt hại sau bão rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.



T.Q.Nam – D.Linh – P.Đức – N.Phúc