29/11/2024

Vị giáo sư và chiếc xe đạp

Tôi bắt đầu khoá học thạc sĩ luật tại Mỹ được một tháng. Không quá lâu nhưng đã để lại cho tôi những kỷ niệm tôi chưa bao giờ có trong suốt chục năm đi học.

 

Vị giáo sư và chiếc xe đạp

Tôi bắt đầu khoá học thạc sĩ luật tại Mỹ được một tháng. Không quá lâu nhưng đã để lại cho tôi những kỷ niệm tôi chưa bao giờ có trong suốt chục năm đi học.

 

 


Vị giáo sư và chiếc xe đạp - Ảnh 1.

Nếu bạn mời tôi vì điều đó thì không cần thiết. Tôi làm vậy không phải vì gì cả. Tôi làm vì đó là điều đúng đắn phải làm

Giáo sư Huffman

Đó là một ngày mùa thu tại bang Indiana. Sau khi kết thúc buổi học dài ba tiếng mệt mỏi, tôi đạp xe từ trường về để đi cắt tóc.

Xe đạp của bạn có vấn đề rồi

Đi được nửa đường tới tòa nhà Quốc hội bang, có một người đàn ông đi trước tôi. Vẫn như thói quen, tôi đạp chậm lại và nói lịch sự: “I’m sorry, sir” (xin lỗi ông) để họ tránh cho mình đi. Lúc lướt qua, tôi mới để ý đó là giáo sư hướng dẫn tôi, thầy Huffman. 

Tôi chỉ kịp dừng xe lại và chào giáo sư vài câu xã giao (vì tôi đang có hẹn ở tiệm cắt tóc – tại Mỹ cái gì cũng phải đặt hẹn trước nếu bạn muốn làm gì đó).

Giáo sư liền bảo tôi dừng xe lại và chỉ vào chiếc xe của tôi: “Xe đạp của bạn có vấn đề rồi”. Rồi ông liền bảo rằng phanh thì hỏng, cả hai tay cầm thì lột ngược, xích thì bị khô. 

Ông hỏi tôi: “Làm sao bạn có thể đi trên một chiếc xe như vậy?”. Chẳng đợi tôi trả lời, ông cúi xuống và xem xét chiếc xe. Tầm hai phút thì ông bảo: “Bạn nhấc chiếc xe lên tôi sửa cho bạn cái phanh”.

Ông sửa xe cho tôi ngay giữa đường, giữa trung tâm thành phố, làm cho mọi người đi qua nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò. Một người thì đang nhấc xe, một người thì mặc comlê chỉn chu, sang trọng ngồi sửa xe đạp. 

Được một lúc thì thầy bảo: “Tôi sửa xong phanh cho bạn rồi, còn hai vấn đề còn lại, bạn rảnh thì mai tôi sẽ sửa cho bạn”. Tôi từ chối vì tôi nghĩ như vậy phiền giáo sư quá. Tôi định đem ra cửa hàng xe để sửa. 

Nhưng thầy cũng chả nghe tôi, thầy lấy máy di động ra và ghi vào lịch của mình “11h, fixing bike for Ngoc” (11h, sửa xe đạp cho Ngọc). Thầy cười và nói: “Tôi có mấy dụng cụ sửa xe ở văn phòng, mai tôi sẽ sửa cho bạn”. 

Tôi chỉ biết cười và cảm ơn thầy rồi vội vã đi luôn.

Vì điều đúng đắn phải làm

Ngày hôm sau, 11h, tôi đến văn phòng của thầy. Hai thầy trò xuống sân trường, chỗ tôi để xe đạp (vì chẳng có chỗ nào khác cho tôi để xe đạp nữa). Lại tiếp tục như hôm qua, tôi nhấc, thầy sửa. Thầy bôi trơn xích, vặn lại tay cầm, chỉnh lại ghế ngồi chắc mất gần 15 phút. 

Trong vòng từng ấy phút thôi, bao nhiêu học sinh đi qua, ai cũng với đôi mắt tròn, khuôn mặt không giấu nổi ngạc nhiên khi nhìn thấy người thầy vẫn giảng dạy họ hằng ngày trên giảng đường đang ngồi cặm cụi lấm láp sửa xe đạp cho một học sinh ngay giữa sân trường. 

Họ đi qua và chỉ chào hỏi: “Chào giáo sư, thầy đang làm gì vậy?”. Thầy chỉ trả lời: “Tôi đang sửa xe đạp”.

Chắc tầm 6, 7 sinh viên đi qua ai cũng có câu hỏi na ná như vậy. Sau 15 phút, thầy bảo tôi đi một vòng xem sao. 

Tôi đi một vòng và thấy quả thật xe của tôi đã được sửa một cách hoàn chỉnh. Thầy còn dạy tôi lần sau nếu xe đạp hỏng thì sửa như thế nào, mua dụng cụ gì để sửa nữa. Tôi chả biết nói gì ngoài cảm ơn lia lịa. 

Thầy chỉ cười và bảo: “Không có gì. Tôi chỉ muốn giúp bạn thôi”. Tôi lúc đó mới nghĩ ra: “Hay là mời thầy đi ăn?”, và tôi đã mời thầy đi ăn để cảm ơn. Thầy liền nói: “Nếu bạn mời tôi vì điều đó thì không cần thiết”.

Tôi hỏi tại sao, thầy liền bảo: “Tôi làm vậy không phải vì gì cả. Tôi làm vì đó là điều đúng đắn phải làm” (nguyên gốc: “I fix for you not for any return. I do because it is a right thing to do”). 

Dù thầy có nói vậy, tôi cũng đã thành công trong việc mời thầy một bữa trưa.

Nếu bạn mời tôi vì điều đó thì không cần thiết. Tôi làm vậy không phải vì gì cả. Tôi làm vì đó là điều đúng đắn phải làm” - giáo sư Huffman

Cho đi nhiều hơn

Tôi cảm nhận thầy không chỉ dạy mình ở lớp mà cả kiến thức cuộc sống hằng ngày và là người bạn của mình khi ở ngoài lớp học.

Sau hôm đó, tôi hiểu ra rằng mình cần sống cho đi nhiều hơn là mong muốn được nhận lại. Nếu bạn có khả năng giúp được người khác, cho dù là hoàn cảnh nào thì hãy giúp, vì đó là điều đúng đắn phải làm.

 

LÊ ĐỨC NGỌC