11/01/2025

Trẻ châu Á – giờ học ‘đá bay’ giờ chơi

Quá chú trọng việc học, trẻ em châu Á đang bị “đánh cắp” giờ chơi. Hệ quả là các em bị các vấn đề sức khoẻ như trầm cảm, nhức đầu kéo dài, đau dạ dày…

Trẻ châu Á – giờ học ‘đá bay’ giờ chơi

 

Quá chú trọng việc học, trẻ em châu Á đang bị “đánh cắp” giờ chơi. Hệ quả là các em bị các vấn đề sức khoẻ như trầm cảm, nhức đầu kéo dài, đau dạ dày…

 

Năm 2016, Hiệp hội Thể dục thể chất Hong Kong (Physical Fitness Association of Hong Kong, China – HKPFA) đã tiến hành một nghiên cứu về thời gian chơi dành cho trẻ em tại đặc khu này. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ khoảng 1% các trường mầm non ở Hong Kong có kế hoạch cho những hoạt động vui chơi cho trẻ hằng ngày.

Tuổi thơ bị “đánh cắp”

HKPFA đã nghiên cứu với 14.730 trẻ em trong độ tuổi 3-6 tại 89 trường mầm non trong thành phố. Tổ chức này nhận thấy gần như tất cả các trường mầm non ở địa phương không đáp ứng đủ và đúng theo những khuyến nghị về thời gian vui chơi cho trẻ. 

Theo đó, các trường mầm non cần dành cho trẻ ít nhất 120 phút vận động thể chất mỗi ngày với các trường bán trú và 60 phút mỗi ngày với những trường dạy một buổi.

Trong khi đó tại Trung Quốc, theo Trung tâm Nghiên cứu trẻ em và thanh thiếu niên Trung Quốc, số trẻ em ở các thành phố lớn bị “đánh cắp tuổi thơ” ngày càng tăng. 

Nghiên cứu được thực hiện với 2.500 học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Trường Xuân, Thành Đô và Lan Châu. Tại các thành phố này, thời gian trẻ em đi học mỗi ngày (8,6 – 12 giờ học/ngày) còn nhiều hơn thời gian làm việc hành chính của cha mẹ.

Có những cô/cậu bé chẳng thiếu đồ chơi, quần áo đẹp và thậm chí cả đàn piano, nhưng lại không có đủ thời gian để tận hưởng tất cả vì còn phải lo làm bài tập về nhà. Không ít phụ huynh lấy lý do rằng con họ sẽ “còn rất nhiều thời gian để chơi sau khi vào ĐH” để bao biện cho những thiệt thòi này.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu khác tại Hàn Quốc, trẻ em ở quốc gia này chỉ được phép chơi bên ngoài khoảng 34 phút mỗi ngày. Cũng giống như ở Trung Quốc, áp lực học hành với trẻ ở đây ngày càng căng thẳng hơn khi cha mẹ quá lo lắng cho tương lai của các em.

Hệ luỵ

Trẻ châu Á - giờ học đá bay giờ chơi - Ảnh 2.

Thiếu giờ chơi bên ngoài, trẻ em Hàn Quốc tranh thủ giải lao với các thiết bị điện tử – Ảnh: Reuters

Một nghiên cứu do giáo sư Therese Hesketh (ĐH London) thực hiện đã chỉ ra 1/3 học sinh tiểu học Trung Quốc đang đối mặt những vấn đề về sức khoẻ như: trầm cảm, nhức đầu kéo dài, đau dạ dày… vốn là hậu quả của việc học hành căng thẳng kéo dài. 

Một khảo sát khác ở trẻ em độ tuổi 9-12 tại miền đông Trung Quốc cho thấy hơn 80% trẻ có biểu hiện lo âu cực độ khi các kỳ thi đến gần.

Các áp lực này bắt đầu được hình thành từ lúc các em còn nhỏ và ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi các em bước vào độ tuổi vị thành niên, có thể dẫn đến tình trạng tự tử, cũng đang là vấn nạn nhức nhối tại các quốc gia châu Á hiện nay.

“Việc thiếu các hoạt động vui chơi thể chất sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ. Chúng ta nên biến các hoạt động vui chơi thể thao trở thành một thói quen, không chỉ với trẻ em mà ngay cả với các bậc phụ huynh và giáo viên” – bà Joane Chung Wai Yee, giáo sư nghiên cứu sức khoẻ tại ĐH Giáo dục Hong Kong, nêu quan điểm.

Chơi và học

Chơi và học luôn song hành: Đừng đánh giá thấp giá trị của việc chơi. Thông qua chơi, trẻ học và phát triển được các kỹ năng về nhận thức như toán học và cách giải quyết vấn đề, các kỹ năng giao tiếp xã hội và kỹ năng về học vấn.

Chơi lành mạnh tốt cho sức khoẻ: Việc vui chơi sẽ giúp chống lại các vấn đề của bệnh béo phì mà hiện nay nhiều trẻ đang mắc phải. Vui chơi còn giúp trẻ em trưởng thành về mặt cảm xúc. Đó cũng là một cách để giải toả bớt những lo lắng và căng thẳng nơi trẻ.

Chơi bên ngoài tốt hơn: Hãy tạo điều kiện để con bạn có được càng nhiều thời gian vui chơi bên ngoài càng tốt, đó sẽ là những ký ức trẻ không bao giờ quên.

 

(Tổng hợp từ Huffington Post, Time)

Nhu cầu không thể thiếu

Chỉ sau một tháng chào đời, ngoài chuyện ăn và ngủ, những đứa trẻ sơ sinh đã bắt đầu biết “chơi” cùng cha mẹ và thế giới xung quanh.

Nếu chỉ có một mình, trẻ sẽ tự nghĩ ra những trò chơi tưởng tượng, sáng tạo các nhân vật và những câu chuyện. Nếu chơi cùng bạn bè đồng lứa, trẻ sẽ dễ phát triển các kỹ năng tổ chức trò chơi và những kỹ năng xã hội khác.

Vui chơi quan trọng tới mức Liên Hiệp Quốc đã thừa nhận đây là một quyền cơ bản của con người, tương đương quyền được che chở và quyền được học hành.

Tạp chí Time (Mỹ) dẫn quan điểm của các nhà khoa học cho rằng vui chơi không chỉ là điều trẻ thích làm, mà còn là chuyện trẻ cần làm. Chơi giúp trẻ năng động về thể chất, rèn luyện tư duy, sáng tạo.

 

Quan trọng hơn hết, vui chơi dạy trẻ cách hợp tác với nhau khi chơi trong nhóm, đồng thời giúp trẻ biết cách tạo niềm vui khi ở một mình. Nói cách khác, vui chơi giúp trẻ phát triển trở thành một con người hoàn thiện.