12/01/2025

Hiệu trưởng được tuyển dụng giáo viên?

Việc tưởng như hiển nhiên này sẽ có nhiều khả năng thực hiện tại TP.HCM theo quy hoạch phát triển GD-ĐT của thành phố này đến năm 2030.

 

Hiệu trưởng được tuyển dụng giáo viên?

Việc tưởng như hiển nhiên này sẽ có nhiều khả năng thực hiện tại TP.HCM theo quy hoạch phát triển GD-ĐT của thành phố này đến năm 2030.



Giáo viên cầm quyết định nhận nhiệm sở của Sở GD-ĐT TP.HCMẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, để thực hiện điều này đòi hỏi những quy chuẩn, hành lang pháp lý để hiệu trưởng không thể lạm dụng quyền hành.
Có lợi cho nhà trường
Trước chủ trương này, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc GD-ĐT TP.HCM, cho rằng ở góc độ nào đó, giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng nói riêng và cơ sở nói chung là cần thiết, tạo sự chủ động trong quá trình tổ chức hoạt động. Vì hơn ai hết đó là người hiểu mình cần bao nhiêu giáo viên (GV), cần người như thế nào…
Theo ông Ngai, dù các trường trước đó có báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhưng nếu cứ để cơ quan quản lý phân công, điều động nhân sự, thì vẫn xảy ra tình trạng nơi thiếu, chỗ thừa, trình độ, năng lực thế nào cũng phải chấp nhận.
Hiệu trưởng một trường có tiếng tại Q.1 nói: “Khi có sự chủ động thì các trường có cơ hội tìm GV thích hợp”. Tương tự, hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Thủ Đức, khẳng định việc tự chủ trong tuyển dụng rất có lợi cho các trường. Bởi biết chắc nhu cầu cần để tuyển đúng số lượng, có những bước thẩm định ban đầu về năng lực khi tiếp xúc trực tiếp với ứng viên là ưu thế so với việc phân công công tác như hiện nay.
Còn ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.Bình Tân, cho rằng chủ trương này có ưu điểm là tự hiệu trưởng quyết định lực lượng GV, không đổ thừa cấp trên phân công.
Phải sàng lọc, bổ nhiệm lại hàng loạt hiệu trưởng
Trong khi đó, theo nhiều GV, để thực hiện được cần có những cơ chế ràng buộc.
GV một trường THCS tại Q.Tân Bình cho rằng muốn trao quyền cho hiệu trưởng mà không nảy sinh tiêu cực, độc tài thì phải bắt đầu bằng việc sàng lọc, bổ nhiệm lại hàng loạt hiệu trưởng; Đồng thời xây dựng cơ chế tự chủ và giám sát. Còn với cơ chế giám sát, thanh tra như hiện nay thì tiêu cực rất dễ xảy ra.
Ông Hoàng Long Trọng, GV Trường THCS Văn Lang (Q.1), cho biết điều này sẽ giúp chất lượng GV nâng cao, uy tín của trường được cải thiện. Tuy nhiên, để làm được cần nhất là người quản lý có tầm, có chiến lược bởi nếu không sẽ xảy ra tiêu cực. Để có sự minh bạch, mỗi trường phải có một hội đồng tuyển dụng bao gồm ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, các đoàn thể… với sự giám sát của cơ quan quản lý ngành.
Tương tự, ông Lê Phương Trí, GV tiểu học ở Q.4, đồng ý chủ trương hay nhưng nếu hiệu trưởng không công tâm sẽ tuyển vì lợi ích riêng hoặc có những nhận xét không chính xác trong quá trình đánh giá ứng viên. Do đó, trước khi triển khai cần có sự quán triệt về tâm thế cho những người đứng đầu trường học và có những cơ sở chế tài phù hợp.
Cũng lo sợ nhiều tiêu cực, một GV tại Q.2 cho biết hiện nay quyền lực của hiệu trưởng là rất cao, bây giờ nếu giao thêm quyền tuyển dụng sẽ dễ dẫn đến tiêu cực. Để kiểm soát thì nên công khai, minh bạch và có hội đồng tuyển dụng, có sự đánh giá không chỉ riêng hiệu trưởng mà cần sự kết hợp của đội ngũ chuyên môn nhìn thấy rõ năng lực của ứng viên chứ không nên để hiệu trưởng toàn quyền quyết định.
Ông Nguyễn Văn Ngai cũng thừa nhận sẽ có những hạn chế này. “Nếu hiệu trưởng thiếu tâm, thiếu tầm dễ dẫn đến những tiêu cực. Khi quyền hạn trong tay, họ dễ tuyển theo suy nghĩ cá nhân chứ không đặt mục tiêu chung, không đảm bảo nghiêm túc những tiêu chí đã đưa ra. Từ đó xảy ra sự phân biệt đối xử với cá nhân có ý kiến trái chiều và ngược lại kéo theo sự thiếu dân chủ”, ông Ngai nhận định.
Ý kiến:
Hiệu trưởng phải có đức, có tài
Hiệu trưởng có quyền lựa chọn GV giỏi, tận tâm và phù hợp với tiêu chí của nhà trường nhưng cần chuẩn mực, dân chủ, công khai và minh bạch, dựa trên năng lực của GV. Trái lại, ở một môi trường thiếu dân chủ, hiệu trưởng chuyên quyền độc đoán sẽ rất nguy hiểm, không chọn người lao động theo năng lực mà vì mối quan hệ. Do vậy, chủ trương hay, thực hiện tốt với điều kiện nhà trường lựa chọn được hiệu trưởng có đức, có tài, có tâm và cần kết hợp với các hình thức giám sát. Hiệu trưởng phải được hội đồng sư phạm, tập thể GV bầu chọn để đảm bảo dân chủ.
Ngô Minh Oanh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Xây dựng đội ngũ hiệu trưởng đúng chuẩn
Bước đầu nên thí điểm ở một số trường mà hiệu trưởng được đánh giá có tâm, có tầm. Về lâu dài, muốn thực hiện thì phải xây dựng đội ngũ hiệu trưởng đúng chuẩn, vừa có năng lực chuyên môn, vừa có đạo đức, luôn đặt cao mục tiêu phát triển nhà trường.
Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó giám đốc GD-ĐT TP.HCM)
Cần chế tài “dữ dội”
Để hạn chế tiêu cực, lạm quyền thì phải có hệ thống chế tài kiểm soát hiệu trưởng. Giáo dục đạo đức là một mặt nhưng mặt khác cần chế tài “dữ dội” bởi cứ nói khơi khơi khó lòng thực thi đúng.
Cao Huy Thảo (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc)

Để các trường chủ động hơn
Từ nhiều năm nay, tại TP.HCM, việc tuyển dụng nhân sự cho ngành giáo dục do Sở GD-ĐT hoặc các quận huyện thực hiện, tùy theo bậc học. Cụ thể, các trường THPT, một số trường mầm non, tiểu học trực thuộc như Nam Sài Gòn, Mầm non TP, Mầm non 19/5… Sở ban hành kế hoạch và thực hiện việc tuyển dụng. Các trường mầm non, tiểu học, THCS, phòng giáo dục phối hợp với phòng nội vụ các quận, huyện xây dựng kế hoạch tuyển dụng trình UBND quận, huyện ban hành theo đúng thẩm quyền.
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay, Sở đang tích cực hoàn chỉnh dự án Quy hoạch phát triển GD-ĐT TP.HCM đến năm 2030 trong đó xây dựng kế hoạch giao quyền tự chủ cho các trường về công tác tự chủ và tuyển dụng GV để các trường chủ động hơn trong việc sử dụng kinh phí, ngân sách, nguồn nhân lực hiệu quả, nâng cao chất lượng.

 

Bích Thanh