13/01/2025

Thiên nhiên là nơi cứu sống mình

GS.TS Đặng Huy Huỳnh – phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, nhà khoa học đầu tiên của VN vừa được ASEAN vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN – đã chia sẻ như vậy khi trò chuyện cùng Tuổi Trẻ.

 Thiên nhiên là nơi cứu sống mình

 

GS.TS Đặng Huy Huỳnh – phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, nhà khoa học đầu tiên của VN vừa được ASEAN vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN – đã chia sẻ như vậy khi trò chuyện cùng Tuổi Trẻ.

Hơn 60 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ông Đặng Huy Huỳnh bộc bạch nhiều lúc ông cảm thấy buồn trước những dự án, những đề xuất chỉ vì lợi ích kinh tế, xem nhẹ bảo vệ thiên nhiên và môi trường.

Người nghèo hứng chịu

* Ông đã có hơn 60 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, rất ít người biết thời trẻ ông từng hoạt động trong quân ngũ, vì sao ông chuyển qua lĩnh vực này?

– Đúng khi trẻ tôi là lính, chiến đấu ở các chiến trường. Khi trở ra Bắc, tôi được cử đi học và quyết định chọn ngành học là lĩnh vực tôi hoạt động lâu nay.

Hơn 60 năm qua, tôi đi nhiều nơi, thấy ở đâu cũng có các loài sinh vật sinh sống và có cuộc sống của con người. 

Tôi quan niệm thiên nhiên là nơi cứu sống mình từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thiên nhiên thật sự như người mẹ đỡ cho tất cả. Vì thế, tôi chỉ có một thông điệp: từ người dân đến lãnh đạo hãy trân quý thiên nhiên, cố gắng sống thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên.

* Suốt quá trình hoạt động của mình, ông thấy con người đã ứng xử ra sao với bà mẹ thiên nhiên?

Thiên nhiên là nơi cứu sống mình - Ảnh 3.

– Qua nhiều giai đoạn, chúng ta có những đường lối, chính sách đúng, thể hiện sự quan tâm trong bảo vệ môi trường thiên nhiên và cũng có thành tựu. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn bộ phận không nhỏ không có ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên hay đánh giá về vai trò đích thực của thiên nhiên còn kém, đối xử tệ với thiên nhiên. 

Những chuyện như vậy không chỉ trong cộng đồng, mà còn có cả ở cấp các cơ quan quản lý.

Chúng ta thấy rất nhiều chuyện từ khai thác, vận chuyển, buôn bán đủ các loài động vật quý hiếm, rồi dùng mìn, dùng các công cụ huỷ diệt để săn bắt, khai thác thuỷ sản, tàn phá rừng, tàn phá hệ sinh thái và môi trường rừng. 

Thiên nhiên là nơi cứu sống mình - Ảnh 4.

Chỉ mới đây, chuyện phá rừng lại xảy ra ở An Lão, Bình Định. Với những nhà khoa học, đây là chuyện cực kỳ đau lòng, nhưng tôi nghĩ cơ quan quản lý địa phương chưa chắc đã nhìn nhận như chúng tôi.

Tôi đã rừng vào khu rừng ở An Lão, Bình Định, đó là một vùng mà cách đây 20 năm đã phát hiện loài voọc chà vá chân xám đầu tiên của Việt Nam, một loài đặc hữu của Việt Nam. 

Vậy tại sao cơ quan địa phương lại để xảy ra chuyện 43ha rừng của khu rừng tự nhiên đó bị chặt phá qua thời gian dài, mà những ngày gần đây cơ quan chức năng mới phát hiện ra?

Tôi thật sự kinh ngạc về việc quản lý thế nào mà để như thế. Cách quản lý của các cơ quan, những người được nhà nước, địa phương giao trách nhiệm quản lý đã ở đâu mà để “lâm tặc” hoặc ai đó vào phá một khu rừng tới 43ha không hề biết?

Cả một cánh rừng chứ không phải cây kim nhỏ, điều xảy ra không chỉ có chê trách mà còn cho thấy nhiều cơ quan, nhiều lãnh đạo không làm tròn trách nhiệm. 

Chúng ta cứ làm vậy ở mọi nơi rồi chúng ta lại lo ứng phó với mưa lũ, lụt lội và lại kêu sao lắm hiện tượng thời tiết dị thường.

Những chuyện như vậy chắc chắn chỉ có lợi ích với cá nhân nhưng đã gây hệ lụy với cộng đồng, mà cuối cùng người nghèo, người già, trẻ em là đối tượng hứng chịu.

Chuyển đổi rừng không hiệu quả

Thiên nhiên là nơi cứu sống mình - Ảnh 5.

* Dù được công nhận có tính đa dạng sinh học cao, nhưng cũng có những giai đoạn chúng ta chưa chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học, ông có nghĩ vậy?

– Đúng vậy, đã có những giai đoạn do khó khăn về kinh tế, khi đó cơ quan quản lý chạy theo kinh tế nhiều quá. Chúng ta cho chuyển đổi một số khu rừng sang trồng cao su, cà phê, ca cao… nhiều chỗ không hiệu quả, mà cái mất đi thấy rõ là mất cân bằng đa dạng sinh học. 

Ví như rừng khộp ở Tây Nguyên, đây là cánh rừng cực kỳ quý hiếm, không phải ở đâu của Việt Nam cũng có, miền Bắc hoàn toàn không có, thậm chí ngay cả các nước châu Á cũng chỉ một số nước có.

Chúng ta lại cho phá rừng làm thuỷ điện, đương nhiên một đất nước muốn phát triển phải có thủy điện, nhưng quy hoạch chỗ nào nên làm chứ không phải chỗ nào cũng làm. 

Đặc biệt, rừng đầu nguồn, rừng giữ nước, rừng môi trường, rừng có giá trị cực kỳ quan trọng với an ninh quốc phòng thì kiên quyết phải giữ.

Tôi không đồng tình với quan điểm những khu rừng đó chuyển sang làm kinh tế thì giá trị rất lớn, vậy là làm. Nhưng thực sự nếu phân tích kỹ, chưa chắc giá trị đã lớn bằng ta giữ lại. Giá trị của giữ tài nguyên thiên nhiên là giá trị lâu dài, đó là vốn có lâu dài và cái lãi của việc giữ tài nguyên thiên nhiên, giữ lại rừng là vô cùng lớn với thế hệ hôm nay, thế hệ con cháu sau này.

GS.TS ĐẶNG HUY HUỲNH

Thiên nhiên là nơi cứu sống mình - Ảnh 7.

Rừng tự nhiên bị tàn phá tại tiểu khu 1 rừng xã An Hưng (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) – Ảnh: TRƯỜNG AN

* Đã có nhiều ý kiến nói lúc khó khăn thì còn vì lý do kinh tế mà xem nhẹ môi trường, còn hiện nay phải loại bỏ tư duy này?

– Chắc chắn phải như vậy. Đến nay chúng ta đã thoát nghèo, có thu nhập trung bình, dù vẫn còn một bộ phận người dân nghèo, nhưng tôi nghĩ cần phải thoát ra khỏi mô hình phát triển kinh tế lệ thuộc vào tài nguyên. 

Với Việt Nam, một nước đang được hỗ trợ về tài chính cho bảo vệ bền vững tài nguyên thiên nhiên, rừng và đa dạng sinh học, trách nhiệm đó không phục vụ riêng Việt Nam, mà còn là trách nhiệm với các công ước quốc tế về đa dạng sinh học mà chúng ta đã ký kết.

Trước đây và cả hiện nay chúng ta vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào rừng, nhưng phải tư duy theo hướng đa dạng sinh học là cuộc sống, là nền tảng, là đầu vào của phát triển kinh tế, là đầu vào cho sự thịnh vượng của con người.

* Từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực, trước thực trạng ô nhiễm môi trường, xâm lấn, tàn phá rừng, tàn phá hệ đa dạng sinh học, theo ông những việc đó do pháp luật chưa đủ mạnh hay do yếu tố quản lý, do vấn đề thực thi của những người có trách nhiệm?

– Hiện nay chúng ta có nhiều vấn đề nóng, từ ô nhiễm môi trường đến vấn đề an toàn thực phẩm, đến tình hình dịch bệnh. Đây là những việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân và cũng đe doạ về phát triển bền vững.

Những việc nóng như vậy chắc chắn có nguyên nhân từ quản lý hiện nay còn lỏng lẻo, sự phối hợp liên ngành và cả cơ quan được giao nhiệm vụ cũng chưa làm hết trách nhiệm.

Việc giám sát thực thi cũng lỏng lẻo, yếu kém và quan trọng hơn là chưa xem trọng việc giám sát từ cộng đồng, từ người dân, mà đây là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Thậm chí, dù quản lý đa dạng sinh học còn là vấn đề mới ở Việt Nam, nhưng cũng có tình trạng một bộ phận lãnh đạo, những người có trách nhiệm đưa ra quyết sách cũng không hiểu hết tầm quan trọng của đa dạng sinh học, vì thế mới đề xuất và quyết đáp các chính sách không phù hợp. 

Có nghĩa là vẫn còn những lãnh đạo chưa nhận thức sâu sắc về đa dạng sinh học đối với phát triển bền vững.

Tôi từng đề nghị bỏ nhiều dự án

Thiên nhiên là nơi cứu sống mình - Ảnh 8.

* Là nhà khoa học nhiều lần ngồi hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án lớn, đã khi nào ông phản đối hay đề nghị bỏ không làm dự án đó để bảo vệ môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học?

– Với tất cả các dự án khi xem xét, tôi có quan điểm không chỉ xem xét yếu tố tác động tới môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học, mà phải làm kỹ tác động tới người dân qua tham vấn cộng đồng, đó là những người chịu ảnh hưởng, qua đó thấy dự án được mất để có biện pháp giảm thiểu và phải để cộng đồng địa phương giám sát. Nếu làm kỹ như thế thì chưa chắc đã có những sự cố môi trường xảy ra.

Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng được duyệt. Tôi nhớ ngay dự án lớn như đường Hồ Chí Minh, cá nhân tôi đã không đồng ý 4 lần vì con đường này đi ngang qua khu lõi của Vườn quốc gia Cúc Phương.

Đến lần thứ 5 họp hội đồng tôi mới quyết định bỏ lá phiếu đồng ý, khi đó con đường chỉ đi qua vùng đệm và làm cầu cạn 2,8km để giảm ảnh hưởng đến vườn quốc gia, khi đó tôi là người cuối cùng ký phiếu đồng ý.

* Có dự án nào ông đề nghị bỏ hẳn?

– Có. Tôi không nhớ hết, nhưng có dự án Tam Đảo 2 của tỉnh Vĩnh Phúc dự định làm du lịch, làm casino và xây các khách sạn cao cấp trên Tam Đảo. Dù Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều hội nghị lắng nghe, nhưng tôi và một số nhà khoa học kiên quyết, dứt khoát không đồng ý cho phát triển như vậy. 

Chúng tôi không đồng ý vì nếu làm sẽ ảnh hưởng tới khí hậu không chỉ khu vực Vĩnh Phúc mà còn cả Quảng Ninh, Tuyên Quang, ảnh hưởng tới xói lở. 

Hoặc một dự án ở khu Đồng Đẳng của Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), tôi cũng không đồng tình làm vì ảnh hưởng tới cả hệ sinh thái vườn quốc gia, ảnh hưởng tới cuộc sống của cộng đồng người Tày, người Nùng.

* Với những dự án ông phản đối, ông có bị lãnh đạo địa phương hay các ngành trách móc?

– Ngay dự án Tam Đảo 2, khi chúng tôi kiến nghị không làm, Chính phủ khi đó đã đồng ý và địa phương cũng nhận ra mức độ ảnh hưởng nên thôi. Không có ai trách tôi. Chúng tôi không đồng ý là suy nghĩ cho cộng đồng, không cho cá nhân ai.

Thiên nhiên là nơi cứu sống mình - Ảnh 9.

3 cảnh báo

* Bây giờ, nếu có một cuộc tổng kết 20 hay 30 năm về các vấn đề môi trường, đa dạng sinh học, ông sẽ nêu ý kiến gì, cảnh báo gì?

Thứ nhất, phải nhìn nhận những thách thức về môi trường hiện nay là vô cùng lớn, vì vậy đầu tiên phải rõ quan điểm không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế, từ đó hoàn thiện về pháp luật, về cơ quan quản lý và phải xem trọng đa dạng sinh học.

Thứ hai, phải đầu tư thích đáng cho bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Tôi hiểu đất nước còn nghèo, còn trăm công nghìn việc, nhưng đầu tư cho đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên là đầu tư cho tương lai, nó không mất đi đâu mà chỉ có lợi.

Thứ ba, với những lãnh đạo các cơ quan quản lý, tôi nghĩ cần có tư duy và nhận thức sâu sắc về môi trường, đa dạng sinh học, về vai trò của rừng, của thiên nhiên đối với cuộc sống. Nếu đã nhận thức sâu sắc, chắc chắn không có các quyết sách đánh đổi dễ dàng.

Người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN

 

GS Đặng Huy Huỳnh tại lễ vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN

Danh hiệu Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN được trao nhân dịp kỷ kiệm 50 năm thành lập ASEAN hôm 8-8 tại Philippines. Đã có 10 nhà khoa học của 10 nước ASEAN được trao danh hiệu.

Với nhiều đóng góp cho đa dạng sinh học ASEAN thông qua các hoạt động và sáng kiến góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và khu vực, GS.TS Đặng Huy Huỳnh đã được trao danh hiệu này.

 

GS Đặng Huy Huỳnh năm nay 87 tuổi, đã được trao tặng gần 20 huân chương, huy chương các loại, trong đó có 2 giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.


GS Đặng Huy Huỳnh còn có nhiều công trình có giá trị, trong đó 154 công trình công bố trên tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước; 14 cuốn sách chuyên khảo về động vật, sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường.


Sau khi GS Đặng Huy Huỳnh được trao danh hiệu, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chúc mừng GS, khẳng định GS đã và sẽ luôn là tấm gương điển hình, là hạt nhân lan tỏa cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đối với Việt Nam cũng như quốc tế.

Bộ trưởng cũng mong muốn trong thời gian tới Việt Nam sẽ có thêm nhiều Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, thêm nhiều tấm gương sáng trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

XUÂN LONG thực hiện