29/11/2024

Những bồn cây xanh khôn khổ

Trên các tuyến đường tại TP.HCM, nhiều bồn cây xanh đầy ắp rác thải, xà bần, thức ăn thừa, thậm chí một số cây còn bị trám ximăng kín quanh gốc.

 Những bồn cây xanh khôn khổ

 

Trên các tuyến đường tại TP.HCM, nhiều bồn cây xanh đầy ắp rác thải, xà bần, thức ăn thừa, thậm chí một số cây còn bị trám ximăng kín quanh gốc.


Chuyện cây xanh bị bức hại báo chí đã không ít lần phản ánh, nhưng đến nay vẫn diễn ra khắp mọi nơi, ngay cả khu vực trung tâm TP.

Cây xanh mà biết nói năng…

Dọc tuyến đường D2 (quận Bình Thạnh), nhiều cây me thân khẳng khiu, lá vàng úa đứng xiêu vẹo trên vỉa hè. Phía dưới gốc cây hoàn toàn không nhìn thấy đất bởi ximăng đã bịt kín. 

Khi hỏi vì sao lại trám ximăng kín gốc cây, làm sao tưới nước, một người dân trong khu vực trả lời nó vẫn sinh trưởng bình thường. 

“Tôi sợ trộm nhổ cây đi mất nên lấy ximăng trám lại quanh gốc” – người này giải thích.

Dọc đường Hòa Hảo (phường 7, quận 11), các hộ dân khi sửa chữa nhà cửa sẵn tiện bôi trát ximăng quanh gốc cây hoặc bồn cây. 

“Bồn cây hỏng nhiều ngày nhưng không thấy ai đến sửa. Gạch đá vỡ vụn cùng với đất sình bị nước mưa cuốn trôi vào làm bẩn nhà, nên chúng tôi tráng ximăng kín gốc cho sạch sẽ” – một người dân nói.

Khu vực gần Trường đại học Hutech (đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh), hàng loạt gốc cây là nơi để hàng quán, xe đẩy xả rác vào. Rác xả vương vãi cả trên bồn cây và rơi rớt quanh đó khiến ruồi bu đen. 

Nhiều sinh viên đứng chờ xe buýt không dám lại gần hai gốc cây ở đây. 

“Trời nắng thì bốc mùi hôi, trời mưa thì thức ăn thừa, rác rến từ gốc cây tràn lênh láng ra vỉa hè” – bạn Bảo Trân, sinh viên Hutech, kể.

Bên dưới một số bó vỉa cây trên đường Pasteur (quận 3) cũng đầy ắp rác, xà bần. Trước nhà sách Pasteur, hàng loạt thùng thức ăn thừa, ly nhựa, chén tô dơ, bếp than bày ngổn ngang tựa vào một gốc cây cạnh nhà chờ xe buýt.

Dọc các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), những bồn cây xây cao 20-30cm bong tróc từng mảng nằm ngổn ngang trên mặt đường. 

Lâu dần lớp đất dưới gốc cây không có bồn bao bọc nên nước mưa làm trôi đi, rễ cây trồi lên mặt đường nhếch nhác sình đất và đá gạch vụn của bồn vỡ. Một số nơi khác cạnh tiệm sửa xe, người ta còn đổ nước có dầu nhớt xuống gốc cây.

Những bồn cây xanh khốn khổ - Ảnh 2.

Núi rác vây kín gốc cây trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) – Ảnh: THU TRANG

Những bồn cây xanh khốn khổ - Ảnh 3.

Nơi lẽ ra trong lành nhất lại là nơi ô nhiễm nhất – Ảnh: THU TRANG

Những bồn cây xanh khốn khổ - Ảnh 4.

Gốc cây dường như trở thành nơi để rửa chén, vứt rác – ghi nhận trên đường Pasteur, Q.3 – Ảnh: THU TRANG

Những bồn cây xanh khốn khổ - Ảnh 5.

Một gốc cây mới trồng bị đổ rác ngập bó vỉa – Ảnh: THU TRANG

Những bồn cây xanh khốn khổ - Ảnh 6.

Gốc cây trên vỉa hè là nơi tập trung rác thải, kể cả mảnh kính gây nguy hiểm cho người đi bộ – Ảnh: THU TRANG

Những bồn cây xanh khốn khổ - Ảnh 7.

Ngồi chờ xe buýt cạnh đống rác trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh – Ảnh: THU TRANG

Kêu gọi bảo vệ cây

Ông Nguyễn Thanh Sơn, trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP, cho biết những hành vi như xả rác, đổ chất thải đều gây hại đến sự sinh trưởng và phát triển bình thường của cây. Trường hợp trám ximăng bịt kín gốc cây, khi gốc cây phát triển sẽ gặp cản trở. 

Nếu cây đã lớn, rễ có thể cắm sâu để hút nước ngầm, còn cây nhỏ, rễ còn nông thì nước tưới không tiếp cận được rễ khiến cây dễ chết. Nếu thường xuyên đổ nhiều hoá chất độc hại, đặc biệt là axit, xuống bồn cây thì cây có nguy cơ bị chết rất cao. 

“Trong quá trình chăm sóc cây mỗi ngày, khi phát hiện những trường hợp này, chúng tôi có trách nhiệm báo cáo và đề xuất chủ đầu tư là các khu quản lý giao thông đô thị và Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn kịp thời xử lý” – ông Sơn cho biết.

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, thừa nhận có tình trạng người dân xả rác, đổ nước thải và trám bít ximăng vào gốc cây hầu hết ở các quận thuộc địa bàn quản lý của khu.

Ông Ninh cho biết Khu quản lý giao thông đô thị số 1 có đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ tuyên truyền, vận động người dân ý thức bảo vệ, giữ gìn cây xanh. 

Ngoài ra, đơn vị duy tu chăm sóc cây xanh thời gian qua cũng thực hiện một số công việc như dọn dẹp vệ sinh gốc cây, phá dỡ lớp bêtông xung quanh gốc cây, tưới rửa gốc cây khi phát hiện gốc cây bị đổ chất thải độc hại.

Hạ âm bồn cây xanh

Về lâu dài, ông Nguyễn Vĩnh Ninh – giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 – nói việc hạ âm bồn cây xanh là cách bảo vệ cây hiệu quả. Tuy nhiên, với số lượng cây xanh rất lớn như hiện nay, việc hạ âm bồn cần có thời gian và vốn đầu tư.

Trước mắt, những cây không có rễ nổi lên mặt đất sẽ hạ âm bồn trước. Riêng những cây có bộ rễ nổi cao lên mặt đường sẽ khó hạ âm vì dễ ngã đổ.

Những bồn cây xanh khốn khổ - Ảnh 9.

Những cây nhỏ chưa có rễ sâu hút nước ngầm bị trám xi măng sẽ rất dễ chết vì không thể tưới được – Ảnh: THU TRANG

Những bồn cây xanh khốn khổ - Ảnh 10.

Lớp gạch xung quanh bó vỉa bị đội lên tại đường Pasteaur, Q.3 – Ảnh: THU TRANG

Những bồn cây xanh khốn khổ - Ảnh 11.

Gốc cây vừa bị trám ximăng kín vừa dùng để bỏ rác – Ảnh: THU TRANG

Những bồn cây xanh khốn khổ - Ảnh 12.

Một gốc me trên đường D2, Q.Bình Thạnh bị trám ximăng kín mít – Ảnh: THU TRANG

THU TRANG – NGUYÊN NGỌC