29/11/2024

Học bảo vệ môi trường từ người Nhật

Các bạn trẻ Việt Nam tham gia Diễn đàn môi trường sinh viên châu Á (ASEP) 2017 ở Nhật Bản không chỉ được học về môi trường, mà còn thu nhận nhiều bài học quý khác.

 

Học bảo vệ môi trường từ người Nhật

 

Các bạn trẻ Việt Nam tham gia Diễn đàn môi trường sinh viên châu Á (ASEP) 2017 ở Nhật Bản không chỉ được học về môi trường, mà còn thu nhận nhiều bài học quý khác.


Thay vì ngồi lắng nghe bài giảng, sinh viên tham dự ASEP 2017 được dành phần lớn thời gian để tham quan một số danh lam thắng cảnh tại Nhật Bản, đến siêu thị mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường, học trồng cây, đi tàu ra đảo gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện của những ngư dân sống sót sau trận động đất và sóng thần năm 2011, hoặc chơi trò chơi, xem phim 3D về môi trường…

Trải nghiệm thực tế, thay đổi tư duy

Bà Narumi Yoshikawa, người thiết kế chương trình ASEP, cho biết chính những nông dân, ngư dân – những nhà sinh thái học lành nghề nhất nhờ vào kinh nghiệm có được từ chính quá trình lao động của họ – là những “giảng viên” của sinh viên ở diễn đàn này.

“Những người này có thể truyền tải cho sinh viên các thông điệp thiết thực và mạnh mẽ nhất, khuyến khích các em thay đổi tư duy theo cách rất gần gũi. Qua nhiều năm liền, ban tổ chức luôn tìm cách truyền tải các thông điệp cho sinh viên thông qua những trải nghiệm thực tế nhất có thể”  - bà Narumi nói.

“Chúng tôi hiểu rằng sinh viên cần được học từ thực tế cuộc sống, từ người dân và nền văn hóa, các em gặp gỡ, trải nghiệm công việc rồi tự rút ra bài học thay vì tập trung nhiều vào lý thuyết”.

Chương trình bao gồm các hoạt động giao lưu văn hóa như ngắm pháo bông nhân lễ hội mùa hè hay học cách chơi trống – dụng cụ âm nhạc gắn liền với truyền thống văn hóa Nhật Bản.

Chúng tôi quyết định lựa chọn Việt Nam tham gia từ năm 2013 và tự hào vì các thành viên người Việt luôn tích cực giữ gìn sự đoàn kết trong quá trình làm việc, đồng thời có các đóng góp mang tính xây dựng rất tốt cho chương trình.

Bà NARUMI YOSHIKAWA

Theo TS Võ Thanh Sơn (ĐHQG Hà Nội), trong chương trình, sinh viên luôn được tạo điều kiện tốt nhất và có môi trường để phát triển cả về năng lực lẫn nhân cách, tiếp cận những kiến thức mới nhất để hòa nhập với môi trường quốc tế. 

Ông Sơn cho hay không chỉ sinh viên mà bản thân các giáo sư tham dự chương trình cũng đúc kết được những bài học quý để mang về áp dụng tại quốc gia mình, đặc biệt là cách người Nhật xem sinh viên là đối tượng chính được hưởng lợi từ các hoạt động giáo dục.

“Chương trình ASEP đã giới thiệu về các khía cạnh chuyên môn theo cách rất tự nhiên, kết hợp yếu tố nhân văn và văn hóa trong các hoạt động giao lưu, đồng thời rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tư duy logic. Chúng tôi đã áp dụng các phương pháp này trong giảng dạy các lớp tập huấn, đào tạo cao học và nghiên cứu sinh” – ông Sơn nói.

Những bài học khác

Nói về các sinh viên Việt Nam tham gia chương trình ASEP, bà Narumi cho biết nhìn chung tất cả các bạn đều có nhiều ưu điểm nổi trội như trung thực, thân thiện, luôn biết phấn đấu không chỉ trong thời gian diễn ra hoạt động mà còn cả ở cuộc sống.

Còn TS Võ Thanh Sơn, người nhiều năm dẫn dắt đoàn Việt Nam dự ASEP, nhận định so với bạn bè các nước, sinh viên Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực nhiều vì điều kiện học tập, cơ sở vật chất chưa được ngang bằng và một số em còn e ngại vì chưa có nhiều cơ hội tham gia các chương trình giao lưu quốc tế. 

Tuy nhiên, các bạn có khả năng tiếp thu rất nhanh, tuân thủ kỷ luật tốt, tích cực tham gia đặt câu hỏi trong nhóm và rất thân thiện, có mối quan hệ đặc biệt tốt với sinh viên Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhiều sinh viên cho biết không dừng lại ở chủ đề môi trường, ASEP 2017 mang lại cho các bạn những bài học khác. 

Đó là tính kỷ luật, tôn trọng giờ giấc, nghiêm túc trong công việc, là sự chịu khó, sẵn sàng giúp đỡ và quan tâm đến người khác, là khả năng tổ chức chuyên nghiệp không chỉ trong chương trình mà còn ở việc quy hoạch đường sá, đô thị, là sự sáng tạo trong kiến trúc, kiên cường trong khắc phục thảm họa thiên nhiên.

Hầu hết bạn trẻ tham dự ASEP 2017 đều nhận thấy những thay đổi tích cực trong nhận thức sau khi tham dự chương trình. 

Bạn Phạm Thị Thu Hằng đúc kết: “Là người trẻ, chúng ta chỉ cần làm những việc đơn giản hằng ngày như bớt sử dụng túi nilông, hoặc tận dụng truyền thông để lan toả thông điệp bảo vệ môi trường, chứ không cần phải làm điều gì to tát hay quá sức mình cả”.

Năm sau, chủ đề rừng nhiệt đới

Diễn đàn môi trường sinh viên châu Á (ASEP) 2018 dự kiến diễn ra tại Malaysia, tập trung vào chủ đề rừng nhiệt đới, đồng thời lồng ghép nhiều cơ hội để sinh viên được giao lưu kết bạn, trải nghiệm nền văn hoá tại quốc gia này.

Chương trình ASEP được tổ chức lần đầu tiên tại Nhật Bản năm 2012. Cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam là một trong 4 quốc gia đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên chương trình.

Theo bà Narumi Yoshikawa, để hoà nhập tốt trong môi trường giao lưu quốc tế, sinh viên cần biết cách quan sát, lắng nghe, đặt câu hỏi khi cần thiết, mở lòng và chia sẻ với bạn bè các nước, đồng thời biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.

BìNH MINH