11/01/2025

Nhà giáo mong sửa quy định về dạy thêm

Câu chuyện dạy thêm một lần nữa lại chạm đến nỗi lòng nhà giáo, sau khi Sở GD-ĐT tổ chức hội nghị giao ban về dạy thêm – học thêm vào chiều 7-9.

 

Nhà giáo mong sửa quy định về dạy thêm

 

 Câu chuyện dạy thêm một lần nữa lại chạm đến nỗi lòng nhà giáo, sau khi Sở GD-ĐT tổ chức hội nghị giao ban về dạy thêm – học thêm vào chiều 7-9.


“Ngành giáo dục nên có đường dây nóng về dạy thêm. Nếu phát hiện giáo viên nào ép học sinh đi học thêm thì xử thật nặng. Như vậy, dần dần tình trạng ép buộc học thêm sẽ bị triệt tiêu, chứ không phải vì thế mà cấm giáo viên dạy thêm

Phó trưởng phòng GD-ĐT một quận tại TP.HCM

“Bộ GD-ĐT nên sửa quy định về dạy thêm – học thêm. Cái cần cấm chính là việc ép buộc học sinh đi học thêm bằng nhiều hình thức như cho bài kiểm tra chất lượng đầu năm với đề rất khó, học sinh bị điểm thấp sẽ cuống cuồng xin đi học thêm…”.

Đó là ý kiến đầy bức xúc của phó trưởng phòng GD-ĐT một quận ở TP.HCM về chuyện dạy thêm.

“Đây là nhu cầu của chúng tôi”

Sau hội nghị nói trên, đi gặp một số nhà quản lý giáo dục và phụ huynh, chúng tôi càng hiểu thêm sự bức xúc của họ xoay quanh việc dạy thêm.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.5, TP.HCM nóng nảy nói: “Phụ huynh trực tiếp chất vấn ban giám hiệu nhà trường: Chúng tôi muốn nhờ cô N. dạy kèm cho con chúng tôi vào buổi tối. Đây là nhu cầu của chúng tôi. Tại sao nhà trường không cho giáo viên dạy thêm?”.

Vị này kể thêm về chuyện ở trường mình trong năm học 2016-2017, khi TP.HCM siết lại kỷ cương về dạy thêm – học thêm, yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm theo quy định của Bộ GD-ĐT – giáo viên tiểu học không được dạy thêm. 

“Dù phụ huynh có nhu cầu nhưng vì tự trọng các giáo viên đều từ chối. Chúng tôi có giải thích với phụ huynh rằng đây là quy định của Bộ GD-ĐT chứ không phải của nhà trường. Nhưng nhiều người vẫn rất bức xúc” – vị hiệu trưởng nói.

Tương tự, một cán bộ Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức, TP.HCM kể: “Nhiều phụ huynh gọi điện, nhắn tin cho phòng GD-ĐT thắc mắc: họ đi làm về trễ, không kịp đón con vào giờ tan học, họ muốn gửi bé cho cô giáo để cô trông giùm. Trong lúc chờ ba mẹ đến đón thì cô giúp bé ôn bài đã học trong ngày. Chuyện đơn giản vậy mà tại sao cô giáo không được làm?”.

Còn chị Nguyễn Vân Thu Minh – phụ huynh ở Q.3, TP.HCM – tâm sự: “Buổi tối tôi không có thời gian và cũng không thể dạy con học. Chương trình bây giờ khác ngày xưa nhiều quá, nội chuyện dạy con đánh vần thôi tôi cũng bị con chê là “mẹ dạy khác cô”. 

Thế nên, tôi muốn nhờ cô chủ nhiệm dạy thêm cho con mình vào buổi tối. Không chỉ mình tôi mà nhiều phụ huynh khác trong lớp cũng muốn như thế. Nhưng cô giáo bảo: cấp trên không cho dạy thêm, nếu dạy lén lút mà bị bắt gặp thì cô không sống nổi. 

Rồi cô dẫn ra hàng loạt trường hợp đã bị các phương tiện truyền thông đăng tải: những thầy cô giáo chỉ dạy kèm ở nhà nhưng bị “chỉ điểm” để các ngành chức năng tới kiểm tra, “bắt quả tang”, rồi phải làm tường trình, kiểm điểm, bị hạ thi đua…”.

Chị Minh đúc kết: “Nhóm phụ huynh chúng tôi cùng lên gặp ban giám hiệu trường xin cho cô chủ nhiệm dạy thêm cho con mình nhưng không được chấp nhận vì sai quy định. Tôi không thể hiểu nổi cách làm của ngành giáo dục…”.

Một số hiệu trưởng trường tiểu học ở các quận 1, 3, 5, Gò Vấp còn chia sẻ: “Phụ huynh nói thẳng với chúng tôi: không cho thầy cô dạy thêm thì chúng tôi gửi người khác. Chúng tôi sẽ tìm sinh viên về nhà dạy kèm cho con em mình”.

Muốn dạy thêm phải… nhờ giáo viên ngoài biên chế

Trước đó chiều 7-9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hội nghị giao ban về dạy thêm – học thêm với mục đích: “Đưa hoạt động này vào nề nếp, giáo viên nào có nhu cầu thì đăng ký dạy thêm và được cấp phép công khai. 

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả các hoạt động dạy thêm đều phải đăng ký và được cấp phép. Dù có dạy 1 em, giáo viên cũng phải đăng ký. Việc đăng ký này nhằm bảo đảm quyền lợi cho người học, để thầy ra thầy, trò ra trò. 

Thầy cô giáo không thể dùng quyền của mình để ép học sinh học thêm được nữa” – ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, phát biểu.

Đọc thông tin về hội nghị này, thầy T. – giáo viên môn toán ở Q.Tân Bình – phản biện: “Bộ GD-ĐT quy định: giáo viên đang giảng dạy trong hệ thống trường công lập không được đứng ra tổ chức dạy thêm. Như thế có nghĩa là các thầy cô không được xin cấp phép, phải nhờ một giáo viên ngoài biên chế mới đăng ký được. 

Quy định này gây khó khăn cho chúng tôi nhiều lắm. Tôi có trình độ thạc sĩ, chỉ dạy kèm cho 10 học sinh thân thiết của mình. Nhà tôi có phòng dạy học với đầy đủ bàn ghế, hệ thống chiếu sáng… nhưng tôi không được xin cấp phép dạy thêm mà phải vào trung tâm dạy.

 Ai cũng biết vào dạy ở các trung tâm là chúng tôi đi làm thuê, mọi yếu tố từ thời gian dạy cho đến mức học phí đều phải tuân thủ theo quy định của trung tâm”.

Cô Y., giáo viên môn lý, cũng đặt câu hỏi: “Có những địa phương không có trung tâm dạy thêm – học thêm thì chúng tôi phải làm sao? Sở GD-ĐT hướng dẫn chúng tôi đến nhờ trung tâm học tập cộng đồng, nhưng liệu cơ sở vật chất của trung tâm này có đáp ứng được nhu cầu của học sinh?”.

HOÀNG HƯƠNG