10/01/2025

Đề xuất tháo thiết bị vệ sinh bốc mùi hôi trên tàu hoả.

Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, nhiều thiết bị vệ sinh lắp đặt trên các toa xe lửa trị giá hàng tỉ đồng đang phải đối mặt nguy cơ tháo bỏ để thay thế thiết bị khác.

 Đề xuất tháo thiết bị vệ sinh bốc mùi hôi trên tàu hoả.

Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, nhiều thiết bị vệ sinh lắp đặt trên các toa xe lửa trị giá hàng tỉ đồng đang phải đối mặt nguy cơ tháo bỏ để thay thế thiết bị khác.

Đề xuất tháo thiết bị vệ sinh bốc mùi hôi trên tàu hỏa - Ảnh 1.

Nhà vệ sinh trên tàu SNT2 tại ga Sài Gòn (Q.3, TP.HCM) – Ảnh: Duyên Phan

Lý do: thiết bị này không ngăn được mùi hôi thối, gây bức xúc cho hành khách đi tàu.

Dù các đơn vị sử dụng đã tìm đủ biện pháp khắc phục nhằm hạn chế các khiếm khuyết… nhưng đành “bó tay”.

Petech chỉ cung cấp thiết bị vệ sinh, không phải cung cấp nguyên buồng vệ sinh, các phần nội thất đều do nhà tàu tự trang bị

Ông PHAN TRÍ DŨNG, chủ tịch HĐQT Công ty Petech

“Hết thuốc chữa”…

Dự án “Lắp đặt thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên toa xe khách” do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) làm chủ đầu tư, được đưa vào khai thác từ cuối năm 2015 tại 821 toa xe với tổng trị giá 168,5 tỉ đồng.

 Dự án chia thành nhiều gói thầu, trong đó Công ty CP khoa học công nghệ Petech (gọi tắt Công ty Petech) cung cấp loại thiết bị vệ sinh Biofast 3G, riêng 199 bộ thiết bị vệ sinh Bio-toilets D50S (trị giá 22,5 tỉ đồng) do Công ty Chodai cung cấp.

Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau khi đưa vào khai thác, một số thiết bị Bio-toilets D50S trên các toa tàu đã phát sinh sự cố, gây mùi hôi khó chịu cho hành khách. 

Dù đã nhiều lần tìm cách khắc phục nhằm hạn chế mùi hôi nhưng bất thành, tháng 2-2017 Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đã có văn bản kiến nghị ĐSVN cho tháo bỏ toàn bộ thiết bị Bio-toilet D50S trên 23 toa tàu vì “thiết kế không phù hợp, phát sinh mùi hôi gây bức xúc cho khách, vì vậy nhân viên phục vụ tàu buộc phải đóng cửa nhà vệ sinh”.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với 80 toa tàu của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội. 

Tại cuộc họp vào tháng 8-2017, phía ĐSVN yêu cầu đơn vị sử dụng xem xét cụ thể để có phương án cải tạo, đồng thời đề nghị nhà cung cấp (Công ty Chodai) tiếp tục bảo hành, cải tiến các thiết bị vệ sinh đã lắp đặt nói trên. 

Về phần mình, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn buộc phải lên phương án sửa chữa hệ thống vệ sinh Bio-toilet D50S trên các toa xe hai tầng, với tổng dự toán chi phí thay thế khoảng 110 triệu đồng/buồng vệ sinh.

Quá trình triển khai dự án lắp đặt thiết bị vệ sinh trên tàu lửa:

Đề xuất tháo thiết bị vệ sinh bốc mùi hôi trên tàu hỏa - Ảnh 3.

Đổ lỗi cho nhau…

Trong khi gói thầu cung cấp 199 bộ thiết bị vệ sinh Bio-toilets D50S (22,5 tỉ đồng) của Công ty Chodai đang “sống dở chết dở” thì gói thầu cung cấp thiết bị vệ sinh Biofast 3G trên 378 toa xe do Công ty Petech cung ứng cũng phát sinh nhiều sự cố, nhất là mùi hôi, khiến các đơn vị thụ hưởng như công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội “đau đầu”.

Trong văn bản gửi ĐSVN và một số đơn vị liên quan, ông Phan Trí Dũng, chủ tịch HĐQT Công ty Petech, khẳng định thiết bị Biofast 3G là “tiên tiến, không gây mùi hôi” và phía Petech chỉ “cung cấp thiết bị vệ sinh chứ không phải cung cấp nguyên buồng vệ sinh, các phần nội thất đều do nhà tàu tự trang bị”.

Cũng theo ông Dũng, trong thời gian đầu đưa vào sử dụng, một số đơn vị của ngành đường sắt tự ý sản xuất buồng, sàn không phù hợp dẫn đến phát sinh mùi hôi do nước tù đọng trong các ngóc ngách. 

Ngoài ra, hiện có nhiều toa tàu được sử dụng theo kiểu tự hoán cải, không theo quy chuẩn nên chỉ có một buồng vệ sinh. “Nếu đúng quy định thì 821 toa xe phải có đến 1.642 nhà vệ sinh, nhưng đây thì không” – ông Dũng nói.

Trước phản ứng của nhiều khách đi tàu, để “chữa cháy”, Xí nghiệp toa xe Sài Gòn đành phải “bấm bụng” bỏ ra 10 triệu đồng cho mỗi toa xe để thay thế bồn cầu của thiết bị Biofast 3G bằng bồn sứ dân dụng, cũng như lắp thêm bồn tiểu, gia công nhiều thiết bị vệ sinh khác.

Trong văn bản gửi Vụ Môi trường (Bộ Giao thông vận tải) mới đây, ĐSVN thừa nhận do các toa xe được thiết kế cũ nên trong quá trình lắp đặt thiết bị vệ sinh tự hoại ở 821 toa xe có một số buồng vệ sinh diện tích nhỏ gây khó khăn cho hành khách. 

Sắp tới, khi đầu tư toa tàu mới, các đơn vị sẽ đảm bảo diện tích nhà vệ sinh. Được biết sau khi hoàn tất 2 gói thầu GS2A và GS2B lắp đặt cho 473 toa xe khách, ĐSVN “phát hiện” 23 bộ thiết bị Bio-toilets D50S với tổng giá trị gần 2,6 tỉ đồng thừa chưa biết lắp vào đâu.

Hôi là do quá trình sử dụng

Theo ĐSVN: qua khảo sát, nhiều hành khách cho rằng thiết bị Bio-toilets D50S có thiết kế không thân thiện (thiết bị nhào trộn trong bể chứa), không phù hợp với thói quen sử dụng của hành khách nên dễ gây phản ứng, khó chịu.

Theo đó, thiết bị Bio-toilets D50S xử lý chất thải sinh hoạt theo nguyên lý dạng khô, không dùng nước.

Trong khi tại Việt Nam do tàu chạy liên tục, đông khách, lại có thói quen dùng nước rửa khiến bể vi sinh bị đọng nước, không sấy khô kịp nên lên men dẫn đến mùi hôi.

 

ĐỨC PHÚ – HOÀNG LỘC