11/01/2025

VN sẽ học thêm giáo dục Bắc Âu?

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và một số hiệu trưởng các trường phổ thông, đại học đã có chuyến công tác đến ba nước Bắc Âu (Phần Lan, Thuỵ Điển, Đan Mạch).

 

VN sẽ học thêm giáo dục Bắc Âu?

 

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và một số hiệu trưởng các trường phổ thông, đại học đã có chuyến công tác đến ba nước Bắc Âu (Phần Lan, Thuỵ Điển, Đan Mạch).


Trong chuyến đi, đã có 18 biên bản ghi nhớ giữa các trường đại học Việt Nam và các đối tác Phần Lan được ký kết, trong đó có chuyển giao tài liệu về chương trình và sách giáo khoa; chuyển giao công nghệ đào tạo trực tuyến; hợp tác đại học, phối hợp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên…

“Những biên bản ghi nhớ là ghi nhận bước đầu về việc các nước bạn sẵn sàng cởi mở trong việc hợp tác, hỗ trợ. Điều này cho thấy các trường của Việt Nam cũng có vị thế nhất định để đối tác đặt niềm tin. Đây là sự khai mở. Còn “cày cấy được gì trên mảnh đất đó” là cơ hội mà các trường phải nắm giữ lấy” – ông Nhạ nói.

Hợp tác nhiều lĩnh vực

Tại các buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và văn hóa Phần Lan, Bộ trưởng Bộ Thương mại và phát triển Phần Lan, nhiều vấn đề nằm trong triển vọng hợp tác giữa hai nước cũng được bàn thảo như: khả năng hợp tác về bản quyền xuất bản các sách môn toán, khoa học, tiếng Anh, chương trình STEM; hợp tác trong chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, dự án về khởi nghiệp…

Tại Đan Mạch, ông Phùng Xuân Nhạ đề xuất với các đối tác ủng hộ các trường đại học Việt Nam trong một số dự án. 17 biên bản ghi nhớ giữa các trường đại học Việt Nam và phía Đan Mạch cũng được ký kết trong các ngày 31-8 đến 1-9 liên quan hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu y khoa, mỏ địa chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục…

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch Ulla Tornaes, ông Phùng Xuân Nhạ cũng trao đổi sâu về phương pháp giáo dục STEM, kết hợp giữa trường phổ thông và Lego và một số định hướng hợp tác giáo dục, đào tạo trong thời gian tới. 

Ông Nhạ và đoàn công tác đã thăm nhiều trường trung học, tiểu học, trường phổ thông liên cấp của các nước Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển với cách thức tổ chức lớp học mở phù hợp với hướng đổi mới sắp tới của Việt Nam.

Khó “nhập khẩu nguyên xi”

Theo đánh giá của lãnh đạo các vụ thuộc Bộ GD-ĐT, có nhiều vấn đề đang là nội dung đổi mới của giáo dục Việt Nam nằm trong dòng chảy chung của giáo dục các nước Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển. 

Ví dụ như đổi mới cách tiếp cận giáo dục theo hướng phân cấp, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, phát triển chương trình nhà trường, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng kết hợp đánh giá quá trình và cuối kỳ…

Ông Nguyễn Đức Hữu, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, cho biết hướng đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 22 (không cho điểm trong quá trình đánh giá, tăng nhận xét học sinh) tương đối phù hợp với cách thức đánh giá mà các nhà trường ở Phần Lan đang áp dụng.

“Điều đó cho chúng tôi niềm tin về hướng đi đúng. Cho dù còn có nhiều khó khăn phải khắc phục, phải điều chỉnh để thích hợp với điều kiện Việt Nam” – ông Hữu nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Vang, vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT, cho biết mong muốn của Bộ GD-ĐT trong chuyến đi Bắc Âu là ngoài việc cho các trường quan sát, tiếp cận quan điểm giáo dục hiện đại của các nước thì cũng tạo cơ hội để các trường Việt Nam đặt vấn đề với đối tác trong việc chuyển nhượng chương trình. Nhất là đối với giáo dục Phần Lan.

Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo các vụ cũng cho rằng sẽ khó trong việc “nhập khẩu nguyên xi” các chương trình giáo dục, trừ một số môn khoa học tự nhiên. Vì thế việc tiếp cận, tìm hiểu thực tế để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt rất quan trọng để các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn.

VN sẽ học thêm giáo dục Bắc Âu? - Ảnh 2.

Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

Khác biệt cần biết

Tham gia chuyến công tác Bắc Âu, bà Lâm Hồng Lãm Thúy – hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) – nhận xét: “Điều khác biệt tôi nhận thấy rõ là yếu tố giáo viên. Để vận dụng được những phương pháp giáo dục hiện đại thì nhận thức của bản thân giáo viên, đội ngũ quản lý giáo dục và cả các yếu tố liên quan phải thay đổi. 

Ở trường tiểu học nơi tôi đến tham quan, có điều khác biệt với ở mình là nếu thầy cô không đáp ứng được yêu cầu đổi mới thì hiệu trưởng có quyền không hợp tác”.

Theo bà Thuý, một trong những điểm mạnh của giáo dục Phần Lan là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và tung họ vào một môi trường được trao nhiều quyền tự chủ từ xây dựng chương trình đến thiết kế các bài học cụ thể.

So với mức sống trong xã hội, lương bình thường như bao nghề khác, giáo viên Phần Lan đều tận tâm, tự trọng với nghề mà mình đã chọn. 

Chia sẻ trong buổi hội đàm với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, bà Sanni Grahn-Laasonen, bộ trưởng Bộ Giáo dục và văn hoá Phần Lan, cho biết trong nhiệm kỳ của mình, một trong những việc bà chú trọng là thúc đẩy thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.

Bà Sanni Grahn-Laasonen đưa ra những điểm khác biệt thú vị của Phần Lan so với Việt Nam hiện nay: “Giáo viên của chúng tôi được trao quyền tự chủ rất lớn; họ được tự do trong phương pháp sư phạm, tài liệu dạy học và tổ chức chương trình. 

Giáo viên cũng như học sinh không bị kiểm soát và giám sát nghiêm khắc. Chúng tôi không có những bài kiểm tra tiêu chuẩn vì không muốn học sinh phải bị áp lực. Điều quan trọng, chúng tôi cần học sinh cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi tới trường. 

Ở Phần Lan, nghề giáo viên được coi trọng và trả lương cao. Các trường sư phạm khi tuyển sinh, cứ khoảng 10 người mới chọn được một người vào học”.

Sẽ có Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan tại TP.HCM

Ngày 4-9, bà Trịnh Minh Huyền, trợ lý hiệu trưởng, trưởng ban quản lý dự án Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan trực thuộc ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết chậm nhất tháng 11-2017 trường sẽ khởi công xây dựng Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan.

Công trình được xây dựng trong khuôn viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM) với diện tích 35.000m² sàn; gồm một hầm, một trệt và hai tầng lầu.

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng và mua sắm cơ sở vật chất lên đến 350 tỉ đồng. Thiết kế tổng thể, thiết kế xây dựng và thiết kế môi trường sư phạm bên trong công trình này đều do kiến trúc sư Phần Lan thực hiện.

“Dự kiến công trình hoàn thành vào đầu năm 2019. Hiện chúng tôi đang thực hiện các khâu chuẩn bị về chương trình, giáo viên, tài liệu, phương pháp giảng dạy, trang thiết bị… để dự kiến tuyển sinh và bắt đầu đào tạo từ tháng 7-2019” – bà Huyền cho biết.

Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan sẽ tuyển sinh học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Năm đầu tiên nhà trường sẽ tuyển sinh từ lớp 1 đến lớp 9 với quy mô 5-6 lớp/khối (20-25 học sinh/lớp). Những năm sau nhà trường sẽ mở rộng tuyển sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Trường sẽ tổ chức giảng dạy đồng thời hai chương trình: chương trình giáo dục Phần Lan (giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh do 100% giáo viên Phần Lan phụ trách) và chương trình giáo dục Việt Nam (giảng dạy bằng tiếng Việt do giáo viên Việt Nam và Phần Lan phụ trách).

Theo lãnh đạo nhà trường, chương trình giáo dục Phần Lan chủ yếu dành cho con em ngoại giao đoàn, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và người Việt có định hướng cho con học chương trình phổ thông để nhận bằng tú tài quốc tế.

Còn chương trình giáo dục Việt Nam là chương trình “Phần Lan hoá chương trình Việt Nam”, theo nghĩa chương trình Việt Nam nhưng được giảng dạy theo phương pháp của Phần Lan kết hợp tăng cường tiếng Anh liên tục trong 12 cấp lớp.

Những đặc trưng của giáo dục Phần Lan

Theo GS Trương Nguyện Thành (Trường ĐH Hoa Sen), giáo dục Phần Lan có những đặc trưng sau:

– Rút ngắn thời gian đào tạo phổ thông: Trẻ em Phần Lan không bắt đầu đi học đến khi 7 tuổi. Chương trình đào tạo phổ thông chỉ 9 năm thay vì 12 năm. Đến năm 16 tuổi học sinh thi một lần thi chuẩn quốc gia và có thể chọn: 1) học tiếp để chuẩn bị vào đại học (dưới 40% chọn hướng này);

2) học nghề cao đẳng (dưới 60%); 3) đi làm (dưới 5%).

– Ít giờ trong lớp: Mỗi ngày chỉ học 5 tiết và mỗi tiết 45 phút. Mỗi giờ có 15 phút nghỉ. Học sinh Phần Lan không có học thêm sau giờ học chính. Thường rất ít bài tập về nhà, nếu có thì trung bình mất khoảng 30 phút để hoàn tất.

– Ít thi cử: Trẻ em Phần Lan rất ít khi phải thi hoặc làm bài tập ở nhà cho đến trung học. Trong thời gian 6 năm tiểu học, học sinh không có một đánh giá gì.

– Ít môn học: Chương trình đào tạo lượng kiến thức ít hơn các chương trình đào tạo phổ thông khác và do đó cho phép học sinh có thời gian học sâu hơn.

– Ít giờ đứng lớp: Giáo viên chỉ dạy 4 tiết/ngày và có 2 giờ/tuần cho phát triển chuyên môn.

– Giáo viên thạc sĩ: Tất cả giáo viên phổ thông đều phải có bằng thạc sĩ.

 

– Ít quy chế: Chương trình đào tạo quốc gia chỉ là những hướng dẫn chung. Mấu chốt của vấn đề là ở niềm tin. Xã hội tin tưởng trường sẽ thuê giáo viên giỏi.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam): Cần phù hợp với văn hoá

Việc nhập khẩu chương trình, tài liệu, công nghệ dạy học hiện đại của nước ngoài nhằm đáp ứng một nhu cầu giáo dục nào đó trong nước là một nhu cầu trong quá trình hội nhập và phát triển. Các nghiên cứu về khoa học giáo dục của các nước phát triển có những thành tựu, đi trước chúng ta, có một khoảng cách rất lớn. Việc nhập khẩu này cũng sẽ giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách.
Tuy nhiên, giáo dục luôn song hành, phát triển trên nền tảng văn hoá. Do đó, một trong những điều kiện để việc nhập khẩu thành công đó là sản phẩm, công nghệ đó phải phù hợp với văn hóa và đối tượng sử dụng.
Những năm gần đây, chúng ta đã “nhập khẩu” nhiều chương trình, với nhiều quy mô khác nhau. Với nhu cầu của xã hội, rất nhiều trường học, tổ chức giáo dục đã chủ động nhập khẩu chương trình, tham gia các cuộc thi, trao đổi giáo viên, chứ không phải chỉ có các chương trình, sản phẩm do Bộ GD-ĐT thực hiện. Khi triển khai những chương trình, phương pháp từ bên ngoài, như tôi đã đề cập ở trên, cần thiết phải xét tính phù hợp và khả năng thích ứng của yếu tố văn hóa và con người cũng như các điều kiện triển khai.

ThS Lê Ngọc Tường Khanh (khoa giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Đi từ cái “gốc” quan điểm
Việc nhập khẩu một chương trình giáo dục của nước ngoài cần đi từ cái “gốc”: tức là quan điểm, mong muốn của chúng ta muốn đào tạo nên một thế hệ trẻ như thế nào, chương trình nhập khẩu có phù hợp với quan điểm ấy không?
Nhập khẩu một chương trình tiên tiến của nước ngoài là tốt, nhưng chúng ta làm như thế nào để khi triển khai nó mang lại hiệu quả như chúng ta mong muốn 
mới là điều quan trọng. Tôi cho rằng trước khi nhập khẩu một chương trình mới, chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm những lần nhập khẩu chương trình trước đây – gần nhất là chương trình VNEN.

TS Hoàng Mai Khanh (khoa giáo dục Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM):
“Nhập khẩu” và điều chỉnh:

Nguyên lý phát triển một chương trình giáo dục ở cả bậc phổ thông và đại học đều xuất phát từ nền tảng: thứ nhất là triết lý giáo dục, thứ hai là bối cảnh xã hội trong nước, bối cảnh xã hội quốc tế, bối cảnh người học…
Học cái hay của giáo dục Phần Lan thì quá tốt, nhưng học như thế nào mới là điều đáng nói. Điều này những nhà quản lý giáo dục nên cân nhắc. Theo tôi, nên nhập khẩu chương trình của nước ngoài để học hỏi cái hay của họ nhưng cần điều chỉnh dựa trên triết lý và bối cảnh của mình.

HOÀNG HƯƠNG – VĨNH HÀ – TRẦN HUỲNH – M.K.