11/01/2025

TP.HCM chấn chỉnh nhà ở, cửa hàng container không phép

Thùng container đông lạnh từ 100-120 triệu mua về chỉ tốn thêm 20-40 triệu nữa để tân trang, làm nội thất bên trong sẽ có “căn nhà” như ý muốn nên nhiều nhà container không phép đã mọc lên tại TP.HCM.

TP.HCM chấn chỉnh nhà ở, cửa hàng container không phép

 

Thùng container đông lạnh từ 100-120 triệu mua về chỉ tốn thêm 20-40 triệu nữa để tân trang, làm nội thất bên trong sẽ có “căn nhà” như ý muốn nên nhiều nhà container không phép đã mọc lên tại TP.HCM.

TP.HCM chấn chỉnh nhà ở, cửa hàng container không phép - Ảnh 1.

Chợ container trong khu dân cư Celadon City, Q.Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các quận, huyện chấn chỉnh tình trạng lắp đặt và sử dụng container làm nhà ở, văn phòng, cửa hàng kinh doanh, quán nước giải khát…

Văn bản chỉ đạo nêu rõ: trên địa bàn TP.HCM có khá nhiều nhà container nhưng hầu hết không được cấp phép xây dựng, các quận, huyện phải xử lý dứt điểm các trường hợp này.

Lắp đặt nhanh, giá rẻ

Theo ghi nhận, dọc tuyến đường dẫn Bình Thuận – Chợ Đệm (thuộc khu phố 2 và 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) có 5 công trình container được người dân lắp đặt để làm nhà ở, làm kho chứa hàng.

“Căn nhà” của ông M. nằm trên khu vực dẫn Bình Thuận – Chợ Đệm (thị trấn Tân Túc) được làm từ container cũ dài 6m, rộng 2m. Từ một thùng container, ông M. cải tạo, mở cửa sổ, kéo đường dây điện như một căn nhà bình thường, chỉ khác là không có móng nền kiên cố.

Ông M. ngăn đôi container ra thành hai phòng, một để làm phòng ngủ, một để làm phòng khách. Ông M. cho biết do khu đất ông thuê làm xưởng sửa chữa ôtô, không thể xây dựng nhà kiên cố nên ông lắp đặt container cho có chỗ ở tạm.

Ngoài công trình của ông M., ở huyện Bình Chánh còn có thêm 64 công trình container khác hoán đổi công năng sử dụng. Trong đó, 38 công trình làm nhà ở, 11 công trình văn phòng, 10 công trình chứa hàng, 4 công trình để xe và 1 cửa hàng để xe.

TP.HCM chấn chỉnh nhà ở, cửa hàng container không phép - Ảnh 3.

Một thùng container cải tạo thành nhà ở tại khu vực đường dẫn Bình Thuận – Chợ Đệm, huyện Bình Chánh, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hiện chỉ có 1 công trình bị ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc phá dỡ. Các công trình còn lại chưa xử lý.

Không chỉ ở huyện Bình Chánh, tại hẻm 117 đường Hồ Văn Long (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) cũng có 4 công trình container được người dân “biến tướng” thành kho xưởng.

Ông N.V.T. – chủ cửa hàng phế liệu chuyên cung cấp thùng container – cho biết giá bán 1 thùng container bằng sắt cũ dao động từ 20-40 triệu đồng. 

Còn loại thùng container đông lạnh, tấm dày hơn có giá từ 100-120 triệu. Sau khi mua, chỉ cần tốn 20-40 triệu đồng thuê thợ tân trang, sửa chữa làm nội thất bên trong sẽ có “căn nhà” như ý muốn.

Theo ông T., hiện nay người dân chọn mua container cải hoán thành nhà ở bởi chi phí mua và lắp đặt rẻ hơn xây dựng nhà kiên cố. Việc di chuyển cũng dễ dàng, tiện lợi.

“Người dân có đất thuộc quy hoạch công trình công cộng, đất không xây dựng được hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ chọn mua container để làm nhà ở, chi phí thấp hơn nhà kiên cố nhiều” – ông T. nói.

TP.HCM chấn chỉnh nhà ở, cửa hàng container không phép - Ảnh 4.

Nhiều thùng container đông lạnh được cải tạo thành nhà ở tại huyện Bình Chánh – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phải xin giấy phép xây dựng

Theo Sở Xây dựng TP, cơ quan này phát hiện 165 công trình container thuộc địa bàn 13 quận, huyện được người dân “biến tướng” thành nhà ở, văn phòng, cửa hàng kinh doanh, quán nước giải khát, kho chứa hàng… Có 151 công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Trong đó có 17 công trình có giấy phép xây dựng nhưng có thay đổi kết cấu chịu lực, 134 công trình không có giấy phép xây dựng, hiện chưa được xử lý dứt điểm. 

Công trình sai phạm tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Chánh với 65 công trình, quận Bình Tân có 37 công trình, Thủ Đức có 18 công trình.

Sở Xây dựng nhận định: phần lớn các công trình lắp đặt container trên địa bàn TP không có giấy phép xây dựng, đặt trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch, vi phạm hành lang kỹ thuật. Một số ít công trình có giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư lại tự ý thay đổi kết cấu chịu lực.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng việc thi công, lắp đặt và đưa vào sử dụng container đang trở nên ngày càng phổ biến, nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch, cảnh quan và làm thay đổi mục đích sử dụng đất. 

Tuy nhiên, về mức độ an toàn của các loại công trình này thì chưa có cơ quan nào kiểm định.

Hiện luật chưa quy định cụ thể việc quản lý các công trình container dạng nhà nên gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong công tác quản lý và xử lý.

Trong văn bản chỉ đạo, UBND TP yêu cầu các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết ngăn chặn xử lý ngay từ đầu với các trường hợp thi công, lắp đặt công trình container không đúng quy định, không được cấp phép. 

Các công trình có giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư tự ý thay đổi kết cấu chịu lực chính bằng cách tạo dựng nhà cũng sẽ bị xử lý.

Nếu khu vực đất thuộc đất nông nghiệp, nhưng chủ công trình lắp đặt container để làm nhà ở thì đó là công trình sai phạm.

Ông Nguyễn Gia Thái Bình – phó chủ tịch UBND quận Bình Tân

TP.HCM chấn chỉnh nhà ở, cửa hàng container không phép - Ảnh 6.

Một thùng container đông lạnh 40 feet được cải tạo thành nhà ở – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Nguyễn Gia Thái Bình – phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, UBND quận từng phát hiện và xử lý nhiều công trình container thi công, lắp đặt không phép.

Hiện UBND quận đã chỉ đạo đội trật tự đô thị, thanh tra địa bàn phối hợp với phường để xử lý các công trình container biến tướng. 

“Người dân muốn thi công, lắp đặt công trình nhà bằng container, nếu công năng sử dụng phù hợp với mục đích sử dụng đất và đảm bảo an toàn, quận sẽ xem xét cấp giấy phép xây dựng” – ông Bình cho hay.

Một vị đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết container được dùng vào mục đích chứa đựng hàng hóa, người dân muốn cải tạo làm nhà thì phải coi đây như một loại vật liệu xây dựng, cần được cơ quan thẩm quyền xem xét cấp giấy phép xây dựng.

Theo vị này, chủ công trình phải lên phương án thiết kế, trong đó yêu cầu nêu rõ công trình xây dựng vị trí nào, thiết kế có phù hợp hay không…

TP.HCM chấn chỉnh nhà ở, cửa hàng container không phép - Ảnh 7.

Container làm kho xưởng trên đường Hồ Văn Long, Q. Bình Tân – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chưa có quy định cụ thể về công trình container

Luật sư Trần Công Ly Tao – Đoàn luật sư TP.HCM – cho hay trước đây Bộ Xây dựng có công văn hướng dẫn cho rằng công trình hoán cải từ container thì không phải công trình xây dựng nên không phải xin giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định thống nhất về việc công trình hoán cải từ container có cần xin giấy phép xây dựng hay không, điều kiện cấp phép như thế nào…

Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đăng Sơn – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng – cũng nói chưa có quy định cụ thể về loại hình công trình container hoán cải, nhưng không nên quy định đây là một loại công trình xây dựng.

Chỉ nên xem loại hình công trình được cải tạo từ container là một giải pháp tình thế trong tình hình điều kiện kinh tế nhiều người dân còn khó khăn.

Dù vậy, muốn thi công, lắp đặt công trình container thì chủ công trình cần phải xin giấy phép từ cơ quan thẩm quyền và chỉ nên cho tồn tại trong một thời gian nhất định.

 

TIẾN LONG – MAI HOA