29/11/2024

Thiệt mạng vì cồn giả chứa methanol

Đã có 2 người chết và một số người bị ngộ độc vì cồn chứa methanol trong vòng vài tháng trở lại đây. Cồn in trên nhãn cồn ethanol, tuy nhiên thực tế lại là cồn chứa methanol.

Thiệt mạng vì cồn giả chứa methanol

 

Đã có 2 người chết và một số người bị ngộ độc vì cồn chứa methanol trong vòng vài tháng trở lại đây. Cồn in trên nhãn cồn ethanol, tuy nhiên thực tế lại là cồn chứa methanol.

 

Thiệt mạng vì cồn giả chứa methanol - Ảnh 1.

Chai cồn liên quan đến cái chết của một người sử dụng – Ảnh: BVCC

Hai người chết do uống phải cồn chứa hàm lượng methanol quá cao. Có thể sẽ có thêm những cái chết được báo trước nếu cơ quan chức năng còn để những chai cồn mập mờ nhãn mác được tiêu thụ trên thị trường, gây nguy hiểm cho người dùng.

Chết vì cồn

Lần giở những chai cồn của nhiều nhà sản xuất mà thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã thu thập thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đức, phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho hay đang có tình trạng mập mờ nhãn mác trên các chai cồn. 

“Nhãn chai chỉ ghi cồn 70 độ, cồn 90 độ, ghi công dụng là sát trùng dụng cụ, sát trùng vết thương, làm chín thực phẩm nhưng không ghi thành phần, nếu không được Cục Quản lý dược cấp đăng ký lưu hành thì đó không phải là cồn y tế, nhưng các nhà sản xuất ghi nhãn không rõ ràng khiến người dùng nhầm là cồn y tế vốn tinh khiết, chứa từ 70-90% là ethanol (tương tự rượu)”- ông Đức cho biết.

Chính vì sự mập mờ này đã khiến cho 2 người chết, một số người ngộ độc vì uống phải cồn chứa hàm lượng methanol, nghĩ rằng là ethanol. 

Mới nhất là hôm 26-8, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu cho ông Lê Văn T., 63 tuổi ở Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, hôn mê, tụt huyết áp, nhiễm toan nặng do ngộ độc methanol có trong chai cồn 500ml ông T. đã mua về uống trước đó. Mặc dù được cấp cứu, hồi sức, dùng các thuốc giải độc nhưng do đến bệnh viện muộn, não tổn thương quá nặng, tử vong cận kề nên gia đình đã xin cho bệnh nhân này về. 

Trước đó, một người nam 45 tuổi ở Hà Nội tử vong hồi tháng 6 do mua cồn của Dai Loi về pha thành rượu uống. Loại cồn người bệnh sử dụng là cồn 90 độ, nhãn hiệu Dai Loi, góc trái có ghi chữ ethanol nhưng qua xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai cho kết quả có đến 88% methanol, không tìm thấy ethanol.

Lỗ hổng quản lý

Mặc dù giá bán lẻ chai cồn chỉ từ 1.000-15.000 đồng tùy cỡ, nhưng đang tiềm ẩn một lỗ hổng rất lớn trong quản lý sản phẩm này. Hồi tháng 7 vừa qua, hơn nửa tháng sau ca chết do uống phải cồn nhãn hiệu Dai Loi chứa 88% methanol, Sở Y tế Hà Nội đi kiểm tra, lấy mẫu tại kho hàng của nhà sản xuất loại cồn này.

Cơ quan y tế làm kiểm nghiệm, xác định sản phẩm trong kho của nhà sản xuất cồn Dai Loi có methanol, tuy hàm lượng các mẫu lấy sau nửa tháng không cao như mẫu kiểm nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai, nhưng cũng không đạt tiêu chuẩn cồn y tế (methanol quá ngưỡng cho phép là 0,1g/lít) và hiện cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng không xử lý được do các quy định hiện hành không rõ ràng với nhóm sản phẩm này.

“Khi chúng tôi làm việc với doanh nghiệp để xử phạt thì khó xếp sản phẩm vào nhóm nào, nhãn mác của họ không ghi là cồn y tế, công dụng ghi là sát trùng dụng cụ, làm chín thực phẩm, nếu xếp vào cồn y tế thì không đúng, nhưng sản phẩm lại được bán như cồn y tế và dễ gây nhầm lẫn. Chúng tôi đã mời Cục Quản lý dược, thanh tra Bộ Y tế cùng thảo luận, xếp sản phẩm vào nhóm trang thiết bị y tế do công dụng có mục sát khuẩn dụng cụ, nhưng sản phẩm lại chưa có giấy phép sản xuất nên Sở Y tế đã xử phạt mức 70 triệu đồng và đình chỉ lưu hành 2.800 lít cồn đã sản xuất”- một thành viên đoàn thanh tra cho biết.

Tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai cũng có văn bản gửi Cục Quản lý dược, đề nghị kiểm tra các sản phẩm cồn sát trùng, có biện pháp kiểm soát thành phần methanol trong cồn sát trùng. Đồng thời yêu cầu ghi rõ hàm lượng methanol, ethanol trên nhãn mác chai/lọ, trường hợp chứa cồn công nghiệp methanol phải ghi rõ “chứa cồn công nghiệp methanol – không được uống”. 

Đề nghị từ tháng 7 chưa được xem xét thì cuối tháng 8 lại có thêm người chết vì cồn y tế giả. Đã có người chết tức là hậu quả đã rất nghiêm trọng, nhưng nhiều người vẫn nghĩ “mấy ai dùng đến cồn và mấy ai đã bị nhầm”.

Sự lơ là trong quản lý thể hiện rõ khi ngày 7-9, chúng tôi đi khảo sát lại thị trường sản phẩm này vẫn thấy các chai cồn nhãn mác lộn xộn, mập mờ, cồn không phải là cồn y tế, không rõ thành phần đang được bày bán ở các hiệu thuốc như cồn y tế. Và nếu cứ coi đây là điều không đáng lo, rất có thể sẽ còn có những tai nạn đau lòng vì cồn y tế giả.

Cồn giả dễ gây nhiễm trùng

Hầu hết các chai cồn đều ghi công dụng sát trùng vết thương, nhưng bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trung tâm đã từng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc methanol do sử dụng cồn sát trùng chứa hoàn toàn là methanol, không tìm thấy ethanol như yêu cầu đối với cồn y tế (yêu cầu có 70-90% là ethanol).

 

“Khi đó hiệu quả sát trùng không đảm bảo, dễ dẫn tới nhiễm trùng vết mổ, vết thương…”- bác sĩ Nguyên cho biết.

“Nên đóng chai, lọ cồn sát trùng với nhãn mác khác với nước cất, nước rửa mắt mũi để tránh nhầm lẫn, vì đã có trường hợp bị bỏng mắt do nhầm lẫn dùng chai cồn để rửa mắt”, BV Bạch Mai đề nghị Bộ Y tế.

LAN ANH