28/11/2024

Sốt xuất huyết – Ăn gì chóng khỏe?

Theo bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, người bị sốt xuất huyết và sau khi khỏi cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, đặc biệt là bổ sung nhiều nước để cơ thể nhanh hồi phục.

 

Sốt xuất huyết – Ăn gì chóng khỏe?

Theo bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, người bị sốt xuất huyết và sau khi khỏi cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, đặc biệt là bổ sung nhiều nước để cơ thể nhanh hồi phục.





Cần tăng cường trái cây, rau xanh trong giai đoạn phục hồiẢNH: SHUTTERSTOCK

Không kiêng khem tuyệt đối: Chế độ ăn dành cho người bị sốt xuất huyết và sau khi hết bệnh, cần đảm bảo bổ sung đủ 4 nhóm chất cơ bản, bao gồm: tinh bột (gạo, ngô, khoai…), chất đạm (thịt, trứng, cá…), chất béo (dầu, mỡ) và khoáng chất (rau, củ, quả…).
Bù nước, chất điện giải: Người mắc sốt xuất huyết trải qua giai đoạn sốt cao (dẫn đến mất nước qua da, niêm mạc) nên trong giai đoạn hồi phục cần nhất là bù nước, chất điện giải, như uống oresol… Một số loại nước theo bác sĩ nên dùng là những loại chứa nhiều vitamin C như: cam, chanh, bưởi… để có thêm năng lượng và giúp tiêu hoá, tăng cường kháng thể giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Ngoài ra, nước dừa, nước ép rau củ quả cũng cần tăng cường để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.
Thức ăn mềm, lỏng: Người mắc sốt xuất huyết nên dùng những thức ăn lỏng và mềm như cháo, súp, vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thụ, đồng thời bổ sung sữa. Đặc biệt hạn chế thức ăn cứng như cơm, đồ khó nuốt.
Kiêng nước uống màu sẫm: Coca, trà, cà phê… là những thứ cần hạn chế nạp vào cơ thể trong lúc đang bị sốt xuất huyết và khi vừa mới khỏi bệnh (ít nhất 10 ngày sau khi hết bệnh mới dùng lại). Việc kiêng các thức uống này giúp kiểm soát đúng hơn các triệu chứng của bệnh. Bên cạnh đó, các loại thực phẩm chiên xào, chua cay cũng nên hạn chế, vì người bệnh cơ thể yếu dễ gây tình trạng khó tiêu.
Tăng cường sức đề kháng: Theo bác sĩ Niên, trong giai đoạn phục hồi, người bị sốt xuất huyết nên tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn nhiều trái cây, rau xanh và khoáng chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi, sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ và thoáng để phòng các dịch bệnh lây nhiễm khác.
Riêng với trẻ em, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyên nên lưu ý đến lượng sữa mà trẻ nạp vào hằng ngày trong giai đoạn mới phát bệnh và vừa khỏi, vì đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng. Nếu trẻ còn bú mẹ nên tiếp tục cho bú, trẻ ăn dặm nên chia nhỏ các bữa ăn để trẻ hấp thụ tốt nhất. Ngoài ra, cần bổ sung các món giàu đạm từ thịt, trứng, sữa… giúp trẻ tăng sức đề kháng.


 

Ngọc Lương