11/01/2025

Số hoá hoạt động xe buýt

Tham gia diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng ngành xe buýt cần tăng cường thông tin giới thiệu về xe buýt, về lộ trình, trạm dừng… để tạo thuận lợi cho hành khách, từ đó thu hút thêm người đi xe buýt.

 

Số hoá hoạt động xe buýt

 

Tham gia diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng ngành xe buýt cần tăng cường thông tin giới thiệu về xe buýt, về lộ trình, trạm dừng… để tạo thuận lợi cho hành khách, từ đó thu hút thêm người đi xe buýt.

 

 

Số hóa hoạt động xe buýt - Ảnh 1.

Cần có thêm nhiều bảng thông tin về xe buýt tại các trạm để tạo thuận lợi cho hành khách – Ảnh: HỮU KHOA

Bổ sung thông tin trạm dừng

Qua nhiều năm đi xe buýt, tôi nhận thấy xe buýt hiện tại đã có nhiều cải thiện để phục vụ hành khách tốt hơn: từ trang thiết bị trên xe, giờ giấc chạy xe đến thái độ phục vụ của tiếp viên, tài xế, chế độ ưu tiên dành cho người già, khuyết tật…

Tuy nhiên, quan sát hành khách đi cùng trên xe nhiều lần, tôi nhận thấy hệ thống loa thông báo tự động, một trong những trang thiết bị phục vụ hành khách được lắp đặt gần đây, chưa phải tối ưu.

Mặc dù loa thông báo tên trạm dừng chân sắp tới nhưng với những hành khách lần đầu đi xe buýt hay chưa quen tuyến đường thì khi nghe thông báo họ vẫn chưa xác định được trạm mình cần xuống còn bao xa, sắp tới hay chưa. Rất nhiều hành khách vẫn phải thường xuyên hỏi tiếp viên: “Trạm A hay B… sắp tới chưa ạ, còn mấy trạm nữa thì tới?…”.

Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị ở các trạm dừng của xe buýt ngoài tên trạm gắn với các địa danh trên đường nên kèm theo số thứ tự, ví dụ với xe 56: trạm số 1: Ký túc xá ĐH Sư phạm kỹ thuật, trạm số 2: ĐH Giao thông vận tải… Tại các trạm dừng, nhà chờ xe, trên thành xe buýt nên có vẽ lịch trình tuyến đường xe chạy, tên địa danh và số thứ tự các trạm dừng.

Điều này sẽ giúp hành khách có thể hình dung tuyến đường mình đi còn bao xa, để có thể yên tâm ngồi đọc sách báo hay nghe nhạc, lướt web mà không phải lo lắng nhìn đường hay hỏi tiếp viên xem sắp tới trạm cần xuống hay chưa. Khách đi xe lần đầu sẽ dễ dàng hơn vì có thể tìm hiểu trước trạm mình cần lên, xuống số thứ tự bao nhiêu trên lịch trình chạy của tuyến xe.

Việc thay đổi bổ sung thêm này không khó thực hiện nhưng đem lại tiện ích không nhỏ cho hành khách, đặc biệt là khi xe buýt chạy trên những tuyến đường dài như ở Hà Nội và TP.HCM. Tôi rất mong các ban, ngành kỹ thuật của các công ty xe buýt sớm nghiên cứu thực hiện và đưa vào áp dụng.

TS DƯƠNG ĐỨC HƯNG (TP.HCM)

Nên có app xe buýt

Với góc nhìn là một người đã đi xe buýt ở một vài nước, tôi đề xuất xe buýt nên số hóa hoạt động của mình. Nên viết app (ứng dụng) “Ứng dụng xe buýt TP.HCM” để người dân/du khách dễ dàng tra cứu thông tin di chuyển. Điều này sẽ giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với xe buýt. Trên xe buýt cũng nên có bảng thông tin về lộ trình xe buýt sẽ chạy qua để người dân dễ dàng theo dõi.

Nên thay vé xé lẻ/vé tập/vé tháng bằng thẻ xe buýt giống như ở Singapore. Mỗi khi lên xe, khách sẽ quẹt thẻ. Người già/người khuyết tật/đối tượng ưu tiên khi quẹt thẻ sẽ tránh được tình trạng bị phân biệt đối xử. Thẻ xe buýt sẽ phát huy tính năng khi sau này triển khai dự án tàu điện ngầm.

Bên cạnh đó, cần truyền thông rộng rãi về xe buýt để du khách nước ngoài có thể tìm hiểu và sử dụng. Bản thân tôi khi đi du lịch nước ngoài cũng hay tìm hiểu các tuyến xe buýt, tàu điện ngầm để di chuyển. Trong khi hiện nay đa số du khách đến Việt Nam thường chọn taxi là phương tiện tiện lợi nhất vì thông tin xe buýt khó tìm kiếm.

THÚY VY