Nâng ý thức, tăng trẻ khoẻ
Là người đồng hành cùng chương trình “10.000 bước chân – Thay đổi cuộc sống” trong suốt 4 tháng qua, bác sĩ Lê Kim Huệ đã có chia sẻ với Tuổi Trẻ trước kỳ sơ kết chương trình trong ngày 10-9 tới.
Nâng ý thức, tăng trẻ khoẻ
Là người đồng hành cùng chương trình “10.000 bước chân – Thay đổi cuộc sống” trong suốt 4 tháng qua, bác sĩ Lê Kim Huệ đã có chia sẻ với Tuổi Trẻ trước kỳ sơ kết chương trình trong ngày 10-9 tới.
Bác sĩ Kim Huệ – nguyên trưởng khoa truyền thông giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM – nói: “Lối sống người dân hiện nay đã thay đổi nhiều. Bữa ăn đầy đủ hơn, giàu năng lượng hơn nhưng thói quen vận động, tập luyện lại ít đi. Dinh dưỡng dư thừa, vận động kém thì chắc chắn sức khoẻ sẽ kém”.
Nhiều sai lầm trong ăn uống và vận động
* Thời gian qua bác sĩ đã tư vấn trực tiếp cho nhiều nhóm người khác nhau trong chương trình “10.000 bước chân – Thay đổi cuộc sống”. Bác sĩ thấy thế nào về thói quen dinh dưỡng và vận động của người dân?
– Người dân đang đối mặt với nhiều loại bệnh tật liên quan đến ăn uống, gọi là bệnh mãn tính không lây nhiễm. Cuộc sống sung túc hơn, bữa ăn đầy đủ hơn, nhiều người không nghĩ đến việc phải ăn uống cân đối. Đó là một sai lầm rất lớn của nhiều người.
Với sinh viên, công nhân cuộc sống xa gia đình nên thường phải ăn ở hàng quán, ăn nhiều mì gói; nhân viên văn phòng, giới trẻ thức khuya, sáng dậy trễ, đôi khi không ăn đủ 3 bữa.
Nhiều người vô tư với thức ăn nhanh, dư thừa chất béo, chất đạm, muối, đường… Nhiều người nói bữa sáng còn không kịp ăn, nói gì đến tập thể dục.
Trong những buổi tư vấn, tôi còn gặp những người đặt câu hỏi như không ăn sáng mà uống một ly sữa có được không; hoặc ăn ít trong buổi sáng mà ăn nhiều vào buổi trưa và chiều tối được không?… Đó là phản khoa học.
Bữa sáng là quan trọng nhất vì qua một đêm, năng lượng, các chất dinh dưỡng đã chuyển hoá hết nên buổi sáng cần ăn đầy đủ nhất. Một ly sữa là không đủ năng lượng mà cần phải ăn thêm.
Người dân hay có thói quen ăn nhiều thịt thay vì ăn cá. Cần ăn nhiều rau thì họ lại không ăn nhiều.
Đặc biệt là những gia đình có con nhỏ, không có khuynh hướng tập cho trẻ ăn rau vì nghĩ rau không an toàn, chuyển qua cho con ăn củ. Họ không biết lá rau chứa nhiều vitamin hơn các loại củ.
Khi được hỏi có tập thể dục không, có những người cho biết họ tập thường xuyên nhưng có nhiều người thỉnh thoảng mới tập, thậm chí là rất ít khi tập, đặc biệt là các bạn trẻ.
Cuộc sống thay đổi, tiện ích quá nhiều, không gian, thời gian vận động hạn hẹp, thói quen vận động của người dân ngày càng ít.
* Khi tập thể dục bằng việc đi bộ, nhiều người có thói quen vừa đi vừa nói chuyện, đi thong thả… Điều này tốt hay không?
– Có nhiều hình thức vận động với các mức độ khác nhau. Mỗi người nên chọn cho mình cách vận động phù hợp với tình trạng sức khoẻ, không tập quá sức nhưng cũng không tập quá nhẹ so với khả năng.
Ví dụ như người cao tuổi thì không tập tạ. Còn người trẻ nhiều năng lượng hơn, có sức khỏe, đi bộ thong thả như đi dạo lại ít hiệu quả. Hình thức đi bộ chậm phù hợp với người lớn tuổi, người mắc bệnh. Còn với người trẻ cơ xương khớp ổn thì nên tăng tốc, đi bộ nhanh, chạy bộ.
Vận động sao cho nhịp tim tăng lên mới có tác dụng lưu thông máu huyết, ổn định đường huyết, tăng sức đề kháng, tiêu hao mỡ thừa…
Tăng thói quen vận động
* Làm cách nào để kéo những người từ bàn nhậu, ù lì ở nhà đến với công viên, bể bơi và những nơi tập luyện khác, thưa bác sĩ?
– Ngày xưa, sau giờ làm, buổi cuối tuần, người ta hay ngồi uống với nhau một hai ly bia để làm tăng hương vị cho cuộc sống. Hiện nay tình trạng lạm dụng rượu bia rất nhiều. Uống nhiều thì chắc chắn là có hại về sức khoẻ, có thể gây những hậu quả khác về sau.
Tôi nghĩ cần tăng cường truyền thông, giáo dục trong cộng đồng, cả về ăn uống, lối sống sinh hoạt lẫn vận động. Cần những chương trình để hành động. Các ngày nghỉ lễ thì mọi người cũng nên tăng cường hoạt động thể lực, tham gia vui chơi với gia đình.
Các ban ngành, đoàn thể nên phát động những phong trào, khơi dậy tinh thần giữ gìn sức khoẻ, giúp người dân nhận thức được để họ thay đổi lối sống lành mạnh. Với mỗi độ tuổi nên có các mô hình vận động phù hợp.
* 4 tháng qua kể từ khi chương trình được phát động, bác sĩ đánh giá như thế nào về hiệu quả của chương trình?
– Chương trình đã lan rộng khắp nơi trong cộng đồng, tác động đến nhận thức của nhiều người dân, ở mọi lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Sau chương trình, một số người dân đã có những thói quen tốt.
Khi thực hiện chương trình 10.000 bước chân ở trường đại học, tôi thấy các bạn trẻ rất ngại vận động. Nhưng ngay sau khi đi bộ, hỏi các bạn thấy thế nào thì các bạn trả lời thấy khỏe. Họ thấy khoẻ, đó là đã thấy lợi ích.
Theo tôi, nên triển khai tiếp chương trình này để mọi người cùng tham gia, khơi dậy nguồn cảm hứng cho mọi người dân trên cả nước. Khi họ thấy hiệu quả cho chính họ thì họ sẽ tham gia.
Thay đổi thói quen từ các hành vi nhỏ
BS Nguyễn Vũ Linh – Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk – cho rằng ý thức quan tâm đến sức khỏe của người dân chưa đồng bộ ở từng lứa tuổi.
Theo ông, người trung niên, người cao tuổi quan tâm, còn một số người trẻ trưởng thành thì thờ ơ với thói quen dinh dưỡng và vận động hợp lý. Họ thường ỷ lại sức khỏe, tập trung vào sự nghiệp, học hành.
Trẻ con lại bị ảnh hưởng bởi người lớn trong gia đình, không phải phụ huynh nào cũng quan tâm đầy đủ đến thói quen ăn uống, vận động của con.
“Tôi ủng hộ “10.000 bước chân – Thay đổi cuộc sống” bằng việc trở thành tấm gương để mọi người noi theo tại nơi làm việc cũng như ở nhà.
Việc nâng cao các hoạt động thể lực đến từ những hành vi nhỏ của mỗi người trong cuộc sống hằng ngày. Thay vì nhấc điện thoại gọi người khác mang giấy tờ tới thì mình đi bộ qua lấy.
Thay vì bấm nút chờ thang máy 1-2 tầng thì bước lên thang bộ. Thay vì cầm điều khiển chuyển kênh tivi thì mình di chuyển tới tivi. Không chờ cô giúp việc mang trà tới mà nên tự đi pha trà…”- BS Nguyễn Vũ Linh chia sẻ.
Nên tận dụng mọi cơ hội, vận động mọi lúc mọi nơi
Bác sĩ Lê Kim Huệ