Không nên nhập ‘nguyên con’ chương trình giáo dục
Thông tin về việc Việt Nam có thể “nhập khẩu” chương trình giáo dục của Bắc Âu đã tạo sự quan tâm đặc biệt của những người đang công tác trong ngành giáo dục.
Không nên nhập ” nguyên con” chương trình giáo dục
Thông tin về việc Việt Nam có thể “nhập khẩu” chương trình giáo dục của Bắc Âu đã tạo sự quan tâm đặc biệt của những người đang công tác trong ngành giáo dục.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hoàng Thị Tuyết – giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết bà thấy rất phấn khởi.
“Đây là tín hiệu tích cực, vì lãnh đạo ngành giáo dục đã dành nhiều tâm sức vào việc học hỏi những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, nhằm tạo bước đột phá cho giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy lo lắng: cho dù mình học cái gì, ở đâu thì đều phải tạo lập một triết lý giáo dục, một quan niệm, một cơ sở lý luận riêng cho nền giáo dục Việt Nam. Tôi mong những nhà làm chính sách giáo dục ở Việt Nam lưu ý điều này”, bà nói.
* Bà nghĩ sao nếu Việt Nam ”nhập khẩu” chương trình giáo dục của Phần Lan – một đất nước có nền giáo dục nhiều ưu việt, được cả thế giới ngưỡng mộ?
– Tôi băn khoăn vì điều kiện, hoàn cảnh, trình độ đội ngũ của mình khác họ nhiều quá.
Ở Phần Lan, những học sinh giỏi mới vào được ngành sư phạm để sau này trở thành giáo viên. Còn ở ta lại không được như thế. Bên họ, tất cả giáo viên đều có trình độ thạc sĩ, còn ở ta thì rất nhiều giáo viên chỉ có trình độ trung cấp.
Bên họ, lương giáo viên thuộc dạng cao trong các ngành nghề; ở ta, nhiều năm qua “lương giáo viên còn thua người giúp việc nhà” nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện, cùng những bất cập khác trong việc trả lương cho giáo viên…
Về môi trường làm việc: ở Phần Lan, thầy cô được làm việc trong môi trường dân chủ và tự chủ về chuyên môn, ở ta thì ngược lại. Bên họ, sĩ số học sinh trên lớp rất thấp, chỉ 20 – 25 em; ở ta có nơi 50 – 60 em/lớp, chỉ riêng bài toán sĩ số học sinh/lớp cũng phải mất nhiều năm nữa mình mớigiải quyết được…
Ngoài ra, ở Phần Lan giáo dục trở thành một ngành phúc lợi xã hội, còn ở VN vẫn đang loay hoay trong quá trình đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục.
* Vậy theo bà, ta nên “nhập khẩu” và vận hành chương trình giáo dục Bắc Âu như thế nào?
– Theo tôi, mình nên cố gắng học hỏi những cái hay cái đẹp của người ta, đem về điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Vì chương trình giáo dục không thể như một cái máy để có thể nhập “nguyên con”.
Mình chỉ có thể học hỏi và áp dụng từng phần – những cái phù hợp với mình và có khả năng áp dụng thành công. Tôi chắc chắn rằng nếu cố gắng học thì mình học được rất nhiều điều ở họ: từ cách thức tổ chức giáo dục, cho đến những kinh nghiệm đổi mới nền giáo dục nước nhà.
* Những điều ta có thể áp dụng ngay từ nền giáo dục Phần Lan?
– Hà Nội và TP.HCM đang xây dựng ngôi trường giảng dạy chương trình của Phần Lan. Đây là tín hiệu tốt, và bước đầu nên thực hiện theo kiểu mô hình như thế, chứ việc áp dụng đại trà e rằng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh hiện tại, mình nên chấp nhận hệ thống trường tư thục giảng dạy chương trình của Anh, Mỹ, Canada, Phần Lan… bên cạnh những trường tư giảng dạy chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam.
Về việc học hỏi từng phần của Phần Lan, ta có thể áp dụng ngay việc tạo đầy đủ điều kiện để giúp giáo viên tự chủ về chuyên môn, không phải phụ thuộc vào sách giáo khoa như hiện nay.
* Nhiều người cũng đặt câu hỏi nếu giao cho giáo viên tự chủ về chuyên môn, liệu họ có đủ năng lực để tự chủ?
– Tôi biết đây là điều khó khăn, không thể làm ngày một ngày hai, vì mấy chục năm qua các thầy cô đã quen với cách “cầm tay chỉ việc”. Nhưng nếu cứ sợ khó thì nền giáo dục nước nhà không thể phát triển.
Điều quan trọng là phải đặt ra lộ trình để thực hiện, các cấp quản lý cần đưa ra cách thức và quy định để hỗ trợ giáo viên dần dần có sự tự chủ, thoát khỏi sự lệ thuộc vào sách giáo khoa.
Đây là sự thay đổi thói quen, thay đổi văn hóa quản lý, đánh giá giáo viên: thay vì giám sát thì hãy hướng dẫn, góp ý để họ dần tự tin hơn, chỉ coi sách giáo khoa là tài liệu hỗ trợ mà thôi.
Trước khi nghĩ tới việc “nhập khẩu” chương trình giáo dục của Phần Lan, hay thực hiện bất cứ cải cách nào khác ở quy mô cả nước, Bộ GD-ĐT cần phải tổ chức đánh giá thành công hay thất bại của chương trình VNEN một cách thực sự nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Một nghiên cứu như thế tốt nhất là do một nhóm chuyên gia độc lập tiến hành, nhằm đảm bảo kết quả khách quan, không thiên vị, không định kiến và không bị lợi ích nhóm chi phối.
Câu hỏi mà chúng ta cần trả lời không phải đơn giản chỉ là VNEN đã thành công hay thất bại; mà là với những thành tựu VNEN đạt được, đâu là nguyên nhân; và với những thất bại của VNEN, đâu là khó khăn, trở ngại, thách thức, và liệu chúng ta có thể có cách làm nào khác để vượt qua những khó khăn đó?
Thật là không công bằng khi chúng ta phủi sạch những điểm tiến bộ trong mô hình dạy học và phương pháp sư phạm của VNEN, chỉ vì nhiều giáo viên và phụ huynh phản đối nó. Những tiếng nói đó cần được lắng nghe, những khó khăn đó cần được nghiên cứu để tìm cách giải quyết.
Nếu chúng ta không làm thế thì sẽ không bao giờ có bất cứ cải cách nào thành công được cả. Dù Phần Lan hay mười lần Phần Lan thì những xung đột giữa mới và cũ cũng sẽ xảy ra, đòi hỏi chúng ta tìm cách giải quyết, chứ không thể xem nó như không có, hoặc vì vậy mà thôi không làm nữa.
Một chương trình giáo dục hay muốn triển khai thành công phải có đội ngũ giáo viên đủ năng lực, giỏi chuyên môn, để chuyển tải hết những cái hay, cái tốt đẹp của nó. Muốn như vậy phải có chế độ đãi ngộ phù hợp, để người thầy có thể sống và cống hiến hết sức mình cho nghề nghiệp.
Tiếp theo đó là hệ thống trường, lớp, trang thiết bị phù hợp với chương trình. Xin lưu ý là ở ta hệ thống trường, lớp xây dựng theo kiểu cổ điển, trong khi trên thế giới thì hiện đại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng những hình thức dạy học tích cực.
Rồi đến hệ thống quản lý giáo dục. Điều này ở ta vẫn chưa hoàn thiện. Ví dụ, Sở GD-ĐT lo về chuyên môn cho tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT, nhưng nhân sự ở các phòng GD-ĐT quận, huyện, lãnh đạo ở các trường mầm non, tiểu học, THCS lại do UBND quận, huyện quyết định…
Kế đó, hệ thống thi đua – đánh giá học sinh, đánh giá nhà trường cũng cần được cải tiến. Cơ chế thi đua không minh bạch, không rõ ràng sẽ khiến giáo viên có suy nghĩ rằng: làm thật nhưng lại không được đánh giá cao bằng báo cáo hay…
Nói vậy để thấy chương trình hay chỉ mới là điều kiện cần, còn cả một hệ thống đi kèm theo nó mới là điều kiện đủ. Khi “nhập khẩu” một chương trình hay, cần suy xét tất cả các yếu tố trên.
Tôi thấy chương trình của Phần Lan rất hay, chương trình VNEN cũng hay không kém, nhưng khi triển khai VNEN vẫn thất bại thì cần xem lại cách thực hiện.