28/11/2024

Xếp hàng mua đồ, nhận quà có gì xấu?

Đi ngang một cửa hàng trong một ngày nóng nực như ở TP.HCM hiện tại và chứng kiến hàng nghìn người kiên nhẫn xếp hàng trước một tiệm thức ăn nhanh, một quán cà phê hay một cửa hàng thời trang, bạn nghĩ gì?

 Xếp hàng mua đồ, nhận quà có gì xấu?

 

Đi ngang một cửa hàng trong một ngày nóng nực như ở TP.HCM hiện tại và chứng kiến hàng nghìn người kiên nhẫn xếp hàng trước một tiệm thức ăn nhanh, một quán cà phê hay một cửa hàng thời trang, bạn nghĩ gì?

Xếp hàng mua đồ, nhận quà có gì xấu? - Ảnh 1.

Rất nhiều người đã xếp hàng từ tối hôm trước để chờ đến trưa hôm sau để nhận một chiếc túi hiệu H&M trong sự kiện khai trương cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này tại Việt Nam ngày 9-9.

Đành rằng thương hiệu H&M là khá nổi tiếng và sản phẩm đắt tiền, nhưng để được nhận một chiếc túi xách thường thường thôi liệu có cần thiết phải qua đêm ở ngoài đường?

Nếu bạn là một bậc phụ huynh của những người trẻ này, bạn có đồng ý với điều đó? Và nếu bạn là một người trẻ, được một vài người bạn rủ rê đi xếp hàng như thế, bạn có nhận lời?

Hãy khoan vội trả lời mà hãy cùng chúng tôi thử điểm lại một số sự kiện khai trương đình đám gần đây ở đất Sài Gòn đã thu hút nhiều người xếp hàng rất lâu dưới nắng nóng, để rồi bỏ ra một số tiền không nhỏ chỉ để mua một chiếc bánh mì kẹp thịt giá 60.000 đồng, một ly cà phê giá cả trăm nghìn đồng, và một ly trà sữa giá 50.000 đồng, rồi ra về vì không có chỗ ngồi mà vẫn hài lòng về điều đó.

Điều đáng nói, và cần nhớ, đó chính là những sản phẩm trên không hề khan hiếm, không thiếu và được bán với giá rẻ hơn rất nhiều ở các cửa hàng xung quanh.

Điểm chung của các sự kiện này là khai trương cửa hàng đầu tiên của một thương hiệu nổi tiếng.

Chẳng hạn, ngày 1-2-2013, Starbucks khai trương cửa hàng đầu tiên,chứng kiến hàng trăm người xếp hàng dài, kéo dài ra cả tháng.

Ngày 8-2-2014, thương hiệu thức ăn nhanh Mc Donald’s của Mỹ khai trương chứng kiến một lượng người xếp hàng cực lớn. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, cửa hàng này đón đến 22.000 lượt người. Tính trung bình mỗi người chi khoảng 50.000 đồng thì riêng ngày hôm đó tiệm đã thu về số tiền lên đến hơn 1 tỉ đồng.

Năm 1994, cửa hàng thức ăn nhanh thương hiệu này khai trương ở Trung Quốc có đến 28.000 người xếp hàng ngày đầu.

Đầu năm 1990, McDonald’s khai trương cửa hàng ở Nga có đến 30.000 người xếp hàng dài cả mấy cây số, có người chờ đến 6 tiếng đồng hồ.

Nhiều người sẽ tặc lưỡi: Thực ra đó là một “thông lệ quốc tế” vì rất nhiều người Mỹ, Âu, Singapore văn minh và giàu có cũng đóng lều kê trại qua đêm để mua một chiếc iPhone đó thôi?

Điểm chung của các sự kiện trên, những người trẻ chiếm đa số áp đảo, và bất chấp lời ong tiếng ve, họ vẫn cứ đi tìm những thương hiệu mới, rủ rê nào ta cũng nhau xếp hàng dài chờ đợi.

Sẽ rất khó chịu, và khó hiểu đối với nhiều người, vì chỉ cần sang đến hôm sau, hay vài hôm nữa, chẳng ai xếp hàng, là có thể vào mua một chiếc bánh, một cốc cà phê, một ly trà sữa… mà chẳng phải chịu cảnh khổ cực gì cả?

Dĩ nhiên, chậm chân, thôi, trong trường hợp của H&M, thì sẽ không được tặng túi khuyến mãi, dù rằng, sẽ có nhiều người thất vọng với giá trị của chiếc túi này.

Vậy điều gì đang xảy ra, đặc biệt là ở một quốc gia nơi văn hoá xếp hàng vẫn được cho là yếu kém?

Có rất nhiều câu hỏi và nhiều góc nhìn về câu chuyện này.

Đầu tiên, ai xếp hàng? Điểm qua các sự kiện có thể thấy đa số áp đảo là giới trẻ. Câu trả lời thường nhận được là: Muốn là người đầu tiên trải nghiệm, thưởng thức cái mới.

Không ít người trong đó là do tò mò, và được bạn bè rủ rê đi cho vui. Lẫn trong số đó còn là một số doanh nhân và câu trả lời chúng tôi nhận được: muốn tìm hiểu về hành vi của người tiêu dùng trẻ.

Bất thường hay bình thường?

Nhưng thử hình dung, giữa cái nắng nóng ở Sài Gòn bạn nhìn thấy có rất nhiều người đứng xếp một hàng dài dằng dặc để mua một ly cà phê, trà sữa, hay một chiếc bánh mì kẹp thịt với giá được cho là rất cao.

Rất nhiều người sẽ buông tiếng chê trách: Làm sao lại có thể như thế được?

Nhưng khi một số người coi đó là điều chẳng lấy gì làm hay ho, thậm chí kỳ quặc, thì nhiều nhà kinh doanh coi đó là cơ hội, và họ làm mọi cách để thu hút được những người tiêu dùng ưa cái mới, thích thử nghiệm và trải nghiệm.

Đặc biệt là giới trẻ với lối sống gắn liền với mạng xã hội, luôn muốn mình là người đầu tiên thử một cái gì đó mới mẻ, rồi đăng lên Facebook…

Thực tế cho thấy, với cửa hàng đầu tiên có nhiều người xếp hàng, đến các cửa hàng sau, hình ảnh đó ngay lập tức biến mất.

Tâm lý trải nghiệm, là người đầu tiên sở hữu sản phẩm mới nhất, theo các chuyên gia, được giải thích cho điều này.

Giới trong nghề truyền tai nhau chiêu thức thuê người đến xếp hàng gây tò mò hay thuê những người nổi tiếng đến để thu hút khách…

Đánh vào yếu tố tò mò và hiệu ứng đám đông đã tỏ ra khá hiệu quả trong nhiều sự kiện. Một số doanh nghiệp tung chiêu đánh vào tâm lý thích nhận quà khuyến mãi, cũng thu hút được không ít khách hàng tham gia…

Xếp hàng nhận quà, thậm chí đã trở thành nghề của một số người. Ban tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, luôn nhận thấy có một đội quân thường trực, hội chợ nào cũng đứng xếp hàng để nhận quà của “Chuyến xe bất ngờ”, trò chơi nào cũng có và giơ tay phát biểu để nhận quà…

Theo bạn, điều đó tốt cho thị trường khi đông đảo người tiêu dùng luôn sàng thử nghiệm cái mới, cái lạ, cái đầu tiên, và các doanh nghiệp nên tận dụng biến thành cơ hội của mình?

Và cho cả văn hoá vì sẽ tạo thành một thói quen xếp hàng cho người Việt? Nhưng cũng sẽ có người lợi dụng, tạo ra chiêu trò?

Và bạn sẽ rủ rê bạn bè tham gia, và cho phép con cái mình cùng đi xếp hàng mua đồ, nhận quà…?