11/01/2025

‘Cởi trói’ để thu hút tư nhân tham gia PPP

Nhu cầu đầu tư đến gần 2 triệu tỉ đồng, nhưng ngân sách lại ít. Muốn thu hút được tư nhân tham gia các dự án PPP thì cần phải tháo gỡ nhiều vướng mắc, kể cả quy định vốn.

 ‘Cởi trói’ để thu hút tư nhân tham gia PPP

 

Nhu cầu đầu tư đến gần 2 triệu tỉ đồng, nhưng ngân sách lại ít. Muốn thu hút được tư nhân tham gia các dự án PPP thì cần phải tháo gỡ nhiều vướng mắc, kể cả quy định vốn.

 

Cởi trói để thu hút tư nhân tham gia PPP - Ảnh 1.

Công nhân thi công nút giao thông Mỹ Thuỷ (quận 2), một trong những công trình trọng điểm thành phố. Ảnh TỰ TRUNG

 

Vốn đã thiếu, lại còn nhiều hạn chế


Theo Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), hiện tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 ước tính khoảng 1,829 triệu tỉ đồng.

Đến thời điểm hiện nay, HFIC cho biết đã có 23 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư đạt trên 71.000 tỉ đồng, tương ứng khoảng 3 tỉ USD. 

Chưa kể, thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện thêm 130 dự án khác, với tổng mức đầu tư dự kiến xấp xỉ 400.000 tỉ đồng, tương ứng trên 17 tỉ USD.

Tuy được kỳ vọng như một trong những phương thức phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế một cách hiệu quả, nhưng theo ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), hiện hình thức thu hút PPP vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Chẳng hạn, theo ông Thắng, những quy định như tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của các tổ chức tín dụng năm 2017 là 50%, và từ năm 2018 trở đi là 40% (theo thông tư 36 và thông tư 05 của Ngân hàng Nhà nước) đang tạo ra rào cản cho vay trung dài hạn của các ngân hàng đối với hình thức đối tác công tư (PPP).

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang điều chỉnh theo hướng giãn tỉ lệ này sẽ áp dụng vào năm 2019, thay vì 2018.

Đặc thù của không ít các dự án PPP là thời gian kéo dài nhiều năm, nên khả năng thu hồi vốn cũng kéo dài theo, có những dự án phải vài ba chục năm, vì thế việc đàm phán và thu xếp vốn càng khó.

Bên cạnh đó, theo ông Thắng, các rào cản liên quan khung pháp lý quy định về hình thức đầu tư PPP hiện nay cũng còn nhiều hạn chế, “đã dẫn đến tính ổn định chính sách không cao, gây quan ngại lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài”.

Dưới góc nhìn của ông Thắng, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư yếu, không góp đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào các dự án theo đúng cam kết, dẫn đến phải dừng dự án. 

Cởi trói để thu hút tư nhân tham gia PPP - Ảnh 2.

Đề xuất “cởi trói” để thu hút PPP



Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở TP.HCM hấp dẫn, vì nhu cầu và khả năng chi trả của người sử dụng, là cơ sở để nhiều nhà đầu tư xin tham gia.

Do đó, thay vì nhà đầu tư được chỉ định theo cơ chế xin – cho, cần đấu thầu công khai để chọn các nhà đầu tư có năng lực, vừa tiết kiệm vốn tham gia của Nhà nước vừa giảm tối đa mức phí mà người sử dụng phải trả sau này.

Ngoài ra, hợp đồng PPP phải xác định rõ các rủi ro của dự án, cụ thể hoá các bên chịu những rủi ro này và có chế tài nếu vi phạm.

Nhà đầu tư tư nhân góp vốn thực, có năng lực thực thi và quản lý các hợp đồng tổng thầu xây dựng, quản lý – vận hành, còn nhà nước giải toả, đền bù đất đai, điều chỉnh phí sử dụng và các hình thức đảm bảo, bảo lãnh.

Với những dự án quy mô lớn, có hiệu quả kinh tế – xã hội nhưng không khả thi về tài chính, đòi hỏi chi phí đền bù giải toả cao nếu được thực hiện theo cơ chế PPP, Nhà nước phải tham gia tài trợ một phần vốn đầu tư, theo ông Thành.

“Các dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá như hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao… cần có vốn góp từ ngân sách để đảm bảo dự án khả thi về mặt tài chính”, ông Thắng đề xuất.  

Thậm chí, việc hướng đến nguồn vốn tín dụng nước ngoài là giải pháp nhằm bù đắp nguồn lực thiếu hụt cho các dự án PPP trong giai đoạn tới, cũng cần được lưu ý. 

Nhưng với các tổ chức tín dụng nước ngoài, theo ông Thắng, qua thực tế đàm phán và triển khai các dự án PPP lớn, “họ đều yêu cầu có các cơ chế bảo lãnh đặc thụ cho các rủi ro về lưu lượng, doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ”.

Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, dự kiến cuối quý 3-2017, đơn vị này sẽ ra mắt chuyên trang thông tin PPP trên website.

Trang web sẽ có các nội dung giới thiệu như quy định pháp lý đầu tư liên quan, danh mục cập nhật các dự án đang kêu gọi đầu tư trên địa bàn TP.HCM, các tin tức về tình hình thực hiện các dự án PPP, những hoạt động xúc tiến đầu tư liên quan và các mô hình dự án theo hình thức PPP của quốc tế.