Có biết học mới tạo bứt phá
Ngày khai trường, ai cũng kỳ vọng, mong muốn sự nghiệp giáo dục phát triển để con em mình có đủ hành trang cùng đất nước hội nhập và bước vào kỷ nguyên số.
Có biết học mới tạo bứt phá
Ngày khai trường, ai cũng kỳ vọng, mong muốn sự nghiệp giáo dục phát triển để con em mình có đủ hành trang cùng đất nước hội nhập và bước vào kỷ nguyên số.
Kỳ vọng là bởi khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa Việt Nam và nhiều nước vẫn rất dài. Sự kỳ vọng này xen lẫn với sốt ruột.
Vì thế có câu hỏi sao không bê nguyên xi một chương trình, mô hình hay tài liệu giáo dục (GD) của các nước tiên tiến về áp dụng ở Việt Nam, ít tốn kém, ít rủi ro hơn?
Trên thực tế, việc “nhập khẩu” chương trình đã được triển khai ở bậc ĐH từ những năm 2000. Ở bậc phổ thông cũng có nhiều mô hình, phương pháp dạy học được Bộ GD-ĐT thử nghiệm, ứng dụng.
Câu chuyện “nhập khẩu chương trình” lại nóng lên khi lần đầu tiên ở Hà Nội, một trường THPT thực hiện chương trình chuẩn quốc tế để cấp song bằng tú tài Anh – Việt.
Cùng với đó, trong chuyến làm việc tại Bắc Âu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, một loạt biên bản ghi nhớ giữa lãnh đạo các trường phổ thông, ĐH của Việt Nam đã được ký kết với các đối tác nước ngoài. Đây có phải là những “cú hích” tạo nên xung lực đủ mạnh để làm thay đổi những trì trệ, bất cập của GD từ bậc phổ thông không?
Phải nêu ra câu hỏi này là bởi nhiều chương trình, mô hình GD được nhập khẩu đã áp dụng tại Việt Nam rơi vào tình cảnh “đầu voi, đuôi chuột”.
Thực tế này cho thấy không thể bê thứ có sẵn của thế giới về áp dụng sẽ giúp chất lượng GD được cải thiện bởi rất nhiều nguyên nhân.
Như điều kiện dạy học, đối tượng học sinh với những khác biệt giữa những vùng, miền, chất lượng đội ngũ giáo viên và khả năng tiếp nhận đổi mới. Và quan trọng nhất là sự thay đổi trong nhận thức của các nhà quản lý GD khi triển khai chương trình hiện đại trên một nền cũ kỹ, lạc hậu chưa có sự chuẩn bị để thích ứng.
Tình trạng nhiều chương trình GD mới triển khai không thành công bởi ngành GD-ĐT chưa tổng kết, phân tích rút kinh nghiệm một cách thấu đáo. Khi trao đổi về chương trình song bằng tú tài, bà Lê Mai Anh, hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho biết nội dung chương trình có khoảng 60-70% tương tự như của Việt Nam, khác biệt lớn nhất là cách thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, đánh giá và quy trình kiểm soát chất lượng.
Có lẽ mấu chốt nằm ở khác biệt này. Những chương trình nhập khẩu đã được “nội địa hóa” vội vã, không còn đúng “chất” của chương trình nhập khẩu, chưa kể điều kiện thực hiện không đảm bảo và đặc biệt là chưa có sự đánh giá, kiểm soát nghiêm ngặt.
Hợp tác, chọn một chương trình GD từ nước ngoài cũng như bỏ tiền mua một cỗ máy hiện đại, nhưng không biết vận hành thuần thục nên phải xếp xó. Chủ trương phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đi tắt đón đầu nhưng cũng phải thay đổi cách triển khai, phải rút kinh nghiệm từ các bài học thất bại trước đây.
Những chương trình nhập khẩu khi áp dụng dạy học ở phạm vi nhỏ có thể thành công, nhưng để trở thành “cú hích” góp phần làm chuyển động cả hệ thống GD cần nghiên cứu thận trọng trên cơ sở điều kiện thực tế và có các bước triển khai thích hợp tạo nên sự bền vững.
Phải biết tìm và sử dụng đúng cú hích mới hy vọng tạo ra sự bứt phá cho ngành GD.