11/01/2025

Sửa luật phòng chống tham nhũng sẽ kiểm soát cả khu vực tư nhân

Đó là một trong những điểm mới đáng chú ý của dự án luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Thanh tra Chính phủ trình Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra.

 

Sửa luật phòng chống tham nhũng sẽ kiểm soát cả khu vực tư nhân

 

Đó là một trong những điểm mới đáng chú ý của dự án luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Thanh tra Chính phủ trình Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra.


Sửa luật phòng chống tham nhũng sẽ kiểm soát cả khu vực tư nhân - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Tuyết Lan (thứ hai từ phải sang), một “cò” đất bị kết tội giữ vai trò chủ mưu trong nhóm bị cáo là cán bộ nhà nước phạm tội tham ô tài sản trong vụ tham nhũng đất đai tại quận Gò Vấp (TP.HCM), bị tuyên án chung thân năm 2010 – Ảnh: T.T.D.

Thanh tra Chính phủ giải trình về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh này: “Dự thảo đã quy định việc áp dụng luật Phòng chống tham nhũng đối với tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, trong đó quy định áp dụng bắt buộc một số chế định của luật đối với một số loại hình tổ chức xã hội, doanh nghiệp”.

“Quy định này thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đối với khu vực ngoài nhà nước”, Thanh tra Chính phủ nhận định.

Bước đầu, đa số ý kiến trong nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng này: “Trên thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả phòng chống tham nhũng trong khu vực công”.

“Công ước LHQ về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng đặt ra yêu cầu về chống tham nhũng trong khu vực tư. Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã hình sự hoá một số hành vi tham nhũng trong khu vực này như tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ” – dự thảo báo cáo của nhóm nghiên cứu viết.

Các ý kiến này cũng cho rằng hiện nay “dư luận nhân dân đang bức xúc về tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ, công chức để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản nhà nước xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau, kể cả doanh nghiệp ngoài nhà nước, là doanh nghiệp ‘sân sau’, được sự đỡ đầu của người có chức vụ, quyền hạn”.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng cũng phải góp phần giải quyết được những hạn chế trong công tác này, theo Chính phủ chỉ ra là: phát hiện, xử lý tham nhũng còn ít và kéo dài, chưa nghiêm; thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp…

Các vấn đề cần tập trung khắc phục của luật hiện hành là thiếu cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm về nhận, tặng quà; xử lý việc tặng và nhận quà đối với người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ; kiểm soát hoạt động và thu nhập ngoài công vụ của người có chức vụ, quyền hạn…

Dự kiến luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp tháng 10 tới đây.

LÊ KIÊN