Trẻ bệnh hô hấp nhập viện tăng nhanh
Mới vào mùa nhưng số trẻ mắc bệnh hô hấp đã tăng rất nhanh.
Trẻ bệnh hô hấp nhập viện tăng nhanh
Mới vào mùa nhưng số trẻ mắc bệnh hô hấp đã tăng rất nhanh.
Trẻ mắc bệnh hô hấp mới đầu thường ho, có thể kèm theo sổ mũi, sốt… Khoảng 70% trẻ mắc bệnh sẽ khỏi bệnh, số còn lại sẽ bị viêm đường hô hấp dưới như xuống phổi gây viêm phổi, ở trẻ dưới 2 tuổi gây viêm tiểu phế quản, một số trẻ khác bị viêm phế quản… Khoảng 30% trẻ bị viêm đường hô hấp dưới do nhiều yếu tố như do độc lực của virút, sức đề kháng của trẻ kém, do những yếu tố bất lợi khác của môi trường như khói thuốc lá, không khí ẩm thấp, bụi
BS ANH TUẤN
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, số trẻ mắc bệnh hô hấp phải nằm ghép từ 3-5 trẻ/giường, còn tại khoa hô hấp 2 – Bệnh viện Nhi Đồng 2, phòng cấp cứu “mở rộng” của khoa cũng đang trong tình trạng gần 2 trẻ/giường.
Ngày 1-9, khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 đông nghẹt bệnh nhi ở các phòng bệnh. Khoảng 10h sáng, ngay cả hành lang giữa các phòng bệnh trong khoa cũng chỉ còn một chỗ hẹp để đi lại. Cũng tại hành lang này, khoa đã đặt hai bàn khám ngay tại hành lang để khám bệnh cho các bệnh nhi.
5 trẻ nằm một giường
Ngay cả cầu thang đi lên khoa có chỗ nào nằm được, các bà mẹ đều trải chiếu cho con nằm. Tại một phòng bệnh, chị T.N.G., 36 tuổi, ở Cà Mau, đang chăm cháu cho biết giường của cháu chị được xếp 5 trẻ/giường. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 2 trẻ nằm trên giường bệnh, còn những cháu khác được các bà mẹ đưa ra ngoài hành lang ngủ.
Cháu chị G. mắc đến ba bệnh là bệnh viêm phổi, tiêu chảy và đau mắt đỏ. Nhiều bà mẹ trong phòng cùng kể phòng bệnh đông nên không khí trong phòng luôn ngột ngạt. Người lớn không bị bệnh cũng cảm thấy khó chịu, chứ nói gì đến trẻ nhỏ mắc bệnh.
Ngoài quá tải bệnh nhi, người lớn đi thăm trong phòng còn thêm quá tải âm thanh bởi tiếng khóc của trẻ. Bệnh nhi này khóc, một bệnh nhi khác mãi mới ngủ cũng giật mình khóc theo. Tiếng nói chuyện, hỏi thăm, tiếng gọi điện thoại cho người nhà của một số người tạo thành thứ âm thanh hỗn độn.
“Chỉ cần nghe âm thanh này một lúc cũng đã thấy mệt rồi”, một người nhà bệnh nhi than.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, có không gian thoáng hơn, phòng bệnh rộng rãi hơn nhưng khoa hô hấp 1 cũng phải kê thêm giường bệnh ra hành lang cho bệnh nhi nằm. Dù vậy, trong khoa cũng không tránh khỏi tình trạng một số bệnh nhi phải nằm ghép 2 trẻ/giường.
Khoa hô hấp 1 có khoảng 200 giường bệnh (tính cả số giường bệnh đã kê ra hành lang) nhưng thực tế ngày 1-9, khoa này có 230 bệnh nhi. Tại khoa hô hấp 2 chỉ có 90 giường bệnh nhưng số bệnh nhi nằm viện trong ngày lên tới 130 bệnh nhi, nhiều bé phải nằm ghép.
Ngoài ra, một số khoa dịch vụ trong bệnh viện cũng tiếp nhận thêm bệnh nhi hô hấp.
ThS.BS Trần Quỳnh Hương, trưởng khoa hô hấp 2 Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết khoa đã sắp xếp dành mọi chỗ có thể để kê thêm giường cho bệnh nhi nằm đến mức hiện nay bác sĩ cũng không có bàn khám bệnh, phải ngồi khắp nơi để khám.
Thở oxy phải chờ đến lượt
Tại phòng cấp cứu “mở rộng” của khoa hô hấp 2 Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ Hương cho biết trước đây khoa chỉ có một phòng cấp cứu nhưng do người bệnh nhập viện đông nên khoa đã lấy một phòng bệnh làm khoa cấp cứu.
Trưa 1-9, chúng tôi thấy một số bà mẹ phải bế con đợi đến lượt được thở oxy. Có trường hợp được thở oxy nhưng do phải chờ đến lượt được xếp chỗ, một bà mẹ phải bế con trên tay trong lúc con đang thở oxy.
Khoa cấp cứu “mở rộng” có 7 giường bệnh nhưng có đến 13 bệnh nhi, tất cả những bệnh nhi này đều dưới 1 tuổi và cùng mắc bệnh hô hấp nặng.
Mới là đầu mùa của bệnh hô hấp nhưng số bệnh nhi nằm điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã lên đến 349 trẻ. Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, dự báo bệnh hô hấp còn tiếp tục kéo dài đến tháng 11 và đỉnh của dịch bệnh có thể vào tháng 10 tới.
Lây nhiễm chéo cao
Bác sĩ Quỳnh Hương ước chừng số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp tăng khoảng 1,5 lần so với lúc bệnh chưa vào mùa và tăng nhanh khoảng một tháng nay. Viêm tiểu phế quản và viêm phổi nặng là những bệnh chiếm phần lớn số bệnh nhi đang nằm điều trị trong khoa.
Năm nay, bệnh hô hấp vào mùa chậm hơn nhưng bệnh rất đông, đặc biệt trẻ em dưới 1 tuổi nhập viện nhiều. Có những lúc chưa kịp sắp xếp, trẻ thở oxy phải bế trên tay chứ không có chỗ nằm trong khi đúng ra trẻ thở oxy phải có giường riêng nằm trong phòng cấp cứu.
Theo bác sĩ Quỳnh Hương, mỗi trẻ mắc bệnh hô hấp phải có khoảng không gian riêng để cho trẻ còn thở, đỡ lây nhiễm bệnh nhưng thực tế trong khoảng thời gian bệnh đông như hiện nay thì không được vậy.
Giữa các giường trong phòng cấp cứu của khoa cũng phải kê thêm băng ca để có thêm chỗ nằm cho bệnh nhi. Một băng ca có khi phải nằm đến 3 bệnh nhi.
Có một bệnh nhi mắc bệnh loạn sản phổi, các bác sĩ điều trị suốt mấy tháng, bệnh nhi gần hết bị bội nhiễm, gần cai được oxy, chuẩn bị được xuất viện thì gặp ngay dịp nhiều bệnh nhi mắc bệnh hô hấp “ào ào” nhập viện, làm bệnh của bệnh nhi này nặng trở lại.
Hiện bệnh nhi này bị bội nhiễm trở lại do bị lây bệnh từ những bệnh nhi xung quanh. Bệnh nhi nhập viện đông mà cơ sở vật chất không đáp ứng nổi. Bệnh nhi nằm chen chúc nhau thì khả năng lây nhiễm bệnh càng tăng lên, “đứa ho ra, đứa lại hít vào”- bác sĩ Quỳnh Hương nói.
Phòng tránh bệnh
Để phòng bệnh hô hấp, các bậc cha mẹ cần tránh để tác động xấu từ bên ngoài vào trẻ như tránh mưa, gió lùa, mặc ấm cho trẻ. Khi trời nóng phải sử dụng máy lạnh, quạt máy hợp lý như không để luồng gió quạt máy, máy lạnh thổi thẳng vào người trẻ, nên để nhiệt độ máy lạnh ở mức 27 độ C…
Không nên để trẻ nhỏ tiếp xúc với người lớn mắc bệnh, cho dù chỉ bị cảm, ho, sổ mũi thông thường. Người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên vì rửa tay đã được chứng minh là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản.
Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, ăn nhiều hoa quả, rau xanh để tăng cường vitamin, tăng sức đề kháng cho trẻ.
Khi trẻ có những dấu hiệu ngủ li bì, khó đánh thức, không uống được, trẻ nhỏ bỏ bú, bú kém hơn 1/2 lượng sữa bình thường trẻ thường bú, co giật, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi cấp cứu ngay.
Còn khi thấy trẻ khó thở, thở co lõm lồng ngực, trẻ thở nhanh hơn bình thường nên đưa trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt.
Nên đưa trẻ đi khám sớm khi trẻ sốt cao liên tục từ 39 độ C trở lên để xem trẻ bị viêm phổi hay bất kỳ một bệnh khác như sốt xuất huyết, hoặc trẻ khạc đàm giống như mủ, trẻ ho quá một tuần mà triệu chứng không thuyên giảm.
Hiện thế giới đã chứng minh nếu trẻ tiêm ngừa HIB và văcxin phế cầu liên hợp sẽ giảm được 49% mắc bệnh viêm phổi. Thế giới đã coi đây là cứu cánh để giảm được gánh nặng bệnh tật cho viêm phổi do phế cầu.
Phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây các nhiễm khuẩn hô hấp từ viêm tai giữa, viêm phổi và cả viêm màng não mủ.