Sở hữu hàng ngàn mét vuông đất nhưng con cái phải đi thuê nhà ở; nhà xuống cấp, tạm bợ mà không thể xây dựng hay sửa sang… Đó là tình cảnh của hàng chục ngàn người dân sống trong các khu đô thị “treo” tại TP.HCM.
Những khu đô thị ‘treo’
Sở hữu hàng ngàn mét vuông đất nhưng con cái phải đi thuê nhà ở; nhà xuống cấp, tạm bợ mà không thể xây dựng hay sửa sang… Đó là tình cảnh của hàng chục ngàn người dân sống trong các khu đô thị “treo” tại TP.HCM.
Hàng chục ngàn người dân bị “treo”
10 năm nay, người dân xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè gần như không được giải quyết các yêu cầu về chuyển mục đích, tách thửa, xây dựng nhà ở vì toàn bộ xã này nằm trong quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Ông Nguyễn Văn Á, ngụ tại 122/6 Nguyễn Văn Tạo, ấp 1, xã Hiệp Phước có hơn 1.200 m2 đất nhưng chỉ có căn nhà khoảng 80 m2, xây dựng từ năm 1984. Nhà có bảy người con, đều có nhu cầu về nhà ở nhưng rơi vào quy hoạch nên ông không thể chuyển mục đích sang đất ở để tách thửa cho con. “Bảy đứa con thì có năm đứa đã thuê nhà bên ngoài, hai đứa còn lại, tôi muốn cắt đất rồi cất cho chúng căn nhà bên cạnh nhưng đều không được giải quyết”, ông Á nói.
Tương tự, bà Trần Thị Bảy, 126/6, Nguyễn Văn Tạo, ấp 3 có 9 người con thì bốn người đang phải ở nhà trọ, trong khi nhà có tới 2.000 m2 đất. “Tôi năm nay 78 tuổi, chồng tôi đã 86 tuổi, cũng gần đất xa trời rồi nhưng luôn canh cánh vì con cái chưa ổn định nhà cửa”, bà Bảy cho biết.
Ông Á, bà Bảy chỉ là hai trong hơn 3.100 hộ dân tại xã Hiệp Phước bị hạn chế rất nhiều quyền lợi về nhà đất do nằm trong quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Tôi năm nay 78 tuổi, chồng tôi đã 86 tuổi, cũng gần đất xa trời rồi nhưng luôn canh cánh vì con cái chưa ổn định nhà cửa
Bà Trần Thị Bảy, ấp 3, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè
Tại Củ Chi, từ cầu An Hạ đến ngã tư Phước Thành dọc theo QL22 đi qua 4 xã: Tân An Hội, Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và TT.Củ Chi với quy mô khoảng 1.674 ha nằm trọn trong khu đô thị Tây Bắc. Điều này cũng kéo theo đời sống của gần 12.000 hộ dân (khoảng 47.000 nhân khẩu) của 22 ấp “dính” quy hoạch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mọi hoạt động về xây dựng trên đất trống, chuyển mục đích, tách thửa gần như bị tê liệt.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó chủ tịch H.Củ Chi, trong 5 xã, thị trấn nằm trong ranh quy hoạch thì Tân An Hội bị ảnh hưởng nặng nhất. Xã này có 10 ấp thì 8 ấp nằm hoàn toàn trong khu đô thị Tây Bắc, đường sá, hạ tầng rất xuống cấp. Hai ấp còn lại không dính quy hoạch thì được đầu tư đồng bộ hạ tầng, nhà cửa khang trang.
Trong các khu đô thị, Bình Quới – Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) có “tuổi đời” quy hoạch dài nhất với hơn 25 năm. Được quy hoạch từ năm 1992, nhưng hiện vẫn chưa có động thái nào chứng tỏ khu đô thị này đã bắt đầu khởi động. Chỉ có cuộc sống của hơn 3.000 hộ dân của toàn P.28 là khổ sở vì gần như toàn bộ các quyền lợi hợp pháp về đất đai bị “treo” hết.
Tại khu đô thị Nam TP, toàn bộ xã Bình Hưng, H.Bình Chánh nằm hoàn toàn trong quy hoạch. Suốt 20 năm, quyền lợi về nhà đất của người dân gần như bị “giam cầm”, trong khi xã này nằm trong khu vực có tốc độ đô thị hoá cao nhất của huyện. Đây cũng là một trong 4 xã nóng nhất H.Bình Chánh và nóng nhất TP về tình trạng xây dựng không phép do người dân không được xây dựng.
Xây tạm cũng không xong
Từ năm 2007, khu đô thị cảng Hiệp Phước mới chỉ có chủ trương của UBND TP về quy hoạch, chứ chưa có pháp lý cụ thể. Đến tháng 9.2009, TP phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng và đến tháng 9.2013 phê duyệt đồ án quy hoạch chung 1/5.000. Thế nhưng từ năm 2007, UBND TP đã ra thông báo tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không giao đất cho các dự án khác tại khu đô thị cảng Hiệp Phước. Kể từ đó đến nay, mọi hoạt động về xây dựng tại đây đều bị đình hoãn.
Theo lãnh đạo UBND H.Nhà Bè, trước đây UBND TP đã ban hành Quyết định 27/2014, cho phép người dân được xây dựng tạm trong khu vực quy hoạch. Tuy nhiên, quyết định này không cho phép xây dựng trên đất trống mà chỉ giải quyết cho đất đã có nhà ở hiện hữu nên chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân.
Khi luật Xây dựng ra đời, Quyết định 27 không phù hợp luật mới nên việc xây dựng tạm bị ngưng lại. Đến đầu năm 2017, TP ban hành Quyết định 26 lại tiếp tục cho phép xây dựng tạm nhưng tinh thần cũng không có gì khác hơn Quyết định 27 trước đó.
Tại khu đô thị Tây Bắc, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, TP đã rất nỗ lực để ban hành quyết định cho phép xây dựng tạm. Tuy nhiên, quy hoạch để quá lâu không thực hiện, người dân bức xúc về nhà ở nên nhiều người đã phải làm liều xây nhà không phép trên đất nông nghiệp. Ở Củ Chi, đối với đất trống trong quy hoạch, người dân chỉ được làm mái che, mái đón, diện tích xây dựng không quá 5% tổng diện tích đất. Tuy nhiên, nhu cầu của người dân vẫn là xây cất nhà ở. Từ đầu năm đến nay, có hơn 200 đơn xin phép xây dựng của người dân trong khu đô thị Tây Bắc, chủ yếu xin xây nhà cấp 4, diện tích từ 80 -100 m2. “Chúng tôi đang kiến nghị cho phép người dân được xây dựng tạm quy mô tối đa một tầng để giảm bức xúc về nhà ở cho dân tại khu vực nông thôn”, ông Dũng nói.
Trong cuộc họp với UBND TP mới đây, ông Dương Hồng Thắng, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cũng cho hay quy hoạch khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa “treo” quá lâu ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Nhà cửa xuống cấp, đất đai bỏ hoang nhưng người dân không thể xây dựng. Dự án Bình Quới – Thanh Đa đang ở giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nhà đầu tư của dự án này. Lãnh đạo Q.Bình Thạnh cũng từng kiến nghị cho người dân được xây dựng có thời hạn để ổn định cuộc sống. Nhưng những kiến nghị này hiện nay đều rất khó giải quyết vì trái luật.