10/01/2025

Chưa phơi bày hết sự thật vụ VN Pharma

Điều đáng quan tâm nhất là có những thuốc được VN Pharma nhập vào đến nay vẫn chưa biết đi đâu về đâu, thật hay giả, chất lượng thế nào?

 

Chưa phơi bày hết sự thật vụ VN Pharma

 

Điều đáng quan tâm nhất là có những thuốc được VN Pharma nhập vào đến nay vẫn chưa biết đi đâu về đâu, thật hay giả, chất lượng thế nào?


Trong vụ án xảy ra tại Công ty CP VN Pharma (VN Pharma), dù tòa sơ thẩm đã tuyên án nhưng vẫn còn một số điều chưa được làm rõ.

Hai loại thuốc không biết đi đâu về đâu

Liên quan đến vụ án VN Pharma còn có hai mặt hàng thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin, có nhãn mác do Health 2000 Canada sản xuất, được VN Pharma nhập khẩu và phân phối nhưng đến nay vẫn chưa được Cơ quan an ninh điều tra làm rõ.

Cần lưu ý, thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin do Health 2000 Canada sản xuất (cáo trạng không nêu số đăng ký – PV) có tên giống thuốc H2K-Levofloxacin (số đăng ký VN-17879-14) và H2K-Ciprofloxacin (số đăng ký VN-17877-14) của nhà sản xuất là Helix Pharmaceuticals.Inc, bị Cục Quản lý dược ra quyết định rút số đăng ký ngày 19-9-2014 vì cung cấp hồ sơ dữ liệu thông tin của thuốc không đúng với thực tế sản xuất.

Theo cáo trạng, ngoài việc làm giả hồ sơ thuốc H-Capita 500mg caplet, từ năm 2012 đến năm 2014 Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm còn làm giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty Austin Hong Kong để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin có nhãn mác Health 2000 Canada. 

Lô thuốc này được VN Pharma thông qua Võ Mạnh Cường đặt mua của người tên Raymundo ở Philippines để làm thủ tục nhập khẩu. 

Cường làm giả Invoice (hóa đơn bán hàng), Packing list (danh mục hàng hóa), COA (tờ khai sản phẩm), đóng dấu Công ty Health 2000 Canada và cung cấp cho VN Pharma.

Tuy nhiên, cáo trạng vụ án VN Pharma cho biết do không thu giữ được đầy đủ tài liệu và tang vật nên Cơ quan an ninh điều tra không có điều kiện xác định cụ thể số lượng, chất lượng thuốc và giá trị thực của lô hàng có hai thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin do Health 2000 Canada sản xuất.

Đến nay với các lô thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin do Health 2000 Canada sản xuất mà cáo trạng nêu vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ đã nhập khẩu số lượng bao nhiêu, bán cho ai, đưa vào bệnh viện sử dụng cho bệnh nhân chưa? 

Về phía Cục Quản lý dược cũng không công bố công khai các thuốc này như thế nào: có số đăng ký chưa hay là thuốc do VN Pharma xin nhập chuyến? Hai thuốc này là giả hay thật, chất lượng ra sao?

Trong khi đó, một bệnh viện ở TP.HCM cho biết năm 2013 bệnh viện này có cho trúng thầu và sử dụng hai loại thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin do Health 2000 Inc Canada sản xuất, với số lượng 9.200 chai, trị giá hơn 856 triệu đồng.

Tuy nhiên, hai thuốc này do công ty khác xin số đăng ký và không phải do VN Pharma trúng thầu. 

“Chúng tôi rất băn khoăn, không biết hai thuốc do Health 2000 Inc Canada sản xuất trúng thầu vào bệnh viện có cùng một loại với hai thuốc mà cáo trạng nêu không” – dược sĩ của bệnh viện này nói.

Chưa phơi bày hết sự thật vụ VN Pharma - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng – nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma – và các đồng phạm nghe đại diện viện kiểm sát phát biểu quan điểm luận tội – Ảnh: HỮU KHOA

Hủy kết quả thầu phút… 89!

Cùng ngày Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vào cuộc (19-9-2014), khám xét Công ty VN Pharma và bắt ông Nguyễn Minh Hùng (tổng giám đốc công ty) thì Cục Quản lý dược cũng vội vàng ra quyết định rút số đăng ký 7 loại thuốc do VN Pharma giả mạo hồ sơ sản phẩm, gồm H2K-Ciprofloxacin 200mg, H2K-Ciprofloxacin 400mg, H2K-Levofloxacin 250mg, H2K-Levofloxacin 500mg, H2K-Levofloxacin 750mg, H-Cipox 200mg, H-Levo 500mg.

 Các thuốc này đều là dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, có số đăng ký lưu hành tại VN từ VN-17877-14 đến VN-17883-14.

Cũng ngày hôm đó, Cục Quản lý dược còn gửi văn bản đến VN Pharma yêu cầu công ty này ngừng nhập khẩu và lưu hành các thuốc theo 4 công văn mà cục cho phép công ty nhập chuyến trước đó. 

Đây là các thuốc được khai báo nhà sản xuất là Helix Pharmaceuticals Inc nhưng thực tế là thuốc giả mạo hồ sơ giấy tờ.

Xác minh của Tuổi Trẻ cho thấy nhiều loại thuốc nói trên trúng thầu số lượng lớn vào một số bệnh viện tại TP.HCM. Nhưng rất may, sự việc bị cơ quan công an phát giác nên kết quả thầu được hủy vào phút… 89.

Cụ thể, có ba mặt hàng của Công ty VN Pharma trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy là H-Capita caplet, H2K-Ciprofloxacin 400mg và H-Epra 40mg có nhà sản xuất được ghi nhận là Helix Pharmaceuticals Inc. 

Trong đó, H-Capita caplet có số lượng trúng thầu 100.000 viên. Đây là thuốc chưa có số đăng ký, được nhập chuyến theo giấy phép của Cục Quản lý dược; H2K-Ciprofloxacin 400mg trúng thầu 5.000 lọ; thuốc H-Epra 40mg (nhập chuyến) trúng thầu 30.000 lọ. 

Tổng trị giá ba thuốc này trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 6,9 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngày 9-10-2014, các thuốc nói trên bị Bệnh viện Chợ Rẫy ra quyết định hủy kết quả thầu nên chưa có loại nào được đưa vào sử dụng.

Tương tự, tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng có 5 loại thuốc của Helix Pharmaceuticals Inc Canada sản xuất trúng thầu vào bệnh viện là: H-Capita caplet trúng thầu 15.000 viên; H2K-Ciprofloxacin 400mg trúng thầu 6.000 lọ; thuốc H-Epra 40mg trúng thầu 15.000 lọ; thuốc H-Lastapen trúng thầu 2.000 lọ; và H2K-Levofloxacin 750mg trúng thầu 1.500 lọ.

Tổng trị giá tiền thuốc trúng thầu của 5 loại này vào Bệnh viện Đại học Y dược TP là 3,365 tỉ đồng. Tuy nhiên, bệnh viện đã không ký hợp đồng cung ứng thuốc do Cục Quản lý dược thông báo rút số đăng ký các sản phẩm này.

Có thể nói, nếu Cơ quan an ninh điều tra không “ra tay” ngăn chặn kịp thời thì các thuốc nói trên sẽ được đưa vào sử dụng, không biết sẽ xảy ra hậu quả thế nào với người bệnh.

 

Âm thầm dừng nhập khẩu

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong lúc Cơ quan an ninh điều tra đang điều tra vụ án xảy ra tại VN Pharma thì ngày 13-11-2014, ông Nguyễn Tất Đạt – phó cục trưởng Cục Quản lý dược – âm thầm gửi công văn đến Tổng cục Hải quan về việc ngừng nhập khẩu thuốc do Công ty Health 2000 Inc sản xuất và cung cấp.

Theo văn bản này, ngày 27-8-2014, Cục Quản lý dược có văn thư gửi Tổng lãnh sự quán Canada tại Việt Nam đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến việc thành lập và hoạt động tại Canada của Công ty Health 2000 Inc.

Ông Tất Đạt cho biết trong thời gian chờ ý kiến trả lời chính thức từ phía các cơ quan quản lý có thẩm quyền của Canada, Cục Quản lý dược thông báo: “Tạm dừng nhập khẩu tất cả các thuốc do Công ty Health 2000 Inc sản xuất hoặc cung cấp vào Việt Nam”.

 

LÊ THANH HÀ