10/01/2025

Ồn ào ca khúc mới đạo nhạc

Không chỉ lĩnh vực phim ảnh bị tố đạo, gần đây cộng đồng mạng lại nổi sóng khi nhiều ca khúc mới vừa tung ra đã bị nhận diện là ăn cắp giai điệu, tiết tấu của các ca khúc nước ngoài.

 

Ồn ào ca khúc mới đạo nhạc

Không chỉ lĩnh vực phim ảnh bị tố đạo, gần đây cộng đồng mạng lại nổi sóng khi nhiều ca khúc mới vừa tung ra đã bị nhận diện là ăn cắp giai điệu, tiết tấu của các ca khúc nước ngoài.




Nhạc sĩ Khắc Hưng (bìa trái) liên tiếp gần đây có 3 ca khúc bị xem là copy nhạc ngoại /// Ảnh: N.S

Nhạc sĩ Khắc Hưng (bìa trái) liên tiếp gần đây có 3 ca khúc bị xem là copy nhạc ngoạiẢNH: N.S

Đạo, nhái tràn lan
Mới đây, nhạc sĩ – ca sĩ trẻ Lê Thiện Hiếu, người nổi đình nổi đám với ca khúc Ông bà anh trong cuộc thi Sing my song 2016, khi cho ra mắt ca khúc mới Người ta và anh đã bị dân mạng phát hiện có bản phối giống hệt ca khúc Till the morning comes của nhóm nhạc The Marauders (Mỹ). Người nghe có thể dễ dàng nhận thấy sự giống nhau đến 100% trong phần bản phối của hai ca khúc.
Trước đó, MV Đâu chỉ riêng em đánh dấu sự trở lại của Mỹ Tâm do Khắc Hưng sáng tác bị nhận xét là giống ca khúc nhạc Hoa Tình lay động lòng nhói đau, nhất là đoạn điệp khúc. Từ phần nhạc dạo đến điệp khúc của hai bài này đều không khác nhau mấy, nhất là đoạn điệp khúc của Đâu chỉ riêng em có hơn 6 nốt liền nhau tương đồng với bài nhạc Hoa. Đây là lần thứ 3 sáng tác của Khắc Hưng bị vướng nghi vấn đạo nhạc, sau Ánh nắng của anh do Đức Phúc thể hiện bị nghi nhái bản nhạc I của nghệ sĩ piano Hàn Quốc Yiruma; Ghen do Min và Erik trình bày có nhiều điểm tương đồng về giai điệu với ca khúc I got you của nữ ca sĩ Bebe Rexha. Nhiều ca khúc được yêu thích và có lượt view khủng như Yêu là tha thứ do Only C sáng tác và thể hiện có điệp khúc bị cho là giống Simple love của Joyce Chu và Michiyo Ho. Hai ca khúc Love me too (Đỗ Hiếu sáng tác) và Có nơi đó chờ em (của Tiên Cookie) do Đông Nhi thể hiện bị xem là giống với Eyes, nose, lips của Taeyang và Candyman của Zedd và Aloe Blacc.
 

Ồn ào ca khúc mới đạo nhạc1

Sơn Tùng bị tố có nhiều ca khúc đạo nhạcẢNH: N.S

Mọi chuyện càng ồn ào khi có phản ứng từ người bị đạo. Khi ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng M-TP bị tố đạo từ hình ảnh MV cho đến âm nhạc của nhiều sản phẩm nước ngoài khác, trong đó có bản We don’t talk anymore của Charlie Puth, chính Heyder Eliyev – DJ, người thực hiện bản remix We don’t talk anymore đã chia sẻ MV của Sơn Tùng M-TP trên Facebook rằng: “Ca khúc VN này khá tương đồng bản remix của tôi”. Không lâu sau, khi có dịp tới VN, DJ Heyder tiếp tục nói về vấn đề này: “Điểm khác nhau rõ ràng nhất ở 2 ca khúc chính là ngôn ngữ, thế thôi. Chúng tôi có thể khẳng định rằng ca khúc đó là phiên bản tiếng Việt bản remix của tôi”.
Khi MV ca khúc Lollipop của Bảo Thy bị fan quốc tế tố cáo có quá nhiều cảnh giống với Super love của ca sĩ Tinashe, thì chính Tinashe thông qua Twitter viết rõ: “Bắt chước đến cả cái khuyên tai cherry, thật là điên quá. Đúng là không biết xấu hổ”.
“Thói quen” khó xử lý?
Nhận xét về tình trạng trên, nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho biết: “Để xác định một ca khúc đạo nhạc thì dựa vào việc nó có 12 nốt liên tục giống ca khúc được cho là bị đạo hay không. Tuy nhiên, đến nay VN vẫn chưa có cơ sở cũng như những quy định cụ thể về vấn đề này. Việc trùng hợp 12 nốt nhưng cách hòa âm, cách hát, nhấn nhá, nhịp phách khác nhau cũng khiến 2 ca khúc khác biệt. Các ca khúc trên thế giới có thể có nhiều bài trùng nhau về vòng hòa thanh, nhưng không thể giống cả hòa thanh và hoà âm. Nếu lấy một bản hòa âm đã có sẵn của một ca khúc đã được ra mắt của một ca sĩ khác và viết một giai điệu mới lên, thì vẫn gọi là ăn cắp”.
Các cơ quan quản lý văn hoá hay hội chuyên ngành âm nhạc nhiều năm qua không có động tĩnh gì trước vấn nạn này và chẳng có ai xử lý đạo nhạc. Duy chỉ có năm 2014, ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP được một hội đồng do Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN thành lập theo chỉ đạo của Cục Bản quyền thẩm định, sau đó kiến nghị Cục Bản quyền cấm lưu hành bài hát này vì kết luận đạo nhạc. Sau đó một hội đồng thẩm định khác được thành lập theo quyết định của Bộ VH-TT-DL đã đề nghị bài hát Chắc ai đó sẽ về phải thay beat khác nếu muốn được lưu hành. Ngoài việc cấm và “dọa” cấm lưu hành, hiện nay không có hình thức phạt kỷ luật nào nghiêm trọng đủ để chấn chỉnh nạn đạo nhạc, khiến công luận và những người sáng tạo chân chính phải bức xúc.
Mặt khác, điều đáng nói là dù vướng đạo, nhái nhưng các sản phẩm âm nhạc này vẫn tăng view đều đều. Trước hiện tượng này, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy nói: “Thái độ của người nghe là điều cực kỳ quan trọng đối với người nghệ sĩ và khán giả chính là mục đích, động lực để nghệ sĩ tồn tại, phấn đấu. Khi khán giả tẩy chay thì nghệ sĩ mới biết sợ!”.
Vấn đề nhạc nhái, nhạc copy hiện nay rất nan giải và khó tìm ra hướng giải quyết. Nhạc sĩ trẻ xuất hiện tràn lan. Họ chỉ viết 1, 2 bài đã tự xưng là nhạc sĩ. Có bạn sáng tác chơi thôi nhưng được ca sĩ hát rồi giới thiệu nhạc sĩ. Nói thật có bạn được gọi là nhạc sĩ nhưng họ không biết nhạc. Họ viết lời rồi nhờ người khác viết nhạc, đưa ca sĩ hát giới thiệu tên tuổi rồi thành… nhạc sĩ. Tôi biết có một thực tế: ca sĩ nổi tiếng hiện nay hay nhắm vào những ca khúc quốc tế được yêu thích để đặt hàng nhạc sĩ viết theo dạng gần giống như vậy. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhạc Việt cứ na ná những bài nổi tiếng thế giới. Giới trẻ nghe thấy hay hay và lượt view, lượt nghe cứ thế tăng lên. Về góc độ quản lý, không chỉ Hội Âm nhạc TP.HCM mà các cơ quan quản lý nhà nước cực kỳ khó xử lý những vấn đề trên. Bởi khi phát hành băng đĩa theo quy định thì cũng không nói về việc cụ thể đạo nhạc như thế nào. Nếu người vi phạm là hội viên thì phải có đơn thưa kiện hội mới có thể giải quyết, còn nếu không phải là hội viên thì càng không có cách xử lý.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh
 (Phó chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc TP.HCM)
Dạ Ly (ghi)

 

Phan Cao Tùng