Công chức hãy đi xe buýt! Tại sao không?
Hai bạn đọc Đỗ Ngô Trần và Quốc Minh đề nghị tạo điều kiện để khuyến khích đội ngũ công chức, viên chức nhà nước đi xe buýt, từ đó giúp giảm bớt lượng xe cá nhân trên đường.
Công chức hãy đi xe buýt! Tại sao không?
Hai bạn đọc Đỗ Ngô Trần và Quốc Minh đề nghị tạo điều kiện để khuyến khích đội ngũ công chức, viên chức nhà nước đi xe buýt, từ đó giúp giảm bớt lượng xe cá nhân trên đường.
Nhiều người thường sử dụng xe buýt đi làm. Trong ảnh: ông Nguyễn Văn Phước – nhân viên một công ty xuất nhập khẩu ở TP.HCM – thường xuyên sử dụng xe buýt để đi làm – Ảnh: HỮU KHOA |
Nhằm góp thêm góc nhìn cho Diễn đàn Phát triển giao thông công cộng & kiểm soát xe cá nhân, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến này.
“Nhiều đô thị lớn trên thế giới như Thượng Hải (Trung Quốc), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản) hoặc gần nhất là Bangkok (Thái Lan) hay Yangon (Myanmar) đã thành công trong việc phát triển phương tiện công cộng nhờ vận động, khuyến khích giới công chức đi làm bằng xe buýt để giảm đáng kể lượng xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và tạo an toàn cho người dân trong quá trình đi lại.
Ví dụ như Yangon có số lượng xe cá nhân rất lớn, gắn với văn hoá buôn bán ở vỉa hè, cấu trúc đô thị khá giống TP.HCM. Nhờ có đội ngũ công chức đi làm bằng xe buýt, đường phố thông thoáng hơn và có thể dành đường riêng cho phát triển nhanh xe buýt, từ đó khuyến khích được nhiều người cùng hưởng ứng và sử dụng xe buýt, tiến tới hạn chế hẳn lượng xe cá nhân từ năm 2009.
Thời điểm đó, Yangon chưa có tàu điện ngầm, thiếu bến bãi đậu xe, xe buýt còn khá cũ kỹ, hệ thống cầu đường còn tệ hơn TP.HCM.
Tôi thấy xe buýt ở TP.HCM giờ đã cải thiện về cung cách phục vụ, trang bị máy lạnh, kết nối thuận lợi hơn, giá vé rẻ nên giúp tiết kiệm chi phí đi lại. Tôi ở ngoại thành và vẫn thường đi xe buýt vào nội thành để đến các địa điểm tham quan, thăm hỏi người thân, giải quyết công việc… vừa an toàn và có điều kiện quan sát cuộc sống xung quanh.
Ở cơ quan tôi (một đơn vị nhà nước), có anh lãnh đạo đi làm hằng ngày đều bằng xe buýt, xuất phát từ nhà trong hẻm và đi bộ cả trăm mét ra đường Võ Văn Ngân đón xe buýt hướng xa lộ Hà Nội – Điện Biên Phủ – Võ Thị Sáu – vòng xoay Dân Chủ rồi tiếp tục đi bộ đến cơ quan khoảng 200m.
Chiều về, anh cũng đi bộ 500m từ cơ quan ra đường Điện Biên Phủ để đón xe buýt. Qua trò chuyện, anh cho biết “đi xe buýt kết hợp với đi bộ vừa rèn luyện sức khoẻ, an toàn, không bị chen lấn”.
Phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân không chỉ đòi hỏi sự hợp tác từ phía người dân mà còn từ các cơ quan, ban, ngành trong lĩnh vực nhà nước, mà trước tiên là giới công chức nên đi làm bằng xe buýt để tuyên truyền thông qua hành động cụ thể, tác động trực tiếp nhất tới từng người nhằm khuyến khích sử dụng xe buýt.
Tôi nghĩ nếu có một lượng lớn giới công chức đi làm bằng xe buýt thì vừa tạo sự gần gũi và thân thiện với người dân, vừa giúp giảm hẳn lượng xe cá nhân lưu thông trên đường vào giờ cao điểm, tạo phần đường thông thoáng để ưu tiên phát triển phương tiện công cộng và có làn riêng cho xe buýt.
Yangon đã làm và thành công, lẽ nào không thể áp dụng hoặc không làm được ở TP.HCM?
Nên có biện pháp khuyến khích Nhiều năm qua, một số giải pháp cụ thể “kéo” người dân đến với phương tiện công cộng như gia tăng số lượng, chất lượng xe buýt, mở rộng mạng lưới đường xe chạy và trạm đón, hỗ trợ giá vé… đều đã được TP.HCM, Hà Nội thực hiện. Tuy nhiên, những điều này cần nhưng chưa đủ, bởi nếu so sánh thuận lợi – bất tiện giữa xe buýt và xe riêng, nhiều người dân vẫn chọn xe riêng. Nhà nước cũng khó thông qua thuế phí để tăng giá xe, giá xăng, phí lưu thông… nhằm giảm sử dụng xe riêng vì thực tế cho thấy lần nào đưa ý kiến kiểu này cũng bị người dân phản ứng. Do đó, nên ưu tiên những biện pháp nhân văn, có cơ sở thực thi để “kéo” người dân đến với xe buýt. Đặc biệt, đối tượng đầu tiên cần tập trung kêu gọi là đội ngũ công chức, viên chức và những người nằm trong hệ thống hưởng lương ngân sách. Ở các đơn vị nhà nước, có các cơ sở thuận lợi để khuyến khích sử dụng xe buýt như có nội quy cơ quan, thi đua khen thưởng, đặc biệt là giờ giấc làm việc, đi về ổn định. Để thực hiện tốt điều này, đơn vị nhà nước không nên ban hành quy định cứng nhắc, áp dụng xử phạt để buộc cán bộ, viên chức phải rời bỏ chiếc xe riêng. Ngược lại, nên thực hiện những điều thu phục được lòng người, khuyến khích họ sử dụng xe buýt. Chẳng hạn, công chức, viên chức nào thực hiện việc đi làm bằng xe buýt sẽ được xem là có thêm một yếu tố để xét nâng bậc thi đua, khen thưởng, nâng lương trước hạn. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị nhà nước cũng cần nghiên cứu, thực hiện những hỗ trợ cụ thể và cần thiết cho cán bộ, viên chức đi làm bằng xe buýt như hỗ trợ trên giá vé, trang bị vài chiếc xe máy để những người có nhu cầu đi công việc bên ngoài cơ quan sử dụng… Ngoài ra, một số cơ quan nhà nước có đông cán bộ, viên chức cũng có thể tự trang bị xe “buýt” riêng. Một số trường tư, trường quốc tế, công ty tư nhân đã làm được điều này, chẳng lẽ cơ quan nhà nước lại không làm được? Hãy nhìn mặt tích cực, sẽ rất an toàn và thú vị khi đồng nghiệp cùng cơ quan đi – về gần gũi chung một chuyến xe với bao nỗi niềm công – tư có thể trao đổi, sẻ chia, hỗ trợ cho nhau… |