10/01/2025

Trường học phải an toàn

Trước khi xảy ra sự cố sập phòng học, Trường THCS-THPT Đống Đa đã “kiến nghị nâng cấp nhiều lần nhưng chưa được đáp ứng”. Tại sao vấn đề an toàn tại trường học bị xem nhẹ như vậy?

 

Trường học phải an toàn

Trước khi xảy ra sự cố sập phòng học, Trường THCS-THPT Đống Đa đã “kiến nghị nâng cấp nhiều lần nhưng chưa được đáp ứng”. Tại sao vấn đề an toàn tại trường học bị xem nhẹ như vậy?

 

 

 

Trường học phải an toàn
Vụ sập phòng học ở Trường THCS-THPT Đống Đa, Lâm Đồng hôm 26-8 gây bất an, lo lắng trong học sinh, giáo viên và phụ huynh – Ảnh: MAI VINH

Tuy không có học sinh nào bị thương nặng, nhưng tâm lý bất an, lo lắng trong học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo sẽ còn kéo dài.

Sự “trọng thương tinh thần” cũng nặng nề không kém đau đớn thể xác, thiết nghĩ lãnh đạo nhà trường và cấp trên cần có biện pháp giải tỏa càng nhanh càng tốt điều này.

Những câu hỏi

Đọc báo Tuổi Trẻ ngày 27-8, tôi đặc biệt quan tâm đến nội dung trên với những thông tin hết sức bất bình thường: “Toàn bộ nền phòng học ở tầng 1 có bộ khung làm bằng gỗ, phía trên lát gạch men. Trường THCS-THPT Đống Đa kiến nghị nâng cấp nhiều lần nhưng chưa được đáp ứng…”. Vì sao đó là thông tin bất bình thường?

Thứ nhất, gỗ và gạch men là hai loại vật liệu xây dựng có bản chất vật lý khác nhau, hệ số giãn nở của chúng khác nhau nhiều. Điều này tất yếu dẫn đến việc giảm tuổi thọ, không an toàn cho công trình. Thế tại sao nhà trường đã nhiều lần kiến nghị nâng cấp nền phòng học mà không được cấp trên chú ý?

Liệu cấp trên có nghĩ đến hậu quả nói trên (của việc giảm tuổi thọ một công trình đã xây 60 năm)? Lãnh đạo nhà trường – sau nhiều lần kiến nghị không hiệu quả – vì sao không tìm cách tác động tích cực hơn, hiệu quả hơn với cấp trên? Hay tất cả họ đều xem những điều trên là việc “tiểu tiết”, cứ từ từ giải quyết, không việc gì phải vội vàng?

Thứ hai, Trường THCS&THPT Đống Đa đã xây dựng hơn 60 năm nên việc xuống cấp là tất yếu. Vậy trong lúc trường chưa được cải tạo lại, giải pháp tình thế của nhà trường là gì?

Chẳng lẽ chỉ là cứ ngồi yên kiến nghị và kiến nghị trong lúc tình trạng trường lớp ngày càng tồi tệ, mà không có bất kỳ động thái tích cực nào ngăn chặn ngay việc xuống cấp nói trên?

Nhìn hình ảnh đi kèm thông tin liên quan đến vụ sập phòng học có thể thấy tình trạng xuống cấp đã quá mức, may mà điều khủng khiếp chưa xảy ra.

Xã hội hoá để huy động nguồn lực

Với quy mô của một trường THCS&THPT, lại đóng trên địa bàn TP Đà Lạt, việc thực hiện xã hội hoá để huy động nguồn lực tài chính nhằm cải tạo cơ sở vật chất là công việc không quá khó khăn.

Nhiều năm học qua, Sở GD-ĐT Lâm Đồng đều có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập thực hiện khoản thu tự nguyện, trường đã thực hiện việc này đến đâu rồi? Hay vì chưa được cấp trên đầu tư kinh phí để cải tạo phòng học, lãnh đạo nhà trường cứ “ngồi chờ sung rụng”?

Rồi hằng năm, trong kinh phí được cấp cùng với các khoản thu, sao trường không tính toán để cải tạo, nâng cấp trường lớp?

Kế hoạch cải tạo phòng học cần có tầm nhìn trong vài năm để huy động đóng góp với thời gian dài (sẽ không gây khó cho phụ huynh), tổ chức thực hiện cuốn chiếu hoặc tích luỹ trong một vài năm học rồi triển khai thì đâu xảy ra chuyện sập phòng học.

Nhà trường tự chủ là phải chủ động xây dựng mọi kế hoạch cho trường (từ giáo dục tới cải tạo cơ sở vật chất…); kiên trì vận động phụ huynh học sinh cùng đồng hành với nhà trường; minh bạch và hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm.

Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Gần đây, trong nhà trường đã xảy ra những vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng học sinh. Có thể kể ra:

– 1 học sinh lớp 1 bị tủ đè gây tử vong tại một trường tiểu học ở TP.HCM.

– 1 nữ sinh lớp 12 do nghịch đồ trong phòng thí nghiệm đã bị bỏng nặng tại một trường THPT ở Hà Nội.

– 2 học sinh lớp 8 bị tổn thương mắt nghiêm trọng do bỏng hoá chất tại một trường THCS ở tỉnh Vĩnh Phúc.

– Hơn 150 học sinh bán trú bị ngộ độc thực phẩm tại một trường tiểu học ở tỉnh Vĩnh Long.

Rồi những chuyện như quạt rơi trúng đầu học sinh, sân trường làm bằng gạch bóng nên học sinh bị té, học sinh bị xâm hại… Những vụ việc trên đòi hỏi ngành GD-ĐT, các địa phương, các cơ sở giáo dục cần có biện pháp chấn chỉnh.

Kế hoạch năm học mới thay cho những nội dung có cánh – những câu từ bóng bẩy, những biện pháp chung chung – nên là những vấn đề hết sức cụ thể mà công tác dạy học, giáo dục tại đơn vị đang gặp khó khăn, thách thức.

Đồng thời, chương trình dạy học của trường – lớp nên lồng ghép, tích hợp hướng dẫn học sinh những kỹ năng tự thoát hiểm, tự bảo vệ, giữ an toàn cho chính mình.

Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trước hết mỗi ngày tại môi trường học đường học sinh và thầy cô phải được an toàn tối đa.

Trách nhiệm này đòi hỏi sự chung tay của cấp uỷ, chính quyền địa phương, ngành chức năng; sự phối hợp của phụ huynh học sinh, nhưng trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường.

Hãy làm tất cả để năm học 2017-2018 và những năm học tiếp sau trường học phải là môi trường an toàn!

Lường trước rủi ro học sinh có thể gặp phải

Trong các buổi chào cờ mỗi sáng thứ hai hằng tuần, tiết sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt hội đồng giáo dục, sinh hoạt tổ (nhóm) chuyên môn định kỳ, sinh hoạt Đoàn – Đội theo chủ điểm… cần thiết phải có những nội dung để nâng cao sự an toàn trong trường học.

Hiệu trưởng cần sâu sát với tình hình trường, lớp; lường trước những rủi ro mà học sinh có thể gặp phải để chủ động có kế hoạch giải quyết kịp thời.

ĐẠI DƯƠNG