28/11/2024

Hiểm hoạ diều bay bên lưới điện

Cạnh tổ hợp Samsung (Thái Nguyên) có một làng có thú chơi diều. Tưởng rằng đây là thú chơi tao nhã, nhưng… thật ra diều khi bay vướng vào đường điện cao thế thì thật thảm hoạ, thiệt hại tính bằng tiền tỉ.

 

Hiểm hoạ diều bay bên lưới điện

Cạnh tổ hợp Samsung (Thái Nguyên) có một làng có thú chơi diều. Tưởng rằng đây là thú chơi tao nhã, nhưng…  thật ra diều khi bay vướng vào đường điện cao thế thì thật thảm hoạ, thiệt hại tính bằng tiền tỉ.

 

 

 

Hiểm họa diều bay bên lưới điện
Nhờ sự hợp tác với người dân và chính quyền địa phương, các sự cố diều vướng vào đường dây gần đây đã giảm, bớt đi những thiệt hại – Ảnh: Truyền tải điện Đông Bắc 3 cung cấp

Những sự cố diều dính vào đường dây điện gây ra thiệt hại rất lớn, tùy vào đường dây đó đang cung cấp cho đơn vị nào. Có những thiệt hại về kinh tế không thể tính nổi”

Ông ĐINH NHO HỢI

Không chỉ ở Thái Nguyên, rất nhiều làng quê phía Bắc có thú chơi này, kể cả vùng ngoại ô thủ đô Hà Nội. Bất luận mùa nào, cứ có gió là diều lên, đủ con to con nhỏ. Đã có nhiều sự cố diều vướng đường điện cao thế, nên thợ truyền tải điện còn có thêm nhiệm vụ… canh diều, đuổi diều.

Nguy cơ mất an toàn lưới điện

Những người thợ ở Truyền tải điện Đông Bắc 3 ai cũng ngán ngẩm khi nhắc đến tình trạng thả diều và sự cố do diều gây ra.

“Mùa gió diều rợp kín trời. Ban đêm, diều được gắn đèn led nên trông như một trời sao. Mùa hè thì đông như hội” – ông Đinh Nho Hợi, phó giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3, nói.

Truyền tải điện Đông Bắc 3 đóng tại tỉnh Thái Nguyên, quản lý vận hành và sửa chữa lưới truyền tải điện quốc gia 220kV và 500kV trên địa bàn các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang và huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).

Làm việc ở đội truyền tải điện Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) 17 năm, anh Trần Văn Võ nói làm điện khu vực này có gió là khổ vì cứ gió lên là diều lên, không kể mùa nào.

“Nhất là mùa hè thì diều nhiều không kể bởi đồng ruộng đã thu hoạch, trẻ con lại được nghỉ học. Ban đêm nằm ngủ nghe tiếng sáo diều đến nỗi nhiều người không ngủ nổi” – anh Võ nói.

Diều ở đây chủ yếu là diều lớn, có những cánh diều rộng 5-6m, phải chở bằng xe tải nhỏ để thả. Dây thả diều có cái đến cả ngàn mét. Sáo diều to bằng bắp chân, các ống sáo làm bằng nhựa ống nước, âm thanh vang cả một vùng.

Anh Võ cho biết có một người dân ở xã Nam Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên nghiện tới mức bán cả con trâu 15 triệu đồng mua diều về thả. Diều càng to, càng đẹp thì càng hãnh diện với mọi người.

Có người còn mang cả chõng ra giữa đồng ngồi uống trà, thả diều. Đã ra đây đều là… người nghiện diều, bất kể trẻ hay già.

Bản thân anh Trần Văn Võ đã hai lần tham gia xử lý sự cố do diều gây ra, mà lần nghiêm trọng dẫn tới sự cố mất điện khoảng bốn giờ. Đó là chưa kể những lần gỡ diều ở đâu bay về trạm. Diều được gắn đèn led, dây bằng kim loại, đèn điện nhiều nên càng nguy hiểm.

Anh Đỗ Hồng Minh – đội trưởng đội truyền tải điện Sóc Sơn – cho biết cánh anh em truyền tải điện mỗi lần nghe tiếng sáo diều là thót tim, dáo dác nhìn lên trời rồi… đi tìm diều, không dám lơ là phút nào.

Ông Hoàng Văn Sử – bí thư Đảng uỷ xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang) – cho biết thú chơi diều ở đây có từ hàng trăm năm nên bây giờ “không dễ bỏ ngay được”.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận đến nay tình trạng chơi diều đã giảm rất đáng kể, bà con cũng hiểu ra những nguy cơ xảy ra khi thả diều ở khu vực hành lang 
lưới điện.

Hiểm họa diều bay bên lưới điện
Công nhân đội truyền tải điện gỡ diều vướng vào đường dây – Ảnh: Truyền tải điện Sóc Sơn cung cấp

Thợ truyền tải điện kiêm… người trông diều

Những năm trước, ngoài công việc chính của người làm điện, mỗi ngày anh Trần Văn Võ và đồng nghiệp còn phải túc trực ở các vị trí điện canh chừng diều lên. Cứ cách tầm 4km lại có hai người gác. Hễ thấy diều lên là đi tìm chỗ neo diều để kêu người dân kéo diều xuống.

Từ mấy năm nay, Truyền tải điện Đông Bắc 3 ký hợp đồng với UBND các xã, vận động bà con không thả diều nên các anh nhẹ gánh phần nào. Nếu phát hiện người thả diều trong vùng có nguy cơ xảy ra sự cố điện, các anh sẽ ra vận động người dân thu diều về, hoặc gọi UBND xã đến thuyết phục.

Ông Vũ Tiến Lên – phó chủ tịch HĐND xã Hợp Thịnh – cho biết hồi ông còn làm trưởng công an xã đã thu hàng trăm con diều của bà con.

“Từ khi ký kết với đơn vị truyền tải điện, được vận động, giải thích, bà con nghe xong cũng giảm chơi diều. Từng có câu lạc bộ diều được thành lập nhưng nay đã giải thể. Thấy gió lên là chúng tôi đi kiểm tra, phát hiện diều thì đến thuyết phục bà con” – ông Lên nói.

Cán bộ, công nhân ở đội truyền tải điện cũng đến tận từng nhà vận động, giải thích cho người dân và thuyết phục họ ký vào bản cam kết. Rồi đến các trường học, phối hợp với nhà trường phát tờ rơi tuyên truyền cho học sinh.

Trong các nội dung thường có cả những hình ảnh bị bỏng điện khi đi thả nhiều, không may diều chạm vào dây điện gây phóng điện để cảnh báo người dân.

Thiệt hại không thể kể nổi

Ông Đinh Nho Hợi – phó giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3 – kể về một sự cố điện do diều gây ra từ mấy năm trước. Lúc đó tầm 17h, nhận được thông báo về sự cố đường dây, toàn bộ lực lượng được tập hợp tìm kiếm sự cố. 

Số anh em tan sở về nhà cũng được huy động ra hiện trường. Sự cố được phát hiện ở vị trí 25 thuộc xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, do một cánh diều đứt dây bay vào chuỗi sứ. 

Cánh diều lớn làm bằng nilông cháy và bám trên bề mặt chuỗi sứ gây phóng điện, mất điện cả khu vực.

Ngay sau đó, đơn vị quản lý vận hành phải xin cắt điện đường dây để xử lý. Vì vị trí nằm giữa đồng ruộng nên việc vận chuyển vật tư, phương tiện, dụng cụ phải nhờ vào sức người. Chuỗi sứ néo (sứ nằm ngang) bị hư hỏng nên phải thay toàn bộ chuỗi sứ để tránh gây phóng điện.

Đến 21h cùng ngày, đường dây được đóng điện trở lại sau hơn bốn giờ sửa chữa. 

“Những sự cố diều dính vào đường dây điện gây ra thiệt hại rất lớn, tùy vào đường dây đó đang cung cấp cho đơn vị nào. Có những thiệt hại về kinh tế không thể tính nổi” – ông Hợi nói. 

Quả vậy, nếu một mẻ luyện gang hay thép đang nóng chảy gặp lúc mất điện thì thiệt hại thật khó lường.

Hợp tác với dân, mối nguy đã giảm

Ông Vũ Tất Thành – giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3 – cho biết đã ký hợp đồng tuyên truyền, ngăn chặn thả diều với 11 xã trong khu vực đường dây, trạm biến áp đi qua gồm: Trung Giã, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn), Đắc Sơn (huyện Phổ Yên), Tân Đức, Tân Thành, Tân Kim, Bảo Lý (huyện Phú Bình, Thái Nguyên), Linh Sơn, Huống Thượng, Nam Hoà (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên), Cao Ngạn (TP Thái Nguyên).

Đồng thời ký hợp đồng bảo vệ hành lang lưới điện (trong đó có nội dung thả diều) với 48 xã khác. Các hình thức tuyên truyền, vận động như loa phát thanh, tờ rơi, trực tiếp đến tận từng nhà vận động đều được áp dụng.

Trong 3-4 năm trở lại đây, người dân chơi diều đã ít hơn. Nhưng để triệt để, đội ngũ “lính truyền tải điện” vẫn luôn phải sát sao để tránh sự cố xảy ra.

NGỌC LOAN