11/01/2025

Quá nhiều phong trào, cuộc thi trong nhà trường

Một số người nước ngoài làm việc trong ngành giáo dục có ý kiến như vậy khi nghe giáo viên VN phản ảnh về việc giáo viên và học sinh VN mỗi năm phải tham gia quá nhiều phong trào, cuộc thi…

 

Quá nhiều phong trào, cuộc thi trong nhà trường

Một số người nước ngoài làm việc trong ngành giáo dục có ý kiến như vậy khi nghe giáo viên VN phản ảnh về việc giáo viên và học sinh VN mỗi năm phải tham gia quá nhiều phong trào, cuộc thi…

 

 

 

Quá nhiều phong trào, cuộc thi trong nhà trường
Một tiết học ôn môn văn sôi động của học sinh lớp 12A13 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) bằng hình thức sử dụng điện thoại di động được kết nối WiFi trong việc đổi mới phương pháp học – Ảnh: NHƯ HÙNG

Giáo viên sẽ là người cân nhắc xem liệu họ có thể đảm đương nổi hay không và tự mình đưa ra quyết định có tham gia cuộc thi hay không chứ không phải nhà trường phân công”

Ông KIT DAVIDSON

Ông Kit Davidson (người Mỹ, giáo viên dạy tiếng Anh ở Đà Nẵng):

Tích cực lẫn tiêu cực

Không chỉ nghe về các cuộc thi này từ đồng nghiệp của mình mà trong mấy năm ở VN, tôi cũng từng tham gia một số cuộc thi như vậy. Nhờ vậy, tôi có dịp quan sát được cả hai mặt tốt xấu của vấn đề, từ những học sinh tham gia và cả những em không tham gia.

Đối với các em học sinh, các cuộc thi, phong trào này mang đến cho các em nhiều cơ hội thử thách, tạo điều kiện cho các em rèn luyện tư duy phản biện và tư duy duy lý. Và trong hầu hết các trường hợp, các em cũng được rèn luyện tinh thần và kỹ năng làm việc đội nhóm.

 

Việc những cuộc thi này giúp làm phong phú đời sống học sinh của các em là không thể phủ nhận. Nhưng tôi cũng lo ngại vì nhiều cuộc thi diễn ra ngay trong giờ học chứ không phải sau giờ học hay cuối tuần.

 

Tôi cũng từng dạy một số lớp trong lúc các em đang tham gia các cuộc thi và khi một nửa lớp học hoặc thậm chí nhiều hơn vắng học để tham gia các cuộc thi hoặc để đi xem và cổ vũ thì cả lớp cũng bị ảnh hưởng.

Những lúc như vậy, việc dạy học trong lớp khó đạt hiệu quả được bởi tinh thần học tập đã theo một nửa lớp đi hết rồi.

Ở Mỹ cũng có rất nhiều cuộc thi giống như tại VN. Chủ đề của các cuộc thi này cũng rất đa dạng từ các chương trình học thuật, thiên văn học đến động vật học. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất là thời điểm các cuộc thi được tổ chức và thời gian học sinh tập luyện cho các sự kiện đó.

Các sự kiện như vậy được chuẩn bị, tập luyện và tổ chức sau giờ học, trong giờ nghỉ hay giờ ăn trưa hoặc vào cuối tuần. Không một sự chuẩn bị nào được phép diễn ra trong giờ học. Tôi cảm thấy đây là một cách hiệu quả hơn để chuẩn bị và thực hiện các cuộc thi này.

Một chuyện khác cũng đáng bàn đến là giáo viên. Tôi công nhận khối lượng công việc đồ sộ mà nhiều giáo viên phải đảm trách cho những cuộc thi này.

Nhưng tôi lại thấy đó không phải là vấn đề, mà vấn đề là trong một số trường hợp, giáo viên thường “được” phân công lên kế hoạch và chuẩn bị đội ngũ dự thi những cuộc thi mà họ thậm chí còn chẳng biết gì hoặc biết rất ít về nó hoặc chẳng hào hứng gì cả.

Ở Mỹ, khi nói đến các cuộc thi này, thường sẽ có một hoặc hai giáo viên chịu trách nhiệm quản lý nhằm đảm bảo mọi người đều biết mình đang làm gì, khi nào sự kiện xảy ra, học sinh nào tham gia cuộc thi nào…

Sau đó, nhiều giáo viên sẽ là huấn luyện viên cho từng cuộc thi hoặc từng đội, chịu trách nhiệm phát triển kỹ năng cần thiết cho sinh viên trong cuộc thi. Những giáo viên này thường rất đam mê với những gì họ làm nên sinh viên nhận được lợi ích tối đa, giáo viên cũng cảm thấy khá thoải mái.

* Ông Stephen Isaacs (người Anh, giáo viên dạy tiếng Anh ở TP.HCM):

Rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh

Tôi nghĩ các cuộc thi này có thể tạo ra động lực thúc đẩy giáo viên và học sinh, bởi hiện tại quan niệm giáo viên chỉ có trách nhiệm dạy kiến thức học thuật đã lạc hậu
Ông STEPHEN ISAACS

Tôi nghĩ các cuộc thi này có thể tạo ra động lực thúc đẩy giáo viên và học sinh bởi hiện tại, quan niệm giáo viên chỉ có trách nhiệm dạy kiến thức học thuật đã là lạc hậu.

Một cuộc thi không nằm trong giáo trình không có nghĩa là nó không có giá trị cung cấp cho học sinh trải nghiệm học hành. Một số cuộc thi đòi hỏi người tham gia phải có nhiều kỹ năng mềm, những kỹ năng rất được xem trọng trong thị trường việc làm ngày nay.

Việc lặp đi lặp lại kiến thức cũng không bằng trải nghiệm thực tế có được từ việc tham gia các cuộc thi đó.

Ở Anh, ngoài kiến thức, giáo viên cũng có trách nhiệm chăm lo cho sự phát triển toàn diện của học sinh với quan niệm rằng một đứa trẻ khỏe mạnh và hạnh phúc sẽ học tập tốt hơn.

Cũng như tại VN, giáo viên ở Anh cũng đảm trách một số lượng công việc giấy tờ, bởi vì thu thập, lưu trữ, theo dõi và sử dụng dữ liệu tốt là chìa khóa để giáo viên có thể hiểu được nhu cầu và yêu cầu cụ thể của học sinh mình.

* Cô Lelane Schoeman (người Nam Phi, giáo viên dạy tiếng Anh ở TP.HCM):

Giáo viên VN 
rất nhiều việc

Tôi đã nghe về những cuộc thi này từ một số đồng nghiệp của mình. Ngoài ra, học viên lớp tiếng Anh của tôi cũng thường vắng học vì phải tập dượt cho một cuộc thi nào đó.

Tôi từng thấy hai đồng nghiệp tại trung tâm tiếng Anh mà tôi dạy chuẩn bị cho kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp quận của họ và học viên lớp tôi có khi cũng bận đi thi học sinh giỏi hay thi múa hát…

Tôi đồng ý những cuộc thi này tốn tiền bạc và thời gian một cách không cần thiết. Học sinh không thể tập trung hoàn toàn cho việc học tập của mình khi vừa phải lo học vừa phải chuẩn bị cho những cuộc thi này.

Tương tự, giáo viên cũng không thể tập trung đầu tư bài giảng cho học sinh vì cũng phải tập trung tổ chức và huấn luyện cho các cuộc thi.

Dù vậy, tôi không nghĩ phải bỏ hết mấy cuộc thi đó mà chỉ cần giảm bớt lại bởi tôi nghĩ rằng chắc chắn các cuộc thi cũng có mặt tốt của chúng.

Ví dụ như có thể dạy cho học sinh cách làm việc theo nhóm cũng như luyện cho giáo viên cách tổ chức và kỹ năng lãnh đạo, bên cạnh đó còn góp thêm danh tiếng và nâng cao hình ảnh của trường.

Ở Nam Phi, chúng tôi cũng có những hình thức thi tương tự, có điều không phải thi để lấy danh hiệu “giáo viên giỏi nhất” hay “học sinh xuất sắc nhất”, mà thường là thi múa hát giữa các câu lạc bộ của các trường trong tỉnh hay trong thành phố với nhau.

NGỌC ĐÔNG thực hiện