11/01/2025

Phát âm tiếng Anh theo ‘chuẩn’ nào?

Mới đây, giáo viên nước ngoài ở một trung tâm Anh ngữ đưa đoạn phim về việc phát âm tiếng Anh của người VN không chuẩn, khó nghe. Điều này đã gây tranh luận dữ dội.

 

Phát âm tiếng Anh theo ‘chuẩn’ nào?

Mới đây, giáo viên nước ngoài ở một trung tâm Anh ngữ đưa đoạn phim về việc phát âm tiếng Anh của người VN không chuẩn, khó nghe. Điều này đã gây tranh luận dữ dội.




Sinh viên trao đổi tiếng Anh với người nước ngoài tại công viên 23.9 (TP.HCM)  /// Ảnh: Như Lịch

Sinh viên trao đổi tiếng Anh với người nước ngoài tại công viên 23.9 (TP.HCM)ẢNH: NHƯ LỊCH

Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia, đó không phải là điều quá quan trọng. Suy nghĩ phải phát âm theo giọng chuẩn khi học tiếng Anh là một định kiến sai lầm.
Thế nào là chuẩn?
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, Phó tổng giám đốc Ernst & Young VN, “cần phải phát âm chuẩn” là định kiến lớn nhất trong việc học tiếng Anh ở VN. Đã bao năm nay, giáo dục tiếng Anh ở VN bị ám ảnh bởi cái chuẩn là phải phát âm theo giọng Anh hoặc Mỹ.
Ông Toàn cho biết từng học chuyên Anh tại một trường trung học nổi tiếng Hà Nội, đã học ĐH tại Úc, làm tiến sĩ tại Mỹ, tham gia học, dạy và làm việc ở các môi trường nói tiếng Anh, tổng cộng hơn 24 năm sử dụng tiếng Anh. Đến bây giờ ông vẫn không nói tiếng Anh có giọng Anh – Mỹ, dù vậy ông chưa bao giờ mặc cảm vì điều đó. Các bậc thầy và đồng nghiệp của ông đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Ấn Độ, Hàn Quốc, Rumani ai cũng nói tiếng Anh theo giọng của họ nhưng họ đều rất thành công. Một trong những giáo viên hướng dẫn luận văn tiến sĩ của ông là một người Anh gốc Ấn. Bà sinh ra ở Anh, học ĐH Cambridge và làm tiến sĩ tại ĐH Yale, làm việc ở Quỹ tiền tệ quốc tế nhưng bà vẫn nói tiếng Anh theo kiểu Ấn Độ và bà rất tự hào về điều đó.
 

Phát âm tiếng Anh theo 'chuẩn' nào? - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Bộ GD-ĐT: Dừng thi giải toán, tiếng Anh trên mạng

Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết từ năm học 2017 – 2018, Bộ quyết định tạm dừng các cuộc thi giải toán, tiếng Anh trên mạng.
“Bạn đâu cần phải phát âm chuẩn giọng Anh – Mỹ thì mới làm được việc. Tại Mỹ hằng năm có hàng trăm nghìn người nhập cư đến từ khắp nơi trên thế giới, những nước mà tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ. Có hàng nghìn giáo sư, bác sĩ, luật gia xuất chúng, những nhà khoa học được giải Nobel, họ đều nói giọng không “chuẩn”. Đã bao giờ bạn thấy một người Singapore, Philippines hay Ấn Độ xấu hổ và mặc cảm vì nói tiếng Anh không giống giọng Anh – Mỹ chưa? Những đất nước đó có hàng triệu, hàng trăm triệu đến hàng tỉ dân nói và sử dụng tiếng Anh thành thạo mà chả ai qua tâm đến giọng của người kia giống Anh – Mỹ hay không?”, ông Toàn nói.
Theo ông Toàn, mỗi đất nước, con người, dân tộc có một phương ngữ, chất giọng khác nhau. Tại sao lại cứ khăng khăng bắt người ta phải nói giọng Anh – Mỹ. Ngay cả ở Mỹ, những người Mỹ da đen cũng có cách phát âm riêng mà không ai phán xét họ cả.
Ông Trương Phạm Hoài Chung, thạc sĩ giáo dục Trường ĐH Harvard, từng học tại nhiều quốc gia, cho biết có thể phát âm từng từ chuẩn 100% theo phát âm trong từ điển, nhưng khi nói thành một câu, vẫn có thể bị ảnh hưởng ngữ điệu của nhiều nơi từng sống như VN, Singapore và Mỹ. “Tôi không tự tin mình phát âm chuẩn 100% theo bất cứ một quy chuẩn nào nhưng tự tin 100% là có thể giao tiếp được với người bản xứ mà không có trở ngại nào”, ông Chung nói. “Phát âm từng từ phải đúng phiên âm trong từ điển để không gây hiểu nhầm. Còn ngữ điệu mình không cần bắt chước y chang người bản địa, mà chỉ cần nói chậm và rõ, trôi chảy và logic”, ông Chung nhấn mạnh.
Anh T.H.N, một phiên dịch tiếng Anh lâu năm, cho rằng chỉ có một hệ quy chiếu không bao giờ thay đổi, và người học cứ lấy đó làm “chuẩn” thì sẽ không bao giờ lạc hướng. Ngôn ngữ trước hết là công cụ giao tiếp, và mục tiêu của học ngôn ngữ là để phục vụ hoạt động sống một cách hiệu quả. Do đó người học chỉ cần biết họ sẽ giao tiếp với ai, trong môi trường nào, và với mục đích gì thì sẽ xác định cho mình được cách thức và mục tiêu đúng đắn nhất.
Phát âm tiếng Anh theo 'chuẩn' nào? - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Mẹo chinh phục điểm IELTS đáng mong đợi

Từ lâu, IELTS (International English Language Testing System) đã trở thành hệ thống kiểm tra tiếng Anh phổ biến nhất trên thế giới dành cho những người từ 16 tuổi trở lên.  
Cốt yếu để nghe được, hiểu được
Theo ông Nguyễn Quốc Toàn, ám ảnh phải nói “chuẩn” gây ra nhiều cái hại như sự tốn kém rất lớn khi học tiếng Anh, mặc cảm, tự ti để rồi mãi không học được. Ông Toàn nhấn mạnh: “Hãy cứ mạnh dạn nói tiếng Anh, tiếng “bồi” cũng được, rồi dần dần bạn sẽ thành thạo. Hãy cứ thoải mái giao tiếp bằng tiếng Anh dù bạn nói không hay, đừng mặc cảm là phải học cho đến khi nào nói “chuẩn” thì mới dám dùng”.
Còn anh T.H.N đặt vấn đề: “Có nên tập phát âm cho đúng hay không? Điều này rất nên, và phải chọn “chuẩn” cho phù hợp. Nhưng lỡ luyện mãi mà không nói giống Tây được thì làm thế nào? Không gì phải buồn vì còn ngữ cảnh. Tuy nhiên, với những ai học tiếng Anh để diễn thuyết, phát thanh viên, hoặc có mục đích nói giống người bản xứ, thì tất nhiên phải cố mà luyện phát âm cho chuẩn”.
Ý kiến
Xu hướng là nói tiếng Anh nhưng vẫn giữ giọng điệu riêng
Hầu hết các cuộc trò chuyện bằng tiếng Anh hiện nay trên thế giới (74%) là giữa 2 diễn giả không phải nói tiếng Anh “bản xứ”. Ngay cả London, một thành phố “bản xứ nhất” cũng chính là thành phố đa ngôn ngữ nhất thế giới. Xu hướng về tiếng Anh của thế giới sẽ là nói tiếng Anh như một ngôn ngữ dùng chung cho nhiều người nói nhiều ngôn ngữ khác nhau (lingua franca). Xu hướng tương lai là tạo ra cộng đồng quốc tế lớn mạnh về việc nói tiếng Anh nhưng vẫn giữ được đặc thù dân tộc của mình, giọng điệu riêng (accent). Không cần phải cực đoan quá mức trong việc bắt người học tiếng Anh phải phát âm y hệt như tiếng Anh bản xứ.
David Kaye 
(Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc)
Truyền đạt ngôn ngữ liên quan đến nhiều kỹ năng khác
Video này cũng rất hữu ích vì làm nổi bật tầm quan trọng của việc phát âm một cách rõ ràng. Tuy nhiên, sự nguy hiểm là giáo viên có thể chú ý đến việc phát âm, quên rằng việc truyền đạt có hiệu quả còn liên quan đến chuyện sử dụng khéo léo một số kỹ năng khác như lựa chọn từ ngữ tốt, mục đích rõ ràng, nhận thức của người nghe…
Tiến sĩ Willy Renandya 
(Trưởng bộ phận Giáo dục và nghiên cứu ngôn ngữ của Trung tâm ngôn ngữ vùng SEAMEO, giảng viên ngôn ngữ Viện Nghiên cứu giáo dục quốc gia – ĐH Nanyang, Singapore)


 

Đăng Nguyên