11/01/2025

Đường sắt Việt Nam và gánh nặng tàu “cao tuổi”

Hàng ngàn toa tàu, đầu máy cũ kỹ lạc hậu có niên hạn từ 20-40 năm trở lên đang “ngốn” rất nhiều tiền của ngành đường sắt, chưa kể gây ra sự cố mất an toàn chạy tàu.

 

Đường sắt Việt Nam và gánh nặng tàu “cao tuổi”

 Hàng ngàn toa tàu, đầu máy cũ kỹ lạc hậu có niên hạn từ 20-40 năm trở lên đang “ngốn” rất nhiều tiền của ngành đường sắt, chưa kể gây ra sự cố mất an toàn chạy tàu.

 

 

 

Đường sắt Việt Nam và gánh nặng tàu “cao tuổi”
Xí nghiệp toa xe Sài Gòn thuộc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đang nâng cấp các toa tàu cũ để đưa vào sử dụng – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không kể hàng trăm đầu máy, hiện trên tuyến đường sắt quốc gia đang khai thác gần 6.000 toa xe, trong đó hơn 1.000 toa xe khách và gần 5.000 toa xe hàng đã sử dụng lâu năm.

Trong số hàng ngàn toa tàu này có tới 1.500 toa có thời gian sử dụng trên 40 năm, 2.000 toa đã sử dụng 30-40 năm.

Lạc hậu, ô nhiễm, mất an toàn…

Tình trạng đầu máy “thập cẩm” nhiều chủng loại với công suất thấp, cũ, lạc hậu đang chiếm tới 60% số tàu hiện có. Điều này làm hạn chế về tốc độ, tiêu hao nhiên liệu trong quá trình vận hành.

Cụ thể, tuyến đường sắt quốc gia đang sử dụng gần 300 đầu máy, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Đức… Trong số đó có tới 44 đầu máy sử dụng trên 40 năm, 86 đầu máy từ 
30-40 năm, 48 đầu máy 20-30 năm và 118 đầu máy có thời gian sử dụng dưới 20 năm.

Theo báo cáo gần đây về quy định niên hạn sử dụng phương tiện đường sắt, ông Phan Cao Tế – phó phòng đường sắt Cục Đăng kiểm VN – cho biết các đầu máy đều có thời gian sử dụng trên 30 năm, cá biệt một số đầu máy do Liên Xô, Mỹ sản xuất từ năm 1963.

“Các đầu máy cũ có hệ thống hãm đơn giản như loại D4H, D5H, D9E đang xảy ra rất nhiều hư hỏng liên quan đến bộ phận van, truyền lực, giằng, nồi hãm. Việc này gây mất an toàn” – ông Tế nêu.

Theo ông Tế, các loại đầu máy có thời gian sử dụng động cơ trên 40 năm phát sinh khí thải ra môi trường rất cao. Một số toa xe có “tuổi thọ” trên 40 năm tuy được hoán cải thay thế một số bộ phận chính nhưng khả năng vận hành kém, không đảm bảo an toàn, khi hư hỏng gây thiệt hại nặng nề cho đường và cơ sở hạ tầng.

Việc sử dụng các loại tàu có “tuổi thọ” cao còn ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực vận dụng. Các tàu này tốc độ thấp, công suất nhỏ nên không thể cạnh tranh với các loại hình vận tải khác về thời gian, tốc độ.

Đặc biệt không đáp ứng được các yêu cầu về tốc độ theo đề án nâng cao tốc độ đối với tàu hàng là 100km/h và tàu khách là 120km/h.

“Các loại phương tiện này khi mang sửa chữa đều thay thế phụ tùng chắp vá, tốn chi phí rất cao nhưng lại không đảm bảo chất lượng. Đó là chưa kể chi phí nhiên liệu quá cao, khả năng vận hành nghèo nàn, công suất kéo thấp và thường phải sử dụng thêm đầu máy phụ khi kéo tàu”, báo cáo của ông Phan Cao Tế nêu rõ.

Đường sắt Việt Nam và gánh nặng tàu “cao tuổi”
Số liệu số lượng, chất lượng phương tiện giao thông đường sắt

Tốn cả trăm tỉ nâng cấp

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, để tăng năng lực cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, những năm qua Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn liên tục thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo toa tàu.

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội phải tiến hành nâng cấp, hoán cải cả trăm toa xe để thu hút người dân đi tàu, nâng cao thị phần vận tải đường sắt. Trong đó có dự án cải tạo 28 toa xe B80 không có điều hoà thành toa xe A64 với ghế ngồi mềm lắp máy điều hòa, tốn kém hơn 64 tỉ đồng.

Ông Trần Thế Hùng, tổng giám đốc công ty, cho biết việc cải tạo các toa xe cũ chẳng qua chỉ làm lại nội thất, về bản chất vẫn là phương tiện cũ.

Trong khi đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đang quản lý khoảng 453 toa xe khách, trong đó có tới 104 toa sử dụng trên 30 năm. Theo công ty này, các toa xe khách đều cũ kỹ lạc hậu, vệ sinh kém, thiếu loại toa xe phù hợp với thị trường.

Năm 2016 công ty phải nâng cấp cải tạo 37 toa xe với vốn đầu tư khoảng 80 tỉ đồng. Theo ông Đào Anh Tuấn – tổng giám đốc công ty, dự kiến tới giai đoạn 2018-2019, công ty mới có khả năng thay thế hầu hết các phương tiện đường sắt cũ kỹ đang sử dụng.

Sự cố liên miên

Dù được nâng cấp, sửa chữa nhưng việc vận hành các đoàn tàu có “tuổi thọ” cao xảy ra các sự cố triền miên. Chỉ tính trong 4 năm từ 2010-2014 có tới hơn 2.000 sự cố kỹ thuật của các phương tiện đường sắt.

Trong đó có 1.066 sự cố liên quan đến đầu máy, toa xe có “tuổi thọ” trên 30 năm; 252 sự cố với đầu máy, toa xe có “tuổi thọ” từ 16-30 năm; 756 sự cố đối với đầu máy, toa xe có “tuổi thọ” 15 năm trở xuống.

Thống kê của ngành đường sắt trong sáu tháng đầu năm 2017 cũng cho thấy xảy ra 324 sự cố do chủ quan. Tổng công ty Đường sắt đánh giá nguyên nhân do một số đơn vị đường sắt chưa chấp hành nghiêm quy định, công tác vật tư, “khám chữa” phương tiện đường sắt chưa đảm bảo yêu cầu.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, kết quả phân tích 61 sự cố chủ quan trong tháng 6-2017 của Tổng công ty Đường sắt cho thấy nhiều đoàn tàu như SE8, SE7, SNT2… phải ngừng chạy do hư hỏng, buộc phải nằm dọc đường chờ các đầu máy khác tới… “giải cứu”.

Nguyên nhân khiến đầu máy hư hỏng chủ yếu do giảm công suất, mất dòng điện hoặc hỏng siêu tốc động cơ. Còn các sự cố toa xe làm ảnh hưởng đến chậm tàu được xác định một phần do chất lượng kỹ thuật toa xe, bó hãm, gãy lò xo…

Đẩy mạnh các dự án đóng tàu mới

Theo Công ty CP Xe lửa Dĩ An, bình quân mỗi toa tàu đóng mới có giá khoảng 11 tỉ đồng/toa, giá rẻ hơn gần một nửa so với đi mua ở thị trường nước ngoài.

Năm 2016 công ty bàn giao 30 toa tàu đóng mới với tổng kinh phí khoảng 325 tỉ đồng cho Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đưa vào khai thác tuyến Sài Gòn – Nha Trang.

Hiện Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn tiếp tục đặt hàng đóng thêm 30 toa tàu mới, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.

ĐỨC PHÚ – HOÀNG LỘC ([email protected])