10/01/2025

Cuộc trăn trở mang tên ‘đại học’

Giáo dục đại học ở đa số các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang rớt lại khá xa so với phần còn lại của châu Á. Thực trạng này đang là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Cuộc trăn trở mang tên ‘đại học’

Giáo dục đại học ở đa số các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang rớt lại khá xa so với phần còn lại của châu Á. Thực trạng này đang là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

 

 

Cuộc trăn trở mang tên 'đại học'
Các em học sinh THCS tham quan các phòng, xưởng thực hành tại Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh – Ảnh: QUANG PHƯƠNG

Trường hợp của Philippines và các nước Đông Nam Á dẫn đến cuộc tranh luận muôn thuở về mục đích chính của trường đại học: nghiên cứu, xuất bản hay dạy học?

Ông Crispin Maslog (giáo sư người Philippines) bàn về sự vắng mặt của khối ASEAN (chỉ trừ Singapore) trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất châu Á/thế giới

Có một điều dễ nhận ra, đó là chỉ trừ Singapore, trong danh sách các trường đại học tốt nhất châu Á 2016-2017 của tạp chí Times Higher Education ở London (Anh) không có đại diện nào khác từ Đông Nam Á.

Tuy điều này không có gì quá “mới mẻ” nhưng cần đặt câu hỏi tại sao, nếu biết rằng Trung Quốc (chưa tính Hong Kong), cũng từ xuất phát điểm thấp, hiện đã có hai đại diện trong top 100 thế giới.

Thị trường một đàng, giáo dục một nẻo

Hãng tin Bloomberg của Mỹ ngày 21-8 dành hẳn một bài phân tích riêng về nền giáo dục đại học Việt Nam, về sự “lệch pha” của đào tạo so với nhu cầu của thị trường lao động. Từ trường hợp một bạn sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân kinh tế nhưng sau đó lại đi chạy xe ôm để kiếm 250 USD/tháng, cho thấy có một sự bất cập “không hề nhẹ”, theo Bloomberg.

Bài báo viết: “Trong khi các trường nghề Việt Nam trang bị được cho học sinh các kỹ năng cơ bản để làm việc trong dây chuyền nhà máy, khối trường cao đẳng và đại học lại thất bại trong việc đào tạo sinh viên cho các công việc phức tạp hơn”.

Hệ quả có thể thấy ngay là khi lương trung bình tăng, các ngành sản xuất cơ bản dời sang các quốc gia ít đắt đỏ hơn, mục tiêu đạt đến ngưỡng thu nhập trung bình (4.000 USD/người/năm) của Việt Nam có khả năng khó đạt được.

“Các quốc gia khi chuyển lên giai đoạn kinh tế cao hơn đều đã phát triển thành công nền giáo dục quốc gia khi còn là nền kinh tế thu nhập trung bình. Những nước nào không làm được điều đó mắc kẹt mãi mãi trong cái bẫy thu nhập trung bình” – ông Scott Rozelle, nhà kinh tế học phát triển thuộc Đại học Stanford (Mỹ), giải thích.

Theo chuyên gia Rozelle, cả Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đã có trong tay những trường đại học chất lượng trước cả khi nền kinh tế của họ cần đến nguồn nhân lực trình độ cao. Ngược lại, các nền kinh tế như Argentina, Brazil và Mexico chững lại sau khi đạt tới mốc thu nhập trung bình – một phần là do thiếu sự đầu tư vào giáo dục.

Hãng tin Bloomberg phân tích rằng đại học Việt Nam dành khá nhiều thời gian cho các môn học lý thuyết, trong khi sinh viên không được hướng dẫn cách suy nghĩ, phân tích và những kỹ năng quan trọng khác khi nhà tuyển dụng đòi hỏi.

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp thường ngại trả lương thêm cho những người có bằng cấp cao nhưng lại thiếu các kỹ năng mềm.

Câu chuyện Singapore

Quay lại với bảng xếp hạng đại học thế giới, có ba yếu tố giải thích cho sự tiến lên vượt bậc của các trường châu Á trong hai năm qua, theo Viện Giáo dục quốc tế (IIE, Mỹ): (1) Dân số gia tăng và nhu cầu giáo dục cao; (2) Các chính phủ đầu tư đáng kể cho giáo dục; (3) Sự cải thiện bởi chính các trường đại học.

Hiện châu Á đang có chín trường nằm trong top 100 thế giới, tăng thêm một so với năm 2016. Tuy còn thua xa hai nước dẫn đầu là Mỹ và Anh nhưng đã có sự tiến bộ rõ rệt.

Tại Đông Nam Á, Singapore là một ngoại lệ với hai đại diện nằm trong top 100 trường đại học tốt nhất thế giới: Đại học Quốc gia Singapore (NUS) hạng 24 và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) hạng 54.

Trả lời phỏng vấn Tổ chức Mạng lưới khoa học và phát triển (Scidev), ông Ang Peng Hwa – một cựu lãnh đạo thuộc NTU – giải thích cho sự thành công của Singapore: “Thứ nhất, Chính phủ Singapore đổ ra nguồn tài nguyên khổng lồ cho giáo dục, hơn 730 triệu USD đã được cam kết chi cho hoạt động nghiên cứu từ hồi năm 2010. Thứ hai, bản thân các trường đại học cũng tự vận động, chi tiền thuê những bộ óc xuất sắc nhất trong các lĩnh vực”.

“Các sinh viên đúng nghĩa là ước mơ của một giáo sư, họ thông minh và chăm chỉ. Người ta nói với tôi NTU rất kén chọn đầu vào, chỉ 1/5 thí sinh được nhận vào học mỗi năm. Tôi hết sức ngạc nhiên về chất lượng của phần lớn các bài nghiên cứu của sinh viên đại học” – ông Ang Peng Hwa giãi bày.

Nhà sư phạm của Singapore bổ sung thêm: “Tuy nhiên, tôi để ý các sinh viên Singapore ít khi phát biểu trong lớp học của tôi so với sinh viên ở Mỹ hoặc Philippines. Đây có thể là điểm yếu của phần lớn hệ thống giáo dục tại châu Á: sinh viên ngại nêu ý kiến, ít thảo luận với bạn bè và thường chọn cách học vẹt”.

1/26: là tỉ lệ về năng suất 
công nghiệp của Việt Nam so với Singapore. Năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng yếu nhất ASEAN: Singapore hơn 26 lần, Malaysia hơn 6,5 lần, trong khi Thái Lan và Philippines hơn 1,5 lần.

Theo Bloomberg

MINH TRANG