11/01/2025

Phân luồng học sinh sau THCS: Tắc vì bỏ qua hướng nghiệp

Việc hơn 1.200 học sinh có nguy cơ bỏ học vì Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam phân luồng đột ngột một lần nữa cho thấy những bất cập, bế tắc trong công tác phân luồng sau THCS.

 

Phân luồng học sinh sau THCS: Tắc vì bỏ qua hướng nghiệp

Việc hơn 1.200 học sinh có nguy cơ bỏ học vì Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam phân luồng đột ngột một lần nữa cho thấy những bất cập, bế tắc trong công tác phân luồng sau THCS.




Ông Lê Trí Thức (H.Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), phụ huynh của một học sinh, bức xúc con bị “trượt” vào lớp 10 do phân luồng đột ngộtẢNH: MẠNH CƯỜNG

Mục tiêu mà ngành GD-ĐT đề ra là đến năm 2020 có 30% học sinh (HS) tốt nghiệp THCS vào trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và học nghề gần như đã không thể thực hiện, khi hiện tại, phân luồng đã thất bại so với đích được đặt ra cách đây hơn chục năm.

Phân luồng học sinh sau THCS: Tắc vì bỏ qua hướng nghiệp - ảnh 1

Không chú trọng hướng nghiệp
 

Để tránh phân luồng một cách đột ngột, duy ý chí như trường hợp của tỉnh Quảng Nam, việc hướng nghiệp ngay từ khi HS mới học THCS lẽ ra phải là một yêu cầu tiên quyết để HS hiểu và có ý thức lựa chọn hướng đi phù hợp sau khi học xong THCS.
Tuy nhiên, rất ít địa phương chú trọng tới công tác hướng nghiệp cho HS trước khi thực hiện phân luồng. Theo Bộ GD-ĐT, qua khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông tại 10 tỉnh, thành, kết quả cho thấy có một số địa phương đã chủ động, sáng tạo. Chẳng hạn một số trường trung học tại Bắc Ninh và Hưng Yên liên kết với các khu công nghiệp trên địa bàn để HS đến tham quan, học tập và trải nghiệm; một số trường tại Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hòa Bình, Cần Thơ… có chương trình trải nghiệm cho HS tại các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống.
Báo cáo tổng kết năm học 2016 – 2017 của Bộ GD-ĐT thừa nhận chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa chú trọng đến công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng. Phương thức giáo dục nhìn chung còn nhiều hạn chế, nặng về dạy kiến thức lý thuyết, thiếu điều kiện tổ chức cho HS thực hành, trải nghiệm; một số nhà trường thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp mang tính hình thức, kém hiệu quả. Việc phối hợp giữa các trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… trong việc hướng nghiệp, phân luồng cho HS THCS, THPT chưa thực sự hiệu quả.
Phân luồng học sinh sau THCS: Tắc vì bỏ qua hướng nghiệp - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Thẻ học đường: Có cũng như không

Vào giữa tháng 8 này, ngay khi nhận thông báo bắt buộc sử dụng thẻ cho toàn thể học sinh, gần 1.600 phụ huynh của một trường THCS đã chất vấn đại diện ngân hàng, Ban đề án SSC về sự cần thiết của thẻ học đường.
Hiểu sai về phân luồng
Ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều tỉnh đã nỗ lực thực hiện phân luồng, nhưng thay vì HS tốt nghiệp THCS chuyển tiếp lên học nghề kết hợp với học văn hóa thì lại tiếp tục học lên THPT với các hình thức khác nhau như học các trường ngoài công lập hoặc học hệ giáo dục thường xuyên (GDTX)…
Thống kê của tỉnh Nam Định cho thấy năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh huy động được 5.147 HS, trong đó có 3.732 em học tại các trung tâm GDTX và 1.415 em học nghề – văn hoá. Tuy nhiên, tỷ lệ HS học lên TCCN và trung cấp nghề còn quá ít. Năm học vừa qua, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt gần 100% nhưng có rất ít HS sau THCS được phân luồng vào học các chương trình giáo dục nghề nghiệp. Trong số 20% HS được phân luồng này, chỉ có khoảng 4% theo học nghề!
Phân luồng học sinh sau THCS: Tắc vì bỏ qua hướng nghiệp - ảnh 3

TIN LIÊN QUAN

Khó giảm chỉ tiêu vì sợ giảng viên mất việc!

Trong khi tổng số lượng học sinh phổ thông hằng năm có xu hướng giảm dần, sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai cũng đang thay đổi rất rõ nhưng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH vẫn tăng đều, dẫn đến việc các trường ĐH rất khó khăn trong tuyển sinh.
Sẽ có đề án giáo dục hướng nghiệp
Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện dự thảo Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông để trình Thủ tướng phê duyệt, làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được thông qua đã chú trọng tới công tác hướng nghiệp từ THCS. Theo đó, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên và liên tục, thông qua tất cả các môn học từ tiểu học đến THCS và THPT. Từ tiểu học đến THCS, giáo dục hướng nghiệp thể hiện qua việc giúp HS từng bước có nhận thức về nghề nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp. HS cũng được khám phá sở thích và năng lực của mình để biết được những nghề nghiệp nào sẽ phù hợp với sở thích và năng lực đó.
Nhờ vậy, đến cuối cấp THCS, HS có thể xác định được hướng phát triển phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân: học tiếp lên THPT, học nghề, hay tham gia vào cuộc sống lao động. Ở THPT, HS được phân hoá ngay từ lớp 10 theo định hướng nghề nghiệp. Ngoài một số môn học bắt buộc, HS được lựa chọn môn học phù hợp, tạo điều kiện để phát triển năng lực theo định hướng nghề nghiệp của mình.
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ HS học nghề
Vĩnh Phúc là một trong số ít địa phương thực hiện phân luồng khá bài bản. Năm 2011, tỉnh này ban hành Đề án “Dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2020”; quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 với mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80%, qua đào tạo nghề là 64% vào năm 2020. Để đạt mục tiêu này, Vĩnh Phúc xác định công tác định hướng, phân luồng HS ngay từ bậc THCS là một trong những giải pháp trọng tâm. Cùng với tăng cường nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất các trường học, trường nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, phổ biến thông tin về các trường chuyên nghiệp, tỉnh này đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các trường, các HS học nghề.
Mỗi năm, ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ cho các trường THCS, THPT 2,5 triệu đồng cho công tác hướng nghiệp; hỗ trợ mỗi tháng cho HS sau THCS đi học bổ túc văn hoá THPT cùng học nghề 350.000 đồng và 100.000 đồng tiền sách, vở, đồ dùng học tập. Mỗi tháng, HS sau THPT học CĐ nghề được hỗ trợ 450.000 đồng và 100.000 đồng tiền mua sách, vở, đồ dùng học tập. Đến năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh có 13.331 HS tốt nghiệp THCS, trong đó, số HS đăng ký thi THPT là 70%, học tại các trung tâm GDTX, trường THPT – nghề 28% và khoảng 2% theo học, làm việc trong các loại hình khác.
Tuyết Mai

TP.HCM mỗi năm tăng 3% phân luồng HS sau THCS
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay tỷ lệ HS vào học lớp 10 công lập là 77%, phân luồng sau THCS là 23%. Chủ trương những năm tới, mỗi năm sẽ tăng thêm 3% phân luồng để đến năm 2020 chỉ có 70% HS lớp 10 công lập và 30% vào học các khối trường khác. Theo sở này, mỗi năm các trung tâm GDTX nhận khoảng 12.000 chỉ tiêu, TCCN hơn 40.000. Sở này xây dựng lộ trình và yêu cầu các trường cần chú trọng, tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn đến phụ huynh, HS để có lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, thành phố còn có chế độ khuyến khích HS tham gia phân luồng miễn 100% học phí khi học TCCN.
Bích Thanh

 

Tuệ Nguyễn