29/11/2024

Mưa lớn, gió lốc gây nhiều thiệt hại ở Hà Giang, Lào Cai

Động đất xảy ra tại nhiều địa phương

 

Mưa lớn, gió lốc gây nhiều thiệt hại ở Hà Giang, Lào Cai

Động đất xảy ra tại nhiều địa phương



Nhà dân tại xã Lùng Cải (H.Bắc Hà, Lào Cai) bị tốc mái do gió lốc /// Ảnh: Khánh Vân

Nhà dân tại xã Lùng Cải (H.Bắc Hà, Lào Cai) bị tốc mái do gió lốcẢNH: KHÁNH VÂN

Chiều 24.8, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cho biết mưa lớn kèm gió lốc từ chiều tối 23.8 và ngày 24.8 gây ra nhiều thiệt hại tại các huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Yên Minh, Vị Xuyên và Bắc Quang.
Giông lốc và sét đánh tại xã Chế Là, H.Xín Mần khiến em Thào Seo Nhà (13 tuổi) bị thương nặng đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa H.Xín Mần. Tại huyện này có 4 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn do gió lốc. Ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh và Xín Mần có 48 nhà dân, 4 điểm trường bị tốc mái. Mưa lớn nên tuyến QL4D từ H.Xín Mần (Hà Giang) đi H.Bắc Hà (Lào Cai) bị tắc hoàn toàn. Đến chiều 24.8, tỉnh Hà Giang vẫn có mưa lớn trên diện rộng.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Lào Cai, cho biết từ chiều 23 đến 24.8, giông lốc xảy ra ở các huyện Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Thắng và Mường Khương. Dự báo đến ngày 25.8, tỉnh Lào Cai còn có mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6. Đến chiều 24.8, thống kê tại 4 huyện nói trên có gần 700 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng và hàng chục héc ta lúa, hoa màu bị gió lốc làm gãy đổ, hỏng nặng.
Trong ngày 24.8, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã có công điện yêu cầu thủy điện Thác Bà mở 2 cửa xả lũ từ 17 giờ cùng ngày, đảm bảo tổng lưu lượng xả không nhỏ hơn lưu lượng đến hồ để đưa mực nước thượng lưu hồ xuống dưới cao trình +58 m và liên tục phát tối đa các tổ máy phát điện. Đến chiều 24.8, các nhà máy thuỷ điện Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang đều đang duy trì mở cửa xả đáy để ứng phó với mưa lớn.
 

Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, ngày 24.8 bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và tiếp tục suy yếu thêm thành một vùng áp thấp trên khu vực biên giới tây bắc VN và Vân Nam (Trung Quốc). Các tỉnh Bắc bộ còn mưa đến hết ngày 25.8, trong đó các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu có mưa lên tới 100 – 150 mm khiến nguy cơ cao sẽ xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất ở khu vực vùng núi.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết lúc 14 giờ 36 chiều 24.8, một trận động đất có cường độ 3,9 độ Richter đã xảy ra tại khu vực H.Điện Biên Đông (Điện Biên), vị trí toạ độ (21.404 vĩ độ bắc; 103.289 độ kinh đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km.
Ghi nhận của Trạm quan sát địa chấn TP.Điện Biên Phủ, vị trí trận động đất được xác định nằm trên địa bàn xã Sa Dung, H.Điện Biên Đông, thời gian dư chấn kéo dài khoảng 3 giây. Người dân ở trung tâm TP.Điện Biên Phủ cách tâm chấn khoảng 30 km vẫn cảm nhận rõ rung lắc nhẹ. Đây là lần thứ 4 trong năm nay động đất xảy ra tại tỉnh Điện Biên. Các động đất trước cường độ nhẹ 2,9 – 3,1 độ Richter xảy ra tại các huyện Điện Biên Đông, Mường Lay, Mường Chà.
Theo Viện Vật lý địa cầu, trong một tuần trở lại đây, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cũng ghi nhận các trận động đất cường độ nhỏ xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Cụ thể: Ngày 23.8 động đất 3,1 độ Richter tại H.Võ Nhai (Thái Nguyên); ngày 22.8 và ngày 21.8, hai trận động đất 2,8 độ Richter xảy ra ở khu vực Biển Đông cách Quảng Trị 90 km và ở TP.Hạ Long (Quảng Ninh); ngày 18.8 động đất 2,9 độ Richter xảy ra H.Ba Chẽ (Quảng Ninh)… Ông Nguyễn Xuân Anh cho biết đây là hiện tượng bình thường xảy ra ở các đới đứt gãy. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất.

 

P.Hậu – T.Hằng