11/01/2025

38/45 công chức Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc là lãnh đạo

Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn tất kiểm toán ở Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc. Thật ngạc nhiên, số lãnh đạo tại hai sở này nhiều hơn nhân viên, có phòng 100% công chức đều là lãnh đạo.

 

38/45 công chức Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc là lãnh đạo

Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn tất kiểm toán ở Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc. Thật ngạc nhiên, số lãnh đạo tại hai sở này nhiều hơn nhân viên, có phòng 100% công chức đều là lãnh đạo.

 

 

 

 

38/45 công chức Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc là lãnh đạo
Tại Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, tính ra 1 chuyên viên có 5,4 lãnh đạo – Ảnh: X.LONG

Không chỉ thế, số lãnh đạo được bổ nhiệm nhiều hơn so với quy định. Ngay cả tại Sở Nội vụ – cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế công chức… – có phòng ban có tới 9/12 công chức làm lãnh đạo.

Sở GD-ĐT: nhiều phòng 100% công chức là lãnh đạo

Năm 2012, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc có 13 phòng ban. Đến tháng 8-2017, UBND tỉnh quyết định còn 10 phòng ban, giảm 3 phòng ban.

Trong số này có 45 công chức và 4 lao động được ký hợp đồng.

Trong số 45 công chức, số lượng lãnh đạo từ ban giám đốc sở đến lãnh đạo các phòng ban là 38 người gồm: 1 giám đốc sở, 3 phó giám đốc sở và trưởng, phó các phòng ban; chiếm gần 85% công chức sở làm lãnh đạo. Còn lại 7 người là chuyên viên. Tính ra, cứ 1 chuyên viên thì có 5,4 lãnh đạo (!).

Không chỉ thế: một nguồn tin cho biết tại sở này, nhiều phòng ban có 100% công chức đều làm lãnh đạo.

Chẳng hạn tại phòng thanh tra: nơi đây được bố trí 4 công chức và cả bốn đều là lãnh đạo, gồm 1 chánh thanh tra và 3 phó chánh thanh tra. Không chỉ vậy, phòng này còn bổ nhiệm thừa một lãnh đạo cấp phó so với quy định.

Phòng giáo dục mầm non cũng có 100% công chức là lãnh đạo gồm 1 trưởng phòng và 2 phó phòng, không có chuyên viên.

Còn phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, cho đến tháng 7-2017 mới thoát được tiếng 100% công chức của phòng là lãnh đạo khi có thêm 1 chuyên viên, còn trước đó chỉ có 1 trưởng phòng và 2 phó phòng.

“Lạm phát” lãnh đạo cũng diễn ra ở phòng giáo dục trung học. Phòng này có 5 công chức và có 4 người là lãnh đạo, gồm: 1 trưởng, 3 phó và chỉ 1 chuyên viên. Phòng này còn bổ nhiệm thừa 1 lãnh đạo cấp phó.

Phòng kế hoạch – tài chính và ban quản lý dự án xây dựng công trình của sở mỗi nơi có 3 công chức và tất thảy đều là lãnh đạo: 1 trưởng, 2 phó.

38/45 công chức Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc là lãnh đạo
Đồ hoạ: N.KH.

Sở Nội vụ: ban có 9/12 công chức làm lãnh đạo

Kiểm toán Nhà nước cũng làm việc về biên chế và tiền lương ở Sở Nội vụ Vĩnh Phúc. Nơi đây cũng có tình trạng tỉ lệ lãnh đạo phòng ban quá cao.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tại ban thi đua – khen thưởng có 12 công chức, trong đó có 9 công chức là lãnh đạo ban, còn lại 3 chuyên viên.

Ông Lại Quang Huy – chánh văn phòng Sở Nội vụ Vĩnh Phúc – giải thích: ban này có 15 biên chế, trong đó có 3 người thuộc diện biên chế theo hợp đồng gồm văn thư, lái xe và tạp vụ, “còn cơ quan kiểm toán chỉ xem xét số lãnh đạo dựa trên số công chức của ban”.

Ông Phạm Quang Tuệ, giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc, cho biết trước đó ban thi đua – khen thưởng là cơ quan ngang sở (khi còn thuộc UBND tỉnh, từ trước năm 2008) nên có 1 trưởng ban, 2 phó ban; có ba phòng chuyên môn thì mỗi phòng có 1 trưởng, 1 phó.

Như vậy có 9 lãnh đạo, còn lại là chuyên viên. Khi đưa về sở thì giữ nguyên cơ cấu đó nên có 9 lãnh đạo. Ông Tuệ thừa nhận tỉ lệ lãnh đạo như vậy là cao và sở đang làm giảm.

Theo đó, đã điều động 1 phó ban thi đua – khen thưởng về làm trưởng của một phòng thuộc sở; điều động 1 phó phòng hành chính tổng hợp về làm chuyên viên tại văn phòng sở. Như vậy, đã giảm được 2 lãnh đạo.

Trái khoáy và vô lý!

Kiểm toán Nhà nước cho biết đến đầu tháng 9-2017 sẽ phát hành báo cáo kết luận kiểm toán ở Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ của tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo cơ quan kiểm toán, dù luật có quy định về số lượng cấp phó tới cấp sở, chưa có quy định tới cấp phòng, nhưng nếu cấp phòng có toàn lãnh đạo thì chắc chắn không có chuyên viên để làm việc. Vì vậy, theo cơ quan kiểm toán, đây là bất cập trong cơ cấu tổ chức, cần sớm điều chỉnh.

Cơ quan kiểm toán cũng cho rằng số lượng công chức trong phòng toàn là lãnh đạo thì ngân sách nhà nước sẽ phải chi trả thêm phần phụ cấp trách nhiệm cho những người này. Đây là điều rất lạ lùng, trái khoáy và vô lý!

Mặc dù Sở GD-ĐT rất đông lãnh đạo nhưng trong ngày 23-8, từ phòng văn thư đến các phòng ban, lãnh đạo đều đóng cửa im ỉm. 

Giải thích với Tuổi Trẻ, giám đốc sở Hoàng Minh Quân cho biết sáng 23-8 cả sở đi dự hội nghị tổng kết năm học và có bố trí cán bộ văn thư trực cơ quan. 

Về việc người dân đến sở mà không có cán bộ tiếp, ông Quân nói: “Có thể đây là do sơ suất”!

Thoái thác câu trả lời

Trước chất vấn của phóng viên Tuổi Trẻ về việc tại sao có quá nhiều lãnh đạo ở Sở GD-ĐT, ông Hoàng Minh Quân – giám đốc sở – từ chối làm việc: “Báo chí có quyền tiếp xúc, tiếp cận thông tin. Chúng tôi có trách nhiệm cung cấp thông tin, nhưng tôi không cung cấp, không làm việc hôm nay”.

Khi chúng tôi đặt lịch làm việc, ông Quân chỉ qua văn phòng. Sau đó, ông Quân điện cho lãnh đạo văn phòng sở, căn dặn: “Nếu phóng viên tìm hiểu các việc liên quan đến các vấn đề mà chỗ Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ đang kiểm tra, cứ báo cáo sở đang làm việc với đoàn kiểm tra, sẽ làm việc sau”.

Vậy trách nhiệm của giám đốc sở liên quan đến kết quả kiểm toán như thế nào? Ông Quân nói: “Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ cũng đang kiểm tra tôi mà, nên tôi chưa làm việc về nội dung này”.

X.LONG – T.HOÀNG – L.THANH