12/01/2025

Bảo hiểm xã hội siết chi, Bộ Y tế phản ứng

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn vừa có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, “đề nghị không thực hiện việc giao dự toán khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) cho các cơ sở KCB” năm 2017.

 

Bảo hiểm xã hội siết chi, Bộ Y tế phản ứng

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn vừa có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, “đề nghị không thực hiện việc giao dự toán khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) cho các cơ sở KCB” năm 2017.

 

 

 

Bảo hiểm xã hội siết chi, Bộ Y tế phản ứng
Người dân nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – Ảnh: HỮU KHOA

Dù trong trường hợp nào cũng đều phải làm đúng quy định chuyên môn, đúng phác đồ. Nếu có lạm dụng dịch vụ thì bảo hiểm xuất toán hoặc cùng bệnh viện ngồi lại để thảo luận. Tất cả đều vì quyền lợi của người bệnh.

Ông LÊ VĂN KHẢM – vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế)

Đây là “phản pháo” của Bộ Y tế vì cho rằng BHXH VN ra văn bản trái thẩm quyền, không đúng Luật BHYT và các hướng dẫn dưới luật, bị nhiều sở y tế và các bệnh viện phản ứng. Văn bản do bà Nguyễn Thị Minh – tổng giám đốc BHXH VN – ký ban hành ngày 19-5, hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán chi KCB BHYT (chi BHYT) năm 2017.

Theo đó, dự toán chi KCB BHYT sẽ giao cho từng địa phương trên cơ sở dự tính số chi BHYT và số thu BHYT năm 2017 của tỉnh, thành tối đa không vượt quá quỹ BHYT của tỉnh, thành được sử dụng trong năm.

Không đúng thẩm quyền?

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, việc làm của BHXH VN là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn.

 

Ngoài ra, số tiền BHXH VN giao dự toán chi KCB năm 2017 cho các cơ sở y tế cũng thấp hơn năm 2016, thấp hơn số giao dự toán chi BHYT của Thủ tướng giao cho BHXH VN.

Trong khi năm 2017 viện phí được điều chỉnh tăng, theo đó dự kiến chi phí KCB sẽ tăng cao hơn năm 2016.

Theo ông Tuấn, nghị định 105/2014 của Chính phủ quy định rõ: 90% số tiền đóng BHYT dành cho việc KCB của người tham gia BHYT và quỹ dự phòng KCB BHYT do BHXH VN quản lý được sử dụng để bổ sung nguồn kinh phí KCB BHYT cho các tỉnh, thành phố trong trường hợp số tiền thu BHYT dành cho KCB nhỏ hơn số chi phí KCB BHYT trong năm.

Do đó, ông Tuấn đề nghị BHXH VN chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố không thực hiện việc giao dự toán chi KCB BHYT cho các cơ sở KCB năm 2017 và thực hiện hợp đồng KCB BHYT theo đúng quy định của 
Luật BHYT.

Bảo hiểm xã hội siết chi, Bộ Y tế phản ứng
Nhiều địa phương đã chi khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2017 trên 50% tổng dự toán cả năm Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

Bệnh viện gặp khó

Từ chỉ đạo của BHXH VN, tháng 7-2017 BHXH TP.HCM đã mời các cơ sở KCB lên triển khai thực hiện và giao dự toán chi (dự kiến) cho các đơn vị.

Sau cuộc họp này, Bệnh viện Nhân dân 115 đã gửi văn bản kiến nghị Sở Y tế và BHXH TP xem xét lại việc giao dự toán chi.

Theo Bệnh viện Nhân dân 115, năm 2017 bệnh viện được giao dự toán chi KCB hơn 546 tỉ đồng, rất thấp so với thực tế chi BHYT tại bệnh viện. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện đã chi hơn 352 tỉ đồng KCB BHYT cho người bệnh. Như vậy, 6 tháng cuối năm 2017 bệnh viện chỉ còn được chi hơn 193 tỉ đồng.

Trong khi đó, năm 2017 bệnh viện này tiếp tục thực hiện lộ trình tăng giá viện phí theo quy định nên dự kiến chi phí KCB BHYT tăng khoảng 30%. Với mức tăng 30% này, bệnh viện dự kiến 6 tháng cuối năm 2017 BHXH TP sẽ quyết toán cho bệnh viện hơn 434,7 tỉ đồng. Như vậy, số tiền dự kiến vượt dự toán chi lên đến hơn 241,4 tỉ đồng.

Số tiền vượt dự toán chi này còn có thể cao hơn nữa vì từ ngày 1-6, bệnh viện thực hiện thông tư 04/2017 của Bộ Y tế (ban hành danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán vật tư y tế) thì mức quyền lợi cũng như chi phí được quỹ BHYT chi trả cho người bệnh sẽ tăng lên.

Đáng nói, các bệnh viện cũng không chủ động trong việc người bệnh đến KCB tại bệnh viện, số bệnh nhân tăng thì số tiền chi tăng. Bệnh viện Ung bướu TP cho biết: số lượt bệnh nhân BHYT đến điều trị nội trú tại nơi này 6 tháng đầu năm tăng 160% so với cùng kỳ 2016.

“Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh và duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện, bệnh viện đề xuất BHXH TP xem xét và cấp dự toán kinh phí KCB theo chi phí thực tế” – Bệnh viện Nhân dân 115 kiến nghị.

Một lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP bày tỏ: “Vượt chi quỹ BHYT không phải lỗi của bệnh viện, mà do bệnh nhân đến bệnh viện cứ tăng, mỗi năm tăng 7-10%. Kế đến là giá viện phí tháng 10 tới sẽ tăng thì đương nhiên chi BHYT sẽ tăng. Ngoài ra, thuốc và kỹ thuật mới điều trị ung thư đổi mới liên tục có lợi cho người bệnh, nên bệnh viện phải đưa vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân cũng dẫn đến vượt quỹ”.

Ngoài ra, vị lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP còn cho biết BHXH TP đề nghị bệnh viện phải tăng cường chuyển tuyến bệnh nhân ở các tỉnh đến Bệnh viện Ung bướu khám về các bệnh viện địa phương có khoa ung bướu khi đã điều trị ổn định “là điều vô lý”. Theo ông, bệnh viện sẵn sàng chuyển về với điều kiện bệnh viện tuyến dưới có đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật điều trị cho bệnh nhân.

“Là bệnh viện chuyên khoa ung bướu nên chúng tôi chú trọng điều trị theo tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, không thể phân biệt nội tỉnh, ngoại tỉnh để đảm bảo sự công bằng đối với người dân đến khám, điều trị tại bệnh viện theo đúng luật định” – vị này bày tỏ.

Khoán ép?

Về việc khoán chi, BHXH TP lý giải: “Chúng tôi từng phân tích cho các bệnh viện thấy việc sử dụng quỹ BHYT tăng rất vô lý, chi phí biệt dược gốc cũng quá lớn và khuyến cáo các bệnh viện cần chỉ định sử dụng phù hợp. Khi triển khai giao dự toán chi, các bệnh viện chưa nói gì vì họ cũng biết trong hoàn cảnh quỹ BHYT thiếu do chi tăng cao mà mệnh giá mua BHYT không thể tăng được”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo bệnh viện tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng việc giao dự toán chi BHYT năm 2017 cho các cơ sở KCB chẳng khác nào khoán ép: “Đúng ra khoán thì phải có sự bàn bạc thỏa thuận, thống nhất thực hiện. Còn chỉ đạo của cơ quan BHXH là áp đặt một chiều, giao bấy nhiêu đó thôi, xài hết thì tự chịu. Nếu đã khoán thì phải có lời có lỗ, nhưng khoán của BHXH VN, BHXH TP là khoán chỉ có lỗ thì rất vô lý”.

Một bác sĩ còn bức xúc cho rằng: “Có bệnh nhân đến khám thì bác sĩ phải điều trị. Nếu BHXH thấy bác sĩ lạm dụng kỹ thuật, chỉ định thuốc lãng phí phải chỉ rõ ra và xuất toán. Đằng này cơ quan BHXH không chỉ ra được sai sót, mà cứ bảo quỹ có nhiêu thì chỉ được sử dụng bấy nhiêu là vô lý”.

Thay thuốc ngoại bằng thuốc nội

Sáng 22-8, ngồi trước khu chờ phát thuốc của Bệnh viện Nhân dân Gia Định đợi lãnh thuốc, bà L.T.O. (53 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mình mắc nhiều bệnh mãn tính như đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

Hôm nay khám bệnh, bác sĩ nói sẽ thay đổi thuốc cho bà. Trước đây, bác sĩ kê toa thuốc Glucovance của một công ty dược nước ngoài sản xuất, còn nay bác sĩ kê toa một loại thuốc do một công ty dược trong nước sản xuất.

Nhiều bệnh nhân khác cũng gặp tình trạng tương tự bà O..

THUỲ DƯƠNG

Năm 2016, cả nước bội chi hơn 6.000 tỉ đồng

Theo BHXH VN, do một số thay đổi về chính sách như mở rộng quyền lợi BHYT cho người tham gia, điều chỉnh giá dịch vụ y tế – đặc biệt là công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT còn nhiều bất cập, tình trạng lãng phí, lạm dụng quỹ BHYT có xu hướng gia tăng với nhiều hình thức khác nhau – dẫn đến bội chi quỹ khám chữa bệnh cả nước năm 2016 lên tới hơn 6.000 tỉ đồng.

T.D.


LÊ THANH HÀ ([email protected])