13/01/2025

TP.HCM, Hà Nội sẽ có 1-3 trung tâm hành chính công

“Trung tâm hành chính công là tạo không gian để đại diện cán bộ các sở, ngành hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ. Họ là những cán bộ giỏi nhất, liêm chính nhất”.

 

TP.HCM, Hà Nội sẽ có 1-3 trung tâm hành chính công

“Trung tâm hành chính công là tạo không gian để đại diện cán bộ các sở, ngành hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ. Họ là những cán bộ giỏi nhất, liêm chính nhất”.

 

 

 

 

TP.HCM, Hà Nội sẽ có 1-3 trung tâm hành chính công
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai – Ảnh: A LỘC

Ông Ngô Hải Phan, cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ, nhấn mạnh như vậy tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo quy định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, diễn ra tại TP.HCM ngày 18-8.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện UBND, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Trung tâm không làm thay cơ quan hành chính

Theo dự thảo, bộ phận một cửa các cấp là nơi hướng dẫn và tiếp nhận thủ tục hành chính theo phương thức thủ công và trực tuyến. Trong đó, ở cấp bộ và cấp huyện, xã là bộ phận một cửa, ở cấp tỉnh là trung tâm hành chính công.

Trung tâm hành chính công là đơn vị sự nghiệp công lập, có đại diện các cơ quan hành chính nhà nước đến tập trung hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả và kiểm soát quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

Trung tâm trực thuộc hệ thống văn phòng, chứ không phải là đơn vị hành chính đặc thù, không có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Đáng chú ý là theo dự thảo, Hà Nội và TP.HCM sẽ tổ chức từ 1-3 trung tâm hành chính công theo khu vực. Ông Ngô Hải Phan giải thích do hai địa phương này giao dịch quá lớn, nên đưa về một trung tâm hành chính công là không ổn.

Về các ý kiến cho rằng Hà Nội và TP.HCM nên tiếp tục thực hiện như hiện nay, đồng thời đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, ban soạn thảo cho rằng hiện người dân hai thành phố này vẫn chưa thay đổi được thói quen trực tiếp đến cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, và việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện cũng chưa đảm bảo được tính đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu…

Đảm bảo sự tham gia của người dân

Theo dự thảo, ở cấp bộ phải triển khai bộ phận một cửa vì số lượng thủ tục hành chính hiện nay các bộ đang thực hiện rất lớn, chiếm khoảng 50% số lượng thủ tục hiện hành. Mặt khác, việc thực hiện một cửa ở cấp bộ nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ, liên thông giải quyết thủ tục hành chính từ trung ương đến địa phương.

“Một cửa không chỉ là ở các địa phương, mà trung ương cũng phải làm. Cần tạo sự bình đẳng về sân chơi, bốn cấp chính quyền đều phải triển khai một cửa” – ông Ngô Hải Phan nói.

Liên quan đến việc kết nối, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, ông Phan nhìn nhận việc phối hợp giữa các cơ quan hiện nay là khâu yếu nhất.

“Khi giải quyết thủ tục hành chính mà sở này liên quan đến sở khác, chỉ gửi công văn qua lại cũng mất cả vài tháng, nếu với cấp trung ương có khi còn lâu hơn” – ông Phan nêu thực tế.

Còn ông Tạ Quang Trường, phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai, cho biết một trong những vướng mắc hiện nay trong giải quyết thủ tục hành chính là việc không kết nối cơ sở dữ liệu giữa các cấp.

“Có những dịch vụ công trực tuyến tỉnh làm rất tốt nhưng không kết nối được với bộ vì hai hệ thống không theo một chuẩn chung nên cuối cùng hệ thống của tỉnh đang làm đành phải bỏ, gây lãng phí rất lớn” – ông Trường nói.

Để nâng cao chất lượng giám sát dịch vụ công, việc xây dựng “công dân điện tử” cũng được các đại biểu chú ý. GS Đặng Hùng Võ – chuyên gia của Oxfam, tổ chức phi chính phủ hợp tác với Văn phòng Chính phủ xây dựng nghị định này – cho rằng việc giáo dục, đào tạo các công dân điện tử hiện đang bị “chậm pha” so với yêu cầu thực tiễn.

Các kiến nghị của Oxfam chủ yếu nhằm đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình thực hiện, giám sát và đánh giá việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Đồng Nai đã công khai quy hoạch từng thửa đất

Tại hội thảo, ông Tạ Quang Trường, phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai, trình bày mô hình trung tâm hành chính công của tỉnh và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu.

Theo ông Trường, quy trình xử lý hồ sơ tại trung tâm hành chính công được ứng dụng công nghệ nên không có chuyện kéo dài quy trình hơn so với quy định mà chỉ có ngắn hơn. Với quan điểm “phi địa giới hành chính”, người dân ở TP Biên Hoà có thể nộp hồ sơ ở trung tâm hành chính công của tỉnh, hoặc nộp ở TP Biên Hòa đều được chấp nhận.

Ông Trường cũng cho biết hiện Đồng Nai đã công khai được quy hoạch sử dụng đất của từng thửa đất. Người dân có nhu cầu chỉ cần nhập số tờ bản đồ, số thửa là biết được quy hoạch gì, diện tích bao nhiêu, có thu hồi hay không, có làm đường hay không…

Đồng Nai tổ chức một cửa theo quy trình từ dưới lên, làm từ xã trước, huyện hoàn chỉnh, xong rồi mới đến cấp tỉnh. Đến nay hệ thống đã hoàn chỉnh toàn bộ, tất cả các thủ tục hành chính đều nằm trong điện thoại, muốn vào lúc nào cũng được.

Ông Tạ Quang Trường (phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai)
MAI HOA