Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hôm qua (17.8), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cam kết sẽ siết chặt chất lượng đào tạo ngành sư phạm và giải quyết căn cơ tình trạng dôi dư nguồn nhân lực của ngành.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: Chuyển đổi giáo sinh đã tốt nghiệp làm nghề khác!
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hôm qua (17.8), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cam kết sẽ siết chặt chất lượng đào tạo ngành sư phạm và giải quyết căn cơ tình trạng dôi dư nguồn nhân lực của ngành.
Trường địa phương sẽ chỉ đào tạo lại giáo viên ?
Ông Nhạ thừa nhận Bộ cần quyết liệt hơn trong đánh giá nhu cầu thực tế của giáo viên (GV) đến từng môn học, bám sát vào yêu cầu của chương trình và tính đến đổi mới giáo dục phổ thông, để từ đó xác định rõ cần bao nhiêu đào tạo mới, và chỉ đào tạo số thiếu, quản lý chặt chỉ tiêu này trên toàn quốc.
Sáng 17.8, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo để bàn về các giải pháp tháo gỡ những khủng hoảng trong tuyển sinh, đào tạo sư phạm hiện nay.
Theo ông Nhạ, Bộ sẽ siết chặt chỉ tiêu trên toàn quốc để đảm bảo cung – cầu thực sự khớp với nhau, trong đó tính đến số thật thiếu chứ không tính đến GV về hưu hoặc tăng thêm. “Chúng tôi đã triển khai khảo sát, rất chắc chứ không phải đợi báo cáo lên. Sẽ có một nhóm nghiên cứu đánh giá chi tiết. Lãnh đạo địa phương cũng phải cùng có trách nhiệm, chứ không phải xem đây là việc của ngành GD-ĐT hay Bộ Nội vụ”, ông Nhạ nói.
Vấn đề bồi dưỡng GV, giải quyết việc thừa thiếu GV cục bộ, theo ông Nhạ, Bộ sẽ chỉ đạo các trường ĐH giáo dục phối hợp với các đơn vị, các trường CĐ ở địa phương có chương trình bồi dưỡng theo hướng cố gắng sử dụng được những cán bộ đang trong diện biên chế nhưng thừa cục bộ, có chuyển đổi. Đồng thời, cũng phải chấp nhận một bước hoán đổi để giảm khó khăn cho các địa phương, tạo điều kiện cho thầy cô trong diện dư thừa có cơ hội có những công việc phù hợp.
Giáo dục, vì tính chất quán tính đặc biệt của nó, ảnh hưởng đến tương lai lâu dài hơn, bền bỉ hơn nhiều ngành nghề khác, nên đầu vào các ngành sư phạm luôn nhận được sự quan tâm của xã hội vào mỗi mùa tuyển sinh.
Mấy năm qua, mỗi năm có khoảng trăm nghìn giáo sinh tốt nghiệp trong khi nhu cầu tuyển dụng giáo viên của các địa phương rất ít.
Theo ông Nhạ, các trường địa phương, nguyên từ trường CĐ nâng lên thành ĐH, là những nơi mà thời gian qua có chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm rất nhiều. “Tới đây xin đề xuất với Phó thủ tướng chỉ đạo các trường CĐ, ĐH địa phương tập trung vào đào tạo lại đội ngũ GV hiện có, trên cơ sở chuẩn và các chương trình đạt chuẩn mà các trường ĐH sư phạm lớn đã thống nhất và được Bộ phê duyệt. Như vậy, các trường ở địa phương có cơ hội để tồn tại, chứ không phải cắt đi thì không có việc. Các địa phương và Bộ Nội vụ cũng phải có trách nhiệm cùng Bộ GD-ĐT bàn kỹ để rà soát lại đâu là những cái phù hợp để còn tiếp tục, đâu là những bất cập trong điều kiện có thể phân công được. Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ sẽ tính toán và có cơ chế từ tuyển chọn chế độ chính sách, báo cáo Chính phủ để có quyết định thực sự căn cơ”, ông Nhạ đề xuất.
Chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường sư phạm và các trường có ngành liên quan, tìm hiểu nhu cầu của thị trường đang rất cần lao động…, có chương trình như chuyển đổi để khi giáo sinh đã tốt nghiệp bằng đại học sư phạm, giờ chỉ bổ túc những tín chỉ để có thể đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực khác
Ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Tuy nhiên, theo ông Nhạ, vấn đề Bộ rất trăn trở là việc một số giáo sinh tốt nghiệp nhiều năm qua và thời gian tới là rất nhiều. Hiện có một số đang xếp hàng dạng hợp đồng, còn số rất nhiều thì không làm đúng nghề.
“Dù sao phông đào tạo của các trường sư phạm cũng hết sức căn bản. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường sư phạm và các trường có ngành liên quan, tìm hiểu nhu cầu của thị trường đang rất cần lao động. Ví dụ như công nghệ thông tin, du lịch, một số ngành nghề khác, có chương trình như chuyển đổi để khi giáo sinh đã tốt nghiệp bằng ĐH sư phạm, giờ chỉ bổ túc những tín chỉ để có thể đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực khác”, ông Nhạ đưa ra giải pháp.
Ông Nhạ cho biết thêm Bộ sẽ làm việc với các hiệp hội về công nghệ thông tin hay du lịch để có phương thức đào tạo qua lại nhằm thực hiện được giải pháp trên.
Sáp nhập, giải tán các trường yếu kém
Ông Nhạ còn cho rằng chất lượng GV sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học tới. “Căn cứ chuẩn hiện nay, những trường nào yếu quá, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ chỉ đạo là sẽ phải sáp nhập. Tránh tình trạng trong hệ thống trường sư phạm có một, hai trường yếu kém. Bộ sẽ có những cái chuẩn, căn cứ vào năng lực và chất lượng, những trường nào yếu kém, không đủ năng lực hoặc sáp nhập, hoặc giải tán hoặc làm vệ tinh, chuyển thành trung tâm đào tạo, chứ không được phép đào tạo GV mới. Xin cam kết với Phó thủ tướng là vấn đề này sẽ được thực hiện một cách quyết liệt và căn cơ”, ông Nhạ khẳng định.
Tại hội nghị tổng kết giáo dục đại học năm học 2016 – 2017 sáng nay (11.8), Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã lý giải về hiện tượng ‘mưa điểm 10’ và điểm chuẩn ngành sư phạm thấp.
Cần đánh giá sát nhu cầu nhân lực
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo, nhân tố quyết định là con người. Nhưng nhìn thẳng thực trạng thì thấy, chất lượng GV một bộ phận rất tốt, nhưng một bộ phận thì năng lực chậm được cập nhật, không đáp ứng được yêu cầu, nhất là khi đổi mới. Thực trạng này có nguyên nhân liên quan đến chất lượng đào tạo trong hệ thống sư phạm. Một phần do số lượng các trường tham gia đào tạo sư phạm hiện nay quá nhiều, rồi dần dần các địa phương quản là chính, Bộ chỉ quản mấy trường thuộc Bộ. Một phần do chính sách trường sư phạm không thu học phí, nên gặp khó khăn trong vấn đề đầu tư.
“Một thực trạng nữa là hiện nay, sinh viên tốt nghiệp sư phạm các cấp, kể cả ĐH, đi xin việc khó. Số này có rất nhiều nơi, vừa rồi một số tỉnh khi siết biên chế là buộc phải chấm dứt hợp đồng với nhiều GV trẻ mà người ta cũng rất tâm tư”, ông Đam nhận xét.
Theo ông Đam, nguyên nhân chính của ngành sư phạm không hấp dẫn là do đào tạo ra trường khó xin việc. “Đầu ra đảm bảo là yếu tố quyết định, trong khi chúng ta chưa đánh giá được thật sát nhu cầu nhân lực trong ngành sư phạm nên thừa thiếu cục bộ. Vì thế, cần đánh giá rất sát điều này, bởi vì không thể nói dạy tốt mà lại thiếu GV. Phải đánh giá, khảo sát GV của từng cấp, từng môn, để xem GV nào có thể chuyển đổi được thì chuyển đổi, hoặc đào tạo lại để sử dụng tốt”, ông Đam đề nghị.
Ông Đam cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT trong năm nay phải trình Chính phủ thực hiện cơ chế đào tạo theo đơn đặt hàng.
Chỉ tiêu tuyển sinh vượt quá nhu cầu tuyển dụng
Theo đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4.2016, số lượng GV mà ngành GD-ĐT cần đào tạo thêm đến năm 2020 tổng số là 190.000 người. Như vậy, mỗi năm cần đào tạo thêm 45.000. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT thì con số này chưa tính đến yêu cầu tinh giản biên chế. Trong khi đó, theo một tài liệu khác của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2016 là 67.689, năm 2017 là 55.611.