19/01/2025

Khi nhiều lễ hội trình diễn nghi lễ vì mục tiêu kinh tế…

Bà Trịnh Thị Thuỷ, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, cho biết đơn vị này vừa có tờ trình Chính phủ xin ý kiến về chủ trương xây dựng nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

 

Khi nhiều lễ hội trình diễn nghi lễ vì mục tiêu kinh tế…

 Bà Trịnh Thị Thuỷ, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, cho biết đơn vị này vừa có tờ trình Chính phủ xin ý kiến về chủ trương xây dựng nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

 

 

 

Khi nhiều lễ hội trình diễn nghi lễ vì mục tiêu kinh tế...
Nghị định về lễ hội có giải quyết được những vấn đề nhức nhối của lễ hội nhiều năm qua hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Trong ảnh: cảnh tranh cướp lộc hoa tre tại hội Gióng, đền Sóc, Hà Nội năm 2017 – Ảnh: NAM TRẦN

Theo Bộ VH-TT&DL, một trong những lý do cần thiết ban hành nghị định này bởi thời gian qua còn một số lễ hội duy trì tập tục chứa đựng yếu tố bạo lực, phản cảm, chưa phù hợp với xu thế thời đại.

Tình trạng chen lấn, xô đẩy, đeo bám khách, đặt hòm công đức tuỳ tiện, nâng giá dịch vụ… còn diễn ra ở nhiều lễ hội.

Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động lễ hội lại chưa đầy đủ, đồng bộ.

Không đặt quá 
2 hòm công đức

 

Dự thảo sẽ điều chỉnh là bốn loại hình lễ hội: lễ hội dân gian; lễ hội lịch sử, cách mạng; lễ hội văn hoá, thể thao, du lịch; lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại VN.

Đối với các lễ hội dân gian định kỳ, ban tổ chức lễ hội có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm nhất là 20 ngày trước khi lễ hội 
diễn ra.

Các lễ hội khác chỉ được cấp giấy phép tổ chức nếu không có các nghi thức tàn bạo, không chứa đựng nội dung thể hiện sự kích động bạo lực…

Hồ sơ cấp phép phải có tài liệu lịch sử hoặc văn bản chứng minh nguồn gốc lịch sử lễ hội.

Dự thảo quy định mỗi cơ sở thờ tự trong không gian tổ chức lễ hội không đặt quá hai hòm công đức và phải bố trí nhà vệ sinh hợp lý, có hệ thống thu gom rác thải, trật tự an toàn, phòng chống cháy nổ…

Các cá nhân tham gia lễ hội không ném, cài tiền vào tay tượng, không nói tục chửi thề, xúc phạm tâm linh, không thực hiện đổi tiền hưởng chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội.

Trách nhiệm quản lý, quy hoạch, cấp phép lễ hội của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương được phân cấp rõ ràng.

Các cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Lễ hội nào cần quản trị ở tầm quốc gia?

Theo một nhà nghiên cứu, hiện nay những lễ hội đang có nhiều vấn đề gây tranh cãi nhất thường được phát triển theo mô hình từ truyền thống.

Nhưng biến tướng “nở” dần ra, vượt khỏi quy mô làng, xã như Yên Tử, chùa Hương, đền Hùng, đền Trần Nam Định, đền Bà Chúa Kho…

Khi đó các lễ hội vượt khỏi khả năng quản trị của cộng đồng địa phương.

Các lễ hội này trình diễn nghi lễ vì mục tiêu kinh tế là chủ yếu.

Đây mới là những lễ hội cần quản trị ở tầm quốc gia.

Nhà nước vẫn dành nhiều quyền quản lý

Sau khi đọc dự thảo nghị định, một nhà nghiên cứu văn hóa nhận xét cách phân loại và định nghĩa các loại hình lễ hội trong dự thảo chưa rõ ràng.

“Cách giải thích từ ngữ về loại hình lễ hội trong dự thảo này rất đóng khung, không bao quát được các loại lễ hội trên toàn quốc.

Chỉ nên chia thành hai loại là lễ hội dân gian truyền thống và lễ hội mới.

Hơn nữa, dự thảo vẫn dành quyền quản lý của Nhà nước quá nhiều, nên dẫn đến Nhà nước “làm hộ” dân nhiều việc đáng ra dân có thể tự làm được.

Nghị định chỉ cần đưa ra các quy định khung và trao quyền cho các đơn vị tổ chức lễ hội tự chịu trách nhiệm dựa trên khung đó.

Cũng không cần phải cấp phép với các lễ hội mới mà nên dựa vào khung quy định để hậu kiểm, nếu sai thì xử lý, hoặc đình chỉ lễ hội” – chuyên gia này phân tích.

Ông cũng nhấn mạnh: “Dự thảo nghị định này đã bỏ sót vấn đề quan trọng là không đưa ra quy định để kiểm soát được dòng tiền thu – chi trong các lễ hội. Việc nhận tài trợ, nhận công đức ra sao cũng không được đề cập”.

TS Trần Hữu Sơn – phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN – đánh giá điểm tích cực là cơ quan soạn dự thảo đã lường trước và dự định được gần hết những vấn đề nổi cộm trong lễ hội lâu nay.

Tuy nhiên, ông Sơn thắc mắc dự thảo chưa chỉ rõ sự khác nhau giữa lễ hội và các festival do Bộ Công thương chịu trách nhiệm như lễ hội trà, lễ hội mận, lễ hội lúa gạo…

Ông Sơn đặt câu hỏi: với những lễ hội tổ chức thường xuyên hoặc các lễ hội của các tôn giáo khác nhau thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định và có phải cấp giấy phép tổ chức không?

Bà Ninh Thị Thu Hương – cục phó Cục Văn hoá cơ sở – cho biết: “Với những vấn đề nổi cộm trong lễ hội thời gian qua, Bộ VH-TT&DL không thể giải quyết được tận gốc nếu như UBND các cấp không quản lý lễ hội trên địa bàn.

Khi đã đưa vào quy định của nghị định thì các cấp địa phương phải có biện pháp cụ thể chấn chỉnh các lễ hội phản cảm”.

Bà Hương cho biết nếu được Chính phủ đồng ý về chủ trương, đơn vị này sẽ tiếp tục xin ý kiến, tiếp thu, bổ sung dự thảo, dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2017.

VŨ VIẾT TUÂN