Hướng đi mới Artbook
Vốn thịnh hành ở nước ngoài, thể loại artbook là những cuốn sách được trình bày ấn tượng như các tác phẩm nghệ thuật đích thực đang mở ra hướng đi mới trong ngành xuất bản VN.
Hướng đi mới Artbook
Vốn thịnh hành ở nước ngoài, thể loại artbook là những cuốn sách được trình bày ấn tượng như các tác phẩm nghệ thuật đích thực đang mở ra hướng đi mới trong ngành xuất bản VN.
Đa dạng thể loại
Một trong những cuốn artbook Việt đầu tiên phải kể tới Tuyệt đỉnh sinh vật, gây tiếng vang với những bức tranh đậm tính nghệ thuật của nữ họa sĩ 9X Lê Mai Anh (bút danh là Tuyệt đỉnh sinh vật). Các tác phẩm của cô được nhiều người chọn làm hình đại diện trên mạng xã hội, hình nền máy tính, hình minh họa cho các câu chuyện của họ. Nhiều độc giả tâm sự rằng tranh của Mai Anh đem lại rất nhiều xúc cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Hoặc cuốn artbook Những kẻ mộng mơ (Day Dreamers) của Dzung Yoko, dày 200 trang, miêu tả chi tiết về hàng chục mẫu thiết kế kèm theo những bản thảo dành cho các tín đồ thời trang. Những bản phác thảo trang phục này được đặt song song cùng hình chụp hoàn chỉnh cho thấy quá trình thực hiện từ ý tưởng tới thực tiễn không quá cách xa nhau.
Từ những tín hiệu tích cực, các NXB ở VN dần đẩy mạnh hướng đi mới. Và NXB Kim Đồng là một trong những đơn vị tiên phong giới thiệu dòng artbook của các tác giả trong và ngoài nước với bạn đọc. Những artbook nước ngoài được độc giả yêu thích phải kể đến loạt tác phẩm của tác giả Đài Loan Jimmy Liao như Nàng rẽ trái chàng rẽ phải, Hòn đá xanh, Nụ hôn từ biệt, Ôi! Tình yêu. Trong đó, mỗi bức tranh khiến độc giả phải dừng lại ngắm nghía và suy ngẫm về những triết lý trong cuộc sống. Bộ đôi Những nàng công chúa bí ẩn và Lọ Lem của hoạ sĩ Khoa Lê là bộ artbook Việt đầu tiên của NXB Kim Đồng.
Bên cạnh những cuốn đầu tiên là những câu chuyện dành cho thiếu nhi, artbook Việt đã tấn công sang nhiều lĩnh vực khác. NXB Kim Đồng qua cuốn thơ 5 mùa đã giới thiệu 104 bức tranh của nhiều họa sĩ song hành cùng 104 trích đoạn thơ mang phong cách, trường phái đa dạng về cả hội họa và thi ca. Cô gái khỏa thân mơ màng nửa nằm trên cạn nửa nằm dưới nước, xung quanh trập trùng núi non, vài chiếc thuyền trắng hững hờ trôi thật gợi cảm qua nét vẽ của Huỳnh Kim Liên kèm trích bài thơ Hồn xuân của Huy Cận: “Ai biết người yêu nhỏ của tôi/Người yêu nho nhỏ trốn đâu rồi/Nhắn giùm với nhé, em tôi đó/Tròn trĩnh xinh như một quả đồi…”. Hoặc qua tranh của Miên Phan, những dòng thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh nói hộ nỗi lòng phụ nữ: “Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước/Ôi con sóng nhớ bờ/Ngày đêm không ngủ được/Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức” (trích bài thơ Sóng).
Gần đây nhất có thể kể đến Lĩnh Nam chích quái với hơn 200 bức minh hoạ đồ sộ của hoạ sĩ Tạ Huy Long, mang đến một diện mạo, hơi thở mới cho một tác phẩm văn học dân gian. Chẳng hạn với chuyện Đổng Thiên Vương, những bức tranh giúp độc giả hiểu thêm về sinh hoạt của người xưa như giã gạo, tát cá, nấu cơm, đi chợ, dắt trâu, đi đánh cá…
Cuốn sách Sài Gòn phố ở dạng pop-up gói trọn những địa danh đặc trưng của TP.HCM như nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, chợ Bến Thành, nhà thờ Tân Định, cầu Bình Lợi, chỉ với một lần lật giở trang. Những hình vẽ đẹp, sinh động đột ngột bật ra khỏi trang sách hoặc được xếp theo hình zích zắc và có thể kéo ra hay xếp vào, khiến không ít độc giả trẻ yêu thích bởi dễ dàng “mục sở thị” các cảnh quan nổi tiếng.
Chinh phục thị trường nước ngoài
Sau khi cuốn sách tranh thiếu nhi The First Journey ấn bản tiếng Anh (họa sĩ Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên) ra mắt trong Tuần lễ Asian Festival of Children’s Content (tại Singapore hồi tháng 5.2017) và được bán tại một số nước châu Á, NXB Scholastic Asia (Singapore) đã mời hai hoạ sĩ trẻ hoàn thiện dự án này ngay khi họ đoạt giải nhất với bản phác thảo The First Journey trong cuộc thi Scholastic Picture Book Award 2015.
Cuốn sách đã được NXB Kim Đồng mua bản quyền tiếng Việt và sẽ ra mắt tại VN với tên gọi Hành trình đầu tiên, kể về chuyến phiêu lưu của cậu bé An ở miền Tây Nam bộ. Nhân vật được lấy cảm hứng từ câu chuyện trong bộ sách Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Phần lớn các trang sách đều rất ít chữ bởi mọi thứ cần nói đều được thể hiện qua hình ảnh.
Một số họa sĩ như Khoa Lê, Phùng Nguyên Quang, Huỳnh Kim Liên… đã đánh dấu thành công trong sáng tác artbook bằng việc cộng tác với các đơn vị xuất bản nước ngoài, in sách bằng tiếng Anh trước khi chính thức xuất bản sang tiếng Việt. Hiện nhiều đơn vị xuất bản nước ngoài tại Thuỵ Sĩ, Trung Quốc… cũng đang có hướng tìm kiếm, phát hiện các họa sĩ tài hoa của VN để đặt vẽ cho các tác phẩm artbook của mình.
Không phải truyện tranh cho thiếu nhi
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên (Tổng biên tập NXB Kim Đồng) giải thích việc artbook xuất hiện khá muộn tại VN là do yếu tố kinh tế. Thông thường giá artbook khá cao bởi mỗi cuốn sách là một tác phẩm nghệ thuật, được in ấn đẹp, bìa cứng, chất lượng giấy tốt. Phần khác là do thói quen và quan niệm đọc sách: sách phải nhiều chữ (nhất là sách cho người lớn), sách nhiều tranh, ảnh thường là chỉ là sách dành cho trẻ con…“Thị trường đọc ở VN chưa “mặn mà” với sách artbook, phần lớn là do khả năng cảm thụ nghệ thuật chưa cao, hoặc có nhưng điều kiện kinh tế không dám chi mạnh tay cho dòng sách này. Ngoài ra, suy nghĩ kiểu “sách chữ mới trí thức, sách tranh là chỉ dành cho trẻ con” vẫn còn khá phổ biến”, nữ hoạ sĩ Khoa Lê giải thích.
|
Lucy Nguyễn