29/11/2024

Điểm chuẩn sư phạm giảm sút: Quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm

Việc quy hoạch các trường nên đầu tư, xây dựng các trường sư phạm lớn, có chất lượng theo vùng, khu vực để đào tạo GV cho một khu vực nhất định chứ không cần rải ra mỗi tỉnh một trường như hiện nay.

 Điểm chuẩn sư phạm giảm sút: Quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm

 

Việc quy hoạch các trường nên đầu tư, xây dựng các trường sư phạm lớn, có chất lượng theo vùng, khu vực để đào tạo GV cho một khu vực nhất định chứ không cần rải ra mỗi tỉnh một trường như hiện nay.



 

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển bổ sung vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCMẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 

Ông Phạm Tất Thắng (ảnh), Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng đã đến lúc cần rà soát và quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm, xem lại sự cần thiết của các trường CĐ sư phạm ở mỗi địa phương.
Ông Phạm Tất Thắng nhận định: “Việc trường sư phạm lấy điểm chuẩn ở mức 3 điểm/môn là rất thấp, nhất là đặt trong kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, một kỳ thi mà mục tiêu chính vẫn là xét tốt nghiệp THPT và có tới 60% kiến thức trong đề thi là kiến thức cơ bản”.
Xây dựng trường chất lượng theo vùng
 

Điểm chuẩn sư phạm giảm sút: Quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm - ảnh 1

Ông Phạm Tất Thắng

Hiện nay tỉnh thành nào cũng có một trường CĐ sư phạm bên cạnh hệ thống các trường ĐH sư phạm, trường ĐH đa ngành có ngành sư phạm khiến sinh viên tốt nghiệp bậc CĐ ra trường thất nghiệp… Theo ông, có cần tính toán lại sự tồn tại của các trường CĐ sư phạm ở mỗi địa phương?

Thời điểm chúng ta thiếu giáo viên (GV), cần đào tạo ngắn hạn một lực lượng GV tại chỗ để phục vụ nhu cầu học tập của người dân thì hệ thống trường trung cấp, CĐ đã phát huy rất tốt vai trò của mình. Tuy nhiên, hiện nay các trường phổ thông có nhiều cơ hội lựa chọn, những địa phương có điều kiện tốt thì ngay bậc tiểu học họ cũng tuyển những người tốt nghiệp ĐH. Bên cạnh đó, tình trạng thừa GV cục bộ ở các địa phương, ở một số cấp học, môn học; điều kiện giao thông liên tỉnh hiện nay cũng rất thuận tiện… nên tôi cho rằng chúng ta cần xem lại hệ thống đào tạo GV theo cách tổ chức mỗi tỉnh thành có một trường sư phạm có còn hợp lý hay không.
Theo ông thì hệ thống trường sư phạm cần sắp xếp lại theo hướng nào cho hợp lý?
Hiện nay các trường ĐH sư phạm đã đào tạo đội ngũ GV cho tất cả các cấp học. Việc quy hoạch các trường nên đầu tư, xây dựng các trường sư phạm lớn, có chất lượng theo vùng, khu vực để đào tạo GV cho một khu vực nhất định chứ không cần rải ra mỗi tỉnh một trường như hiện nay. Như vậy thì sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư một hệ thống đào tạo bề thế, chất lượng đội ngũ giảng viên cũng như cơ sở vật chất có chất lượng cao. Mỗi cơ sở như vậy sẽ đào tạo GV dạy nhiều cấp học chứ không nhất thiết phải phân chia bậc trung cấp, bậc CĐ thì đào tạo GV dạy cấp học nào như hiện nay. Làm được như vậy thì chất lượng giáo sinh ra trường chắc chắn sẽ tốt hơn.
Cũng đã đến lúc phải xem lại quy hoạch nguồn nhân lực cho ngành giáo dục. Có một thực tế là dù thời điểm này ở địa phương không cần lắm về nguồn nhân lực do những trường CĐ, ĐH sư phạm địa phương đào tạo ra nhưng năm nào các trường đó vẫn tuyển sinh, vẫn đào tạo. Đào tạo không có địa chỉ, không theo nhu cầu nhưng vẫn phải làm để duy trì sự tồn tại của chính họ. Do vậy, chất lượng đầu vào thấp, tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp cao mà vẫn thiếu GV cục bộ… là thực tế khó tránh. Điều này vừa lãng phí nguồn lực vừa tô đậm thêm “bức tranh màu trầm” về tỷ lệ thất nghiệp trong chính ngành giáo dục.
Cần có chế độ, chính sách như ngành công an, quân đội !
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có phát biểu rằng ngành sư phạm cần học tập ngành quân đội, công an. Vậy theo ông, việc “học tập” này có khả thi và cần thiết?
Nếu nói Bộ GD-ĐT học tập ngành quân đội, công an thì cũng không thực hiện được vì Bộ GD-ĐT đâu có chủ động quyết định được những chế độ ưu đãi cho đội ngũ, cho việc tuyển sinh, đào tạo của chính ngành mình.
Các trường của lực lượng vũ trang điểm chuẩn rất cao vì người dân nhìn thấy rất rõ những chế độ ưu đãi từ khi vào học đến khi ra trường ở các ngành đó. Vào được trường là được “bao cấp” hoàn toàn, ra trường là được bố trí công việc, mức lương so với thang bảng lương chung là rất tốt, ngoài ra còn các chế độ ưu đãi khác. Mặt khác, cánh cửa vào những trường này rất hẹp nên sự chọn lọc cũng gắt gao.
Ngành GD-ĐT không quyết định được ưu đãi như vậy, nhưng tôi cho rằng ngành GD-ĐT phải quyết liệt đề xuất bằng những động thái cụ thể và tích cực để biến thành chính sách của nhà nước.
Ông có cho rằng những chế độ đãi ngộ từ khâu đào tạo đến khi ra trường, thang bảng lương của ngành sư phạm cần phải được ngang bằng với ngành quân đội, công an không?
Tôi thấy điều đó là rất cần thiết. Chúng ta vẫn nói ngành sư phạm là máy cái để tạo ra một thế hệ công dân, lực lượng lao động trong tương lai và vai trò quan trọng của ngành sư phạm như thế nào trong việc đào tạo ra đội ngũ GV có chất lượng thì không cần phải bàn thêm. Khi “học tập” được những chế độ, chính sách như của ngành quân đội, công an thì chắc chắn chất lượng đầu vào của trường sư phạm sẽ cao và nhiều lựa chọn. Tất nhiên, khi đó chỉ tiêu đầu vào phải tính đúng, tính đủ theo nhu cầu chứ không thể đào tạo không theo địa chỉ như hiện nay.
Với những vấn đề nổi cộm của ngành sư phạm hiện nay, sắp tới Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có tiến hành giám sát để đưa ra những khuyến nghị xung quanh việc đào tạo, sử dụng đội ngũ GV hiện nay hay không?
Chúng tôi cũng đang tiến hành giám sát chuyên đề về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong đó có những vấn đề cụ thể như số lượng, chất lượng đội ngũ ra sao; chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này thế nào, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng ra sao; tồn tại những bất cập gì và cần bổ sung những yêu cầu gì trong thời gian tới.

 

Tuệ Nguyễn (thực hiện)