12/01/2025

Phố… không ngủ

Nghe hai từ ‘phố Tây’ cứ ngỡ chỉ dành riêng cho du khách Tây, nhưng thực tế nơi đây đã trở thành một địa điểm vui chơi về đêm của giới trẻ TP.HCM.

 

Phố… không ngủ

Nghe hai từ ‘phố Tây’ cứ ngỡ chỉ dành riêng cho du khách Tây, nhưng thực tế nơi đây đã trở thành một địa điểm vui chơi về đêm của giới trẻ TP.HCM.




Người trẻ tại phố Tây Bùi ViệnẢNH: NỮ VƯƠNG

Đến TP.HCM, người trẻ lại hỏi nhau “đã dạo phố đi bộ Nguyễn Huệ chưa?” hay “thức một đêm ở phố Tây chưa?”. Nếu trả lời là chưa thì ngay lập tức sẽ bị xếp vào nhóm “chưa biết gì về thành phố này”.
Đấy là cách người trẻ đánh giá về hai địa điểm vui chơi được họ bình chọn là đông vui và nhộn nhịp nhất TP.HCM.
 

Phố... không ngủ - ảnh 1

VIDEO: Nhiều trò chơi được bạn trẻ thành phố thể hiện trên phố Tây
 

Khu phố “xả stress”
Càng về đêm, đặc biệt là cuối tuần, khu phố Bùi Viện (Q.1) tấp nập người qua lại, cả khách Tây lẫn ta. Ghé vào tiệm giữ xe bên đường, sau khi đưa chiếc vé, người giữ xe hỏi: “Nửa hay nguyên”. Thấy tôi ngớ người chưa hiểu, anh nói tiếp: “Đến đây lần đầu à? Hỏi vậy tức là đi nửa đêm hay nguyên đêm để sắp xếp xe theo khu vực cho dễ lấy”.
Đúng như anh giữ xe này nói, dường như khu phố này chưa bao giờ ngủ. Càng khuya, dòng người đổ về càng đông. Nhóm dạo chơi trên đường phố, nhóm tấp vào các hàng quán bên đường vừa nhấm nháp ly bia vừa xem biểu diễn nghệ thuật đường phố.
Nếu phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút người trẻ bởi không gian thoáng đãng thì phố Tây Bùi Viện lại cuốn hút bởi sự “muôn hình muôn vẻ” của các thể loại giải trí đường phố, từ cà phê, bar ngoài trời đến những hàng quán bia bình dân, rồi những món ăn vặt đậm chất trẻ…
“Nói đến bar là mọi người nghĩ ngay đến sự phức tạp, nhưng mình thấy ở đây tất cả đều vui chơi lành mạnh. Nếu thích thì vào bar trong nhà lắc lư theo nhạc, không thì ngồi bar ngoài trời vừa thoáng mát, vừa ngắm dòng người qua lại đông vui. Uống bia cũng vậy, ai đến đây đa phần cũng nhấm nháp vài ly nhưng chỉ để vui là chính chứ chưa bao giờ mình nhìn thấy hiện tượng say xỉn ở khu phố này. Chính những điều đó đã làm nên khu phố đặc biệt như thế này, phố của người trẻ và những hình thức giải trí đường phố vui nhộn”, Mai Văn Công (nhân viên văn phòng ở Q.2) chia sẻ với chúng tôi về các quán bia và bar.
Khi thức cùng người trẻ ở khu phố này, chúng tôi cũng dần đắm chìm vào sự vui nhộn và tiếng cười nói rôm rả, chứ không còn suy nghĩ rằng mùi bia sẽ nồng nặc hay những lời chúc tụng “dô, ra” khi ngồi ở những hàng quán ăn nhậu như thế này.
“Tụi mình ở đây uống bia nhấm nháp cho vui, cho có không khí, không phải là nhậu. Thật ra sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng, tụi mình chỉ muốn tìm một địa điểm giải tỏa stress. Và đây là địa điểm mình thấy thích nhất”, Phạm Thị Huỳnh Phúc, sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM, chia sẻ.
Phố... không ngủ - ảnh 4

Nơi giao lưu văn hoá
Ghé vào một quán cà phê acoustic bên đường, chỉ với những hàng ghế bệt và bàn cũng là những chiếc ghế, nhưng giờ nào cũng đông khách. Ở đây khi trình diễn nhạc, đa phần các nhóm nhạc đều chọn những bài hát tiếng Anh đang “hot” vừa để phục vụ khách Tây vừa hợp “gu” âm nhạc của giới trẻ hiện nay.
Không riêng quán nhạc acoustic, khách đến khu vực này dù ngồi trong các hàng quán hay đi dạo ngoài đường cũng lắc lư theo nhạc. Mà nói vui như các bạn trẻ là “đến đây để tập thể dục cơ cổ”. Bởi âm nhạc và sự đông vui khiến mỗi người trẻ đến đây đều chung cảm giác thoải mái và giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi rất hiệu quả.
Khu phố này trước đây vốn dành cho khách nước ngoài, từ khi có sự “giao thoa” giữa khách Tây và giới trẻ thành phố, nơi đây lại càng đông vui và nhộn nhịp hơn. Những vị khách Tây ban ngày đi chơi, tham quan, tối trở về phố Tây thư giãn, giải trí và hòa mình vào cuộc sống đường phố về đêm lung linh sắc màu của đèn điện và các nền văn hóa đến từ nhiều nước cùng hội tụ về đây.
Chính vì thế nơi đây là địa điểm lý tưởng cho những bạn trẻ muốn trau dồi thêm vốn tiếng Anh. Trong dòng người đi trên phố, thi thoảng lại thấy từng tốp có cả Tây và ta. Hay ở trong các hàng quán cũng vậy, du khách và giới trẻ thành phố ngồi chung bàn, nói nói cười cười. Đấy là cách người trẻ học tiếng Anh và nói cho nhau nghe về văn hoá của nước mình, từ món ăn đặc trưng đến cách ăn mặc. Họ cũng dạy cho người nước ngoài nói tiếng Việt, để rồi lâu lâu lại thấy những giọng lơ lớ, chưa tròn âm gọi món “xin chào, khoai tây chiên có không?”.
Ngồi ở đây đến khoảng 23 giờ trở đi, du khách sẽ được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật đường phố do người trẻ phục vụ lẫn nhau. Nào là nhảy hiện đại, hát giao lưu… Nổi bật trong các nhóm hát đường phố tại đây là nhóm của Trần Quang Hùng (ở H.Hóc Môn), vốn được gọi với cái tên thân thương là anh chàng “mai mối”. Đây cũng là một hiện tượng nổi lên trên mạng xã hội sau khi bài hát Làm người yêu anh nhé baby được anh chàng này hát lại ngay tại phố Bùi Viện và được nhiều cặp đôi hưởng ứng với nhiều màn tỏ tình ngay tại chỗ. Từ đấy cái tên anh chàng “mai mối” ra đời.
“Mình rất vui vì ngày trước mọi người nói ra phố Bùi Viện để nhậu, để gặp người nước ngoài… thì bây giờ nhiều người nói với nhau là ra phố Bùi Viện để nghe thằng Hùng hát. Điều đó đã khiến mình gắn bó với những “bữa tiệc” âm nhạc đường phố như thế này”, Hùng thổ lộ.
Thật không quá lời khi nói nơi đây là khu phố dành riêng cho người trẻ. Các nhân viên phục vụ của các hàng quán cũng rất trẻ, chỉ từ 18 – 25 tuổi. Họ đến đây, vui chơi cùng nhau, phục vụ lẫn nhau và nói như anh chàng “mai mối” là vì họ đồng điệu với nhau.

 

Nữ Vương